Kỹ năng xử lý tai nạn giao thông trên cao tốc và sơ cứu người bị nạn

20/07/2024 07:53
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Khi xảy ra tai nạn trên đường cao tốc, người điều khiển phương tiện phải phải giữ bình tĩnh, đồng thời phải bật đèn xe khẩn cấp và giữ nguyên hiện trường...

Vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng xảy ra vào sáng 11/7, làm 2 người chết, nhiều người bị thương.

Đường cao tốc là nơi các phương tiện di chuyển với tốc độ cao, có thể lên đến hàng trăm cây số/giờ. Vì vậy, chỉ một chút bất cẩn như dừng đỗ, thiếu quan sát... cũng có thể xảy ra tai nạn thảm khốc.

Vậy tài xế cần phải làm gì để phòng tránh những vụ tai nạn thương tâm trên cao tốc? Người chứng kiến cần làm gì để sơ cấp cứu nạn nhân?

Trả lời những câu hỏi trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với cán bộ Công ty quản lý khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, và thành viên trong nhóm FAS Angel - Hỗ Trợ Sơ Cứu người bị tai nạn.

Bình tĩnh xử lý khi xảy ra va chạm trên cao tốc

Theo ông Trịnh Quang Mộng - Phó Phòng Quản lý vận hành - Công ty quản lý khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho hay, khi xảy ra tai nạn trên đường cao tốc, trước tiên người điều khiển phương tiện phải phải giữ bình tĩnh, đồng thời phải bật đèn xe khẩn cấp và giữ nguyên hiện trường.

"Việc bật cùng lúc hai đèn xi nhan sẽ giúp tài xế khác nhận biết nhanh nhất xe của bạn đang gặp vấn đề. Tài xế không nên chỉ bật xi-nhan bên phải như dừng đỗ bình thường trên phố", ông Mộng chia sẻ.

Theo ông Mộng, tiếp đó, tài xế phải đặt các vật cảnh báo cách vị trí xe bị sự cố khoảng 100m để cảnh báo cho các phương tiện khác biết, tuyệt đối không được đi lại tự do, tập trung đông người để tranh cãi trên cao tốc.

gdvn_cao-toc-ha-noi-hai-phong.PNG
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Ảnh: NVCC)

Nếu xảy ra va chạm trên cao tốc, cần phải di dời tất cả những người ngồi trên xe và phải quan sát thận trọng khi bước xuống xe. Tiếp đó, mọi người cần phải di chuyển đến vị trí an toàn như đứng sau dải hộ lan tôn sóng.

"Nếu xảy ra va chạm trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, người dân có thể gọi điện cho số Hotline 1900.6989 của đơn vị quản lý đường cao tốc để được hướng dẫn, trợ giúp. Lưu ý, trong mọi hành trình của tài xế cần luôn mang theo vật dụng cảnh báo, như: tam giác phản quang, cọc tiêu, đèn nháy, áo phản quang", ông Mộng nhấn mạnh.

Việc dừng đỗ trên cao tốc có thể bị xử lý ra sao?

Phó Phòng Quản lý vận hành - Công ty quản lý khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho hay, trên cao tốc, có những tài xế thường dừng đỗ ở làn khẩn cấp để xử lý công việc riêng, việc này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về tai nạn giao thông.

"Các phương tiện khác di chuyển cùng chiều có thể gặp sự cố như nổ lốp, mất lái, thiếu quan sát... có thể sẽ tông vào xe đang dừng đỗ ở làn khẩn cấp", ông Mộng chia sẻ.

gdvn_cao-toc-ha-noi-hai-phong.JPG
Trung tâm điều hành cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. (Ảnh: NVCC)

Ông Mộng cho hay, việc dừng, đỗ, lùi... sai quy định trên đường cao tốc có thể bị xử phạt đến 12 triệu đồng và có thể bị tước Giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.

Chia sẻ về việc công tác quản lý đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, ông Mộng cho hay, đơn vị đã thường xuyên tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức của người tham gia giao thông góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường.

Cụ thể, đơn vị phối hợp với các đơn vị báo chí, phát thanh; Thực hiện tuyên truyền ở các đài truyền thanh các huyện dọc tuyến đường cao tốc đi qua; Cung cấp các thông tin thay đổi liên tục, kịp thời lên VMS, VOV giao thông; Viết các bài tuyên truyền trên các trang fanpage Facebook Đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành luật giao thông.

"Chúng tôi phối hợp với lực lượng chức năng để xử lý các trường hợp xe vi phạm như, dừng đỗ, đón trả khách, đi lùi, đi ngược chiều... đây là những nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn.

Đồng thời, đơn vị có đội tuần tra thường xuyên đi tuần, hỗ trợ đảm bảo an toàn giao thông cho các xe gặp sự cố, xử lý các vật rơi, chướng ngại vật trên cao tốc.

Nếu người dân gặp sự cố trên cao tốc, có thể gọi đến số điện thoại Hotline của đơn vị là: 19006989/ 0888.230.256. Hoặc liên hệ đến đường dây nóng trực ban Cảnh sát giao thông: 19008099", ông Mộng cung cấp thông tin.

Cách sơ cứu người bị tai nạn giao thông

Ba năm gắn bó với nhóm FAS Angel - Hỗ Trợ Sơ Cứu người bị tai nạn giao thông, anh Trần Hải Minh (sinh năm 1998, quê ở Ninh Bình) đã tham gia sơ cứu, đưa nhiều nạn nhân đến bệnh viện điều trị.

Theo anh Trần Hải Minh, người bị tai nạn giao thông sẽ gặp hai dạng là chấn thương phần mềm và chấn thương phần cứng.

Với chấn thương phần mềm, như nạn nhân bị va quệt khiến đứt mạch máu, anh Minh và đồng đội sẽ cầm máu cho nạn nhân bằng cách băng garo, còn nếu bị nhẹ sẽ rửa vết thương bằng nước muối sinh lý.

Đối với vết thương phần cứng như, gãy tay, gãy chân, nếu trường hợp nặng sẽ phải cầm máu cho nạn nhân. Nếu họ còn tỉnh táo, anh sẽ động viên họ duỗi chân về tư thế bình thường để nẹp và cầm máu.

“Chấn thương đốt sống cổ là nguy hiểm nhất vì liên quan đến hô hấp”, anh Minh nói.

Theo anh Minh, có những trường hợp nạn nhân say rượu, họ không đủ tỉnh táo để biết về tình trạng tai nạn của bản thân. Vì vậy, anh Minh sẽ phải đánh thức nạn nhân, nếu họ không phản hồi, anh sẽ kiểm tra đường thở theo hai cách.

Đó là, anh áp tai vào tim nạn nhân và ghé sát tai vào mũi xem họ còn thở hay không.

“Nạn nhân say rượu, bia, hầu hết họ bị chấn thương đốt sống cổ hoặc gãy xương quai xanh do bị ngã với tư thế nằm úp mặt.

Nếu nạn nhân nằm úp, chúng tôi sẽ nẹp cổ và lật ngửa người để kiểm tra các vết thương khác. Còn bị gãy xương quai xanh vai, có thể nhìn bằng mắt thường, chúng tôi sẽ nẹp tay sát người để khi di chuyển lên cáng, nạn nhân không bị tình trạng xấu hơn”, anh Minh cho hay.

Anh Minh chia sẻ thêm, khi nhóm đến hiện trường, mọi người đều phải giữ vững tâm lý, bởi sẽ gặp những trường hợp bị mất bộ phận cơ thể sau tai nạn.

Tiếp đó, có những nạn nhân sau va chạm bị co giật, lưỡi nạn nhân mềm lại, khi đó nhóm sẽ đợi nạn nhân hết co giật. Nếu nạn nhân bất tỉnh, sẽ để họ nằm nghiêng, và dùng tay để kéo lưỡi hoặc dùng tay đẩy cằm xuống cho lưỡi đổ ra.

Ba năm gắn bó với công việc thiện nguyện, anh Minh vẫn nhớ về trường hợp đặc biệt bị biến chứng nặng hơn.

Vụ tai nạn đó xảy ra ở đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), nạn nhân nữ sau va chạm xe máy bị ngã đập đầu xuống đường. Khi nhóm của anh Minh đến, nạn nhân tỉnh táo nhưng khi đưa đi viện để kiểm tra thì nạn nhân co giật, chóng mặt.

“Khi đó, tôi đang ngồi cabin của xe cấp cứu, liền bảo lái xe dừng lại, để kiểm tra.

Chúng tôi nhận định, nạn nhân có thể bị đông máu nên máu không thể đưa lên não. Vì vậy, nhóm phải đưa bác sĩ đến bệnh viện thật nhanh để bác sĩ xử lý”, anh Minh nhớ lại.

Mạnh Đoàn