May mắn thoát nạn, "người cướp cơm Hà Bá" mong lái tàu tuân thủ ATGT đường thủy

30/07/2024 06:44
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Gắn bó với sông nước, ông Chung nghiệm ra rằng, các quy định về ATTGT với các phương tiện lưu thông đường thủy cũng cần phải được thực hiện nghiêm túc.

Sinh sống giáp bến đò Tự Nhiên (xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội), gia đình ông Nguyễn Văn Chung (56 tuổi) gắn bó với nghề đánh bắt trên sông Hồng bấy lâu nay.

Ông Chung còn được nhiều người biết đến với biệt danh là “người cướp cơm của Hà Bá sông Hồng”, vì ông nhiều lần cứu người bị tai nạn đuối nước.

Cứu người bị đuối nước trên sông Hồng

Ở tuổi 56, nước da của ông Chung đen sạm vì nắng gió sông Hồng. Đôi tay gân guốc, rắn chắc của ông cầm ấm trà pha mời khách, rồi ông say sưa kể lại quãng đời mình gắn bó con sông này như vừa mới đây. Gắn bó với sông nước, ông Chung nghiệm ra rằng, các quy định về an toàn giao thông với các phương tiện lưu thông đường thủy cũng cần phải được thực hiện nghiêm túc.

Quê gốc của ông Chung là ở đối diện bên kia sông (bến đò Phương Trù, Khoái Châu, Hưng Yên), đời ông nội và bố của ông đều sống mưu sinh ở trên thuyền bằng nghề đánh bắt cá.

gdvn_nguoi-cuop-com-ha-ba-song-hong 23.jpg
Phía trước nhà ông Chung là bãi khu vực người dân trồng rau, cây ăn trái ở giáp bờ sông Hồng. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Ông Chung được sinh ra và lớn lên trên thuyền. Đến khoảng sáu, bảy tuổi, ông đã biết bơi lội dưới sông Hồng. Tuổi thơ năm mười hai tuổi, ông từng chứng kiến bố của mình vớt thi thể, khiến chàng thiếu niên năm đó bị ám ảnh nhiều năm trời.

gdvn_nguoi-cuop-com-ha-ba-song-hong (3).JPG
Ông Nguyễn Văn Chung. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Mưu sinh trên sông Hồng, ông Chung cũng cứu nhiều trường hợp không chỉ bị đuối nước do bơi lội, thậm chí là tự tử.

Hôm đó vào mùa đông giá rét, do tức giận bố mẹ, một nam thanh niên cao to tên B. (người cùng làng với ông Chung), trong bộ dạng thất thần, cởi trần lao xuống sông Hồng.

Thấy nhiều người hô “B. ơi vào đi”, ông Chung ở bên kia sông mạn xã Tự Nhiên liền vội vàng nổ máy thuyền sang cứu nạn nhân.

“Người nạn nhân to lớn, không mặc áo nên tôi tóm tóc và kéo mãi mới lên được. Tiếp đó, tôi đưa lên bờ để hô hấp và đốt lửa sưởi ấm. Sau này, cảm kích việc tôi cứu mạng, anh B. đã nhận tôi làm bố nuôi”, ông Chung chia sẻ.

Không chỉ có anh B. nhận ông Chung làm bố nuôi, ông Chung còn được nhận làm anh trai kết nghĩa, khi cứu một người phụ nữ cùng làng thẫn thờ ra sông tự tử.

Chia sẻ về kỹ năng sơ cứu nạn nhân bị đuối nước, ông Chung cho hay, nếu nạn nhân cắn răng, ông sẽ thổi hơi vào mũi rồi dùng hai tay ép ngực. Còn nếu nạn nhân há được miệng, ông sẽ hô hấp qua miệng nạn nhân.

Đến nay đã trải qua gần ba mươi năm cứu, vớt người bị nạn trên sông Hồng, bản thân ông Chung không nhớ được con số nạn nhân được ông "cướp từ tay Hà Bá".

Cả gia đình suýt mất mạng vì tai nạn đường thủy

Trên sông Hồng, phương tiện đi lại chủ yếu là tàu vận tải chở vật liệu xây dựng. Nếu lái tàu chỉ cần chút bất cẩn cũng sẽ xảy ra tai nạn.

Ngồi nhâm nhi chén trà, ông Chung nói, vào ngày 12/11/2022, ông cùng vợ và đứa con trai suýt mất mạng khi bị tàu lớn chở vật liệu tông trúng thuyền. May mắn, cả gia đình thoát chết và coi đó như là phúc của họ vì từng cứu được nhiều người đuối nước.

Hôm đó vào 7h sáng, ba thành viên trong gia đình đang ngồi trên hai chiếc thuyền để gỡ lưới bát quái đánh bắt cá, cách bờ khoảng một trăm mét. Khi này, một chiếc tàu cỡ lớn dài khoảng 7,5 mét chở đầy cát đã tông chìm hai thuyền.

“Lúc đó, tôi trong bộ dạng mặc bộ áo mưa hoảng hốt quan sát, thấy con đang bám víu được vào chiếc can, còn vợ tôi đã bất tỉnh.

Vợ tôi bị vật cứng trên thuyền đâm trúng vào cổ, bà ấy bị mất máu nhiều… Người lái tàu sử dụng điện thoại nên thiếu quan sát tông vào thuyền của gia đình”, ông Chung nhớ lại.

Vợ ông được đưa lên điều trị tại bệnh viện Việt Đức với chi phí điều trị tốn kém.

Ngồi nghe chồng chia sẻ về chuyện đã qua, người vợ của ông Chung cho biết, chỗ cổ bị thương của bà đã để lại biến chứng khiến bà nói chuyện không được lưu loát như trước, còn cánh tay trái bị liệt và phải trải qua nhiều đợt vật lý trị liệu mới cử động được.

Từ khi bị tai nạn đến nay, bà loanh quanh ở nhà, công việc đánh bắt cá trên sông giao cho chồng và người con gánh vác. Những di chứng của vụ tai nạn có lẽ sẽ còn gây ảnh hưởng lâu dài đến bản thân bà và gia đình.

Trải qua đau thương do lái tàu dùng chân điều khiển tàu, tay lướt màn hình điện thoại, có những lần ông Chung chứng kiến lại cảnh này trên sông Hồng, ông đã hét, thậm chí là dùng mọi cách để cảnh báo cho họ.

Không chỉ hành động trên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy, có những trường hợp lái tàu ngủ gật cũng rất nguy hiểm. Mỗi hành động bất cẩn của người điều khiển phương tiện giao thông dù đường bộ hay đường thủy đều có thể ảnh hưởng đến chính tính mạng họ và những người xung quanh.

“Trải qua sinh tử, tôi thấy cần đẩy mạnh tuyên truyền cho các lái tàu hơn nữa, để đảm bảo quá trình tham gia giao thông trên sông an toàn”, ông Chung kiến nghị.

Mạnh Đoàn