"Mẹ ơi! Trái tim của mẹ chính là ngôi trường học của cuộc đời con"

11/10/2012 07:25
Độc giả Nguyễn Hoàng Ly
(GDVN) - "Cả cuộc đời mẹ chỉ có chúng con. Con biết dù mẹ làm gì, nghĩ gì, dù mẹ có như thế nào tất cả cũng chỉ vì chúng con. Mẹ bận rộn với những công việc không tên trong ngôi nhà nhỏ bé. Mẹ quẩn quanh trong bếp với những món ăn ngon. Mẹ pha cho con từng cốc sữa mỗi khi con đi học về. Mẹ lật đật ra đứng chờ con ở bến xe buýt trong cái lạnh tái tê lòng người...", độc giả Nguyễn Hoàng Ly tâm sự.
Tình mẹ, một tình cảm thiêng liêng, cao quý luôn hiện hữu trong mỗi người con dành cho đấng sinh thành của mình. "Lên non mới biết non cao, Có con mới biết công lao mẹ già!". Tình yêu của người mẹ hiền dành cho mỗi chúng ta, không thể nói hết bằng lời. Và cho dù có đi, ở đâu thì đúng thật, không ai tốt, chăm sóc, lo lắng cho chúng ta bằng chính cha mẹ...

Cô bé từng được liệt vào danh sách "trẻ em suy dinh dưỡng nặng" Nguyễn Hoàng Ly ngày nào, dưới bàn tay chăm sóc ân cần, chỉ dạy, lo lắng của người mẹ hiền nay đã trở thành cô học trò lớp 12A, Trường THPT Đa Phúc.

Những kỷ niệm, những tình cảm thân thương, thiêng liêng mà mẹ đã dành cho Ly đã được cô chuyển tải qua từng câu, chữ trong bài viết dưới đây. Mời độc giả cùng theo dõi:

Mẹ thương mến, sáng nay, con vô tình đọc một bài viêt trên “blog” của người bạn, có một câu mà con nhớ mãi “ Đêm qua nghe những cơn ho gà của mẹ mà con không thể kìm nổi nước mắt… ”. Con giật mình tự hỏi “Đã bao giờ con khóc vì mẹ chưa?”. Và câu trả lời của con là “chưa” mẹ ạ… Suốt mười sáu năm kể từ khi con có mặt trên thế giới này, con luôn là người làm mẹ khóc.
Khi mẹ mới sinh con ra, con chưa đầy hai cân, da dẻ xanh xao, miệng rộng, mắt xếch…thật chẳng đáng yêu chút nào mẹ nhỉ? Mẹ đã rớt nước mắt vì thương con là đứa thiệt thòi hơn những người khác. Hơn một tuần, hai mẹ con rời trạm xá về ở với ông bà nội. Biết tin mẹ sinh con ra là con gái, ông nội rượu chè suốt mấy hôm, quát tháo, và đuổi mẹ ra khỏi nhà.
Ảnh minh họa từ ca khúc "Nhật ký của mẹ" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung
Ảnh minh họa từ ca khúc "Nhật ký của mẹ" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung

Mẹ lại khóc… Con nghe bác kể lại rằng, ông con không phải là người xấu, ông chỉ nóng tính và không là chủ được bản thân khi say xỉn. Vì tham vọng có cháu trai nối dõi tông đường quá lớn, ông đã đổ hết trách nhiệm lên đầu mẹ. Có những đêm mẹ phải ôm con chui qua bờ rào chạy sang nhà bác để “trú tạm”, vì tiếng la hét, quát tháo của ông luôn làm con giật mình, khóc thé.
Hai tuổi, con được 7 cân. Mẹ đưa con vào khu tập thể trường mẹ dạy ở, gần đó có trạm xá xã, tuần nào mẹ cũng đưa con đi cân, và tuần nào mẹ cũng khóc vì đứa con gái mẹ sinh ra chưa bao giờ vắng mặt trong danh sách “trẻ em suy dinh dưỡng nặng.”
Mời độc giả gửi các bài viết về  những kỷ niệm ngọt ngào và những tình cảm thiêng liêng về người mẹ, người bà của, thầy cô giáo của mình. Bài viết hay sẽ được đăng tải trên báo Giáo dục Việt Nam. Chúng tôi sẽ chọn ra bài viết chất lượng để trao quà tặng của báo. Bài viết gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vnhoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Bố đi công tác xa, một mình mẹ ở nhà nuôi con với đồng lương ít ỏi. Cuộc sống thật khó khăn phải không mẹ? Mặc dù lúc đó con quá nhỏ không thể hiểu được những nhọc nhằn của mẹ, nhưng giờ đây, khi trở về thăm chốn ấy, bác Hoan y tế vẫn hay nói đùa “Đến giờ thấy mày khôn lớn thế này rồi bác mới dám nói. Chứ thú thực, hồi đó, bác không nghĩ mày có thể sống được đến bây giờ…” thì con cũng đủ thấm thía được phần nào nỗi cực khổ của mẹ khi nuôi con..
Năm tuổi, mẹ được nhà trường cử đi học, gia đình mình thuê nhà ở Thường Tín. Con vẫn còn giữ bức ảnh hồi đó, “gầy như quỷ đói”…bố vẫn hay mắng con thế mẹ nhỉ? Trông con thật là xấu xí…

Con còn nhớ, khi ấy, con đã không còn có mặt trong danh sách “suy dinh dưỡng nặng” nữa nhưng bên cạnh con là bệnh tật, ốm đau. Con bị bênh đường ruột, ăn vào cái gì là cho ra bằng sạch cái đó, rồi chân tay con nổi lên những nốt nhỏ mọng nước, ngứa lắm mẹ ạ. Con cứ khóc suốt thôi, đúng hơn là hai mẹ con cùng ôm nhau khóc...

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Mẹ lấy thuốc cho con uống, con vứt dưới gậm giường. Mẹ nấu cháo cho con ăn, con đem chia cho các bạn hàng xóm. Mẹ buồn lắm phải không? Chắc chắn rồi, vì những viên thuốc đó, vì những bát cháo thịt đó là sự đánh đổi cả tháng ăn cơm... muối của mẹ mà. Con chẳng biết quý trọng những điều ấy gì cả, con cứ hồn nhiên, cứ vô tư như vậy thôi…
Bảy tuổi, mẹ sinh em thứ hai là gái. Con còn nhớ như in tối hôm đó, bố làm về rồi hộc tốc vào viện, câu đầu tiên bố hỏi không phải là “mẹ tròn con vuông chứ” như bao người khác, mà bố hỏi “trai hay gái”.

Mặc dù kết quả siêu âm đã có từ rất lâu rồi, nhưng có lẽ bố con vẫn nuôi một hi vọng nào đó về em bé trong bụng mẹ. Biết là con gái, bố thở dài và bước ra khỏi phòng. Con hiểu rằng mẹ buồn lắm…Nhưng khi ấy con vẫn còn nhỏ nên sự thấu hiểu ấy vẫn rất mơ hồ, con chỉ biết rằng: Ai cũng muốn có con trai.
Mười tuổi, con bắt đầu biết cãi mẹ.

Mười lăm tuổi, con bắt đầu biết nổi nóng với mẹ.
Mười bảy tuổi, con đã lớn chưa? Cả cuộc đời mẹ chỉ có chúng con. Con biết dù mẹ làm gì, nghĩ gì, dù mẹ có như thế nào tất cả cũng chỉ vì chúng con. Mẹ bận rộn với những công việc không tên trong ngôi nhà nhỏ bé. Mẹ quẩn quanh trong bếp với những món ăn ngon. Mẹ pha cho con từng cốc sữa mỗi khi con đi học về. Mẹ lật đật ra đứng chờ con ở bến xe buýt trong cái lạnh tái tê lòng người.

Con nhận ra rằng, suốt mười bảy năm nay, mẹ vẫn luôn âm thầm, lặng lẽ bên con từng giờ. Vậy mà nhiều lần con đã to tiếng, càu nhàu với mẹ. Con cảm thấy nhàm chán trước sự quan tâm của mẹ. Con cảm thấy chán nản với cả mớ câu hỏi han. Con mệt mỏi trước những va chạm trong cuộc sống. Trán con nhăn lại, để thể hiện thái độ không đồng tình của mình…
Mẹ không chiều chuộng con như nhiều bà mẹ khác, và đôi khi con tị nạnh với các bạn vì điều ấy. Trong suy nghĩ con gái mẹ khi còn mười lăm, mẹ khác hẳn bây giờ. Nghĩ lại con thấy mình thật trẻ con khi ước ao mình có một người mẹ khác, tâm lý hơn, cưng chiều hơn.

Mẹ - người chưa bao giờ khen thưởng cho bất cứ điều gì mà con làm được, hay chỉ đơn thuần là một cái gật đầu khe khẽ cũng chưa từng được dành để đền đáp cho sự cố gắng của con.Mẹ luôn giam lỏng con trong những câu hỏi :” Đi đâu, với ai, làm gì?” và cấm cửa khi mới 9 giờ tối.

Con thấy thật là bực bội khi mẹ luôn cấm đoán con như thế, rồi cả chuyện con quên không gấp chăn màn khi ngủ dậy, quên không quét sân vài ngày mẹ cũng nói. Để con nhớ lại xem nào, hình như lúc đó con nghĩ mẹ là người khó tính, ghê gớm và chẳng hiểu con cái tẹo nào…
Nhưng thời gian trôi đi, con của mẹ đã lớn hơn rồi, mỗi sáng thức dậy con nhìn thấy mẹ cặm cụi trong bếp chuẩn bị đồ ăn cho cả nhà. Mẹ đi dạy học, trưa về lại nấu cơm, chiều đi dạy và tối về chăm sóc gia đình. Mẹ tất bận trong guồng quay của cuộc sống. Con chợt nhận ra: Hình như, con chưa khi nào hiểu mẹ!
Mẹ không cho con đi chơi, tụ tập với bạn bè nhưng năm nào mẹ cũng hỏi ý kiến con thích đi du lịch ở đâu. Mẹ không ôm con vào lòng và nói “Ôi! Con gái mẹ giỏi quá” khi con thành công nhưng tối nào mẹ cũng pha sữa cho con và nói “Cố lên nào!”.

Mẹ hay mắng con “Con gái mà phòng lúc nào cũng bừa bộn” nhưng con lại thấy phòng con lúc nào cũng sạch sẽ vì đã có bàn tay ai đó dọn giúp con rồi.. Còn rất nhiều điều mà bây giờ con mới nhận ra.

Con nhận ra rằng nhờ có sự giáo dục nghiêm khắc của mẹ ngay từ khi con còn nhỏ nên giờ khôn lớn con mới được như ngày hôm nay. 
Con của ngày hôm nay, không còn là đứa có thể mỉm cười hét to rằng: “Con yêu mẹ! Con cảm ơn mẹ rất nhiều” nữa rồi. Vì những chuyện va chạm trong cuộc sống thường ngày mà càng lớn con của mẹ càng sống thu mình vào một cái vỏ bọc. Có lẽ vì thế mà bố mẹ đã không hiểu được hết những gì con nghĩ và làm. Con đã từng khóc, đã từng tủi thân rất nhiều vì chuyện ấy.. Con của ngày hôm nay luôn tỏ ra là 1 đứa con gái vô tâm, nhạt nhẽo trước mặt bố mẹ. Con của ngày hôm nay…ngại..thể hiện cảm xúc của mình trước mặt bố mẹ…
Mẹ biết không? Mỗi lần con thấy tiếng thở dài mệt nhọc của mẹ và sâu thẳm trong đôi mắt mẹ là sự lo lắng muộn phiền, con thấy thương mẹ biết bao…
Con thương mẹ vì mẹ đã mang nặng đẻ đau để sinh ra con trên cõi đời này. Không những chỉ 9 tháng 10 ngày, mà cả cuộc đời mẹ luôn gánh phần cơ cực để con có được hình hài khỏe mạnh. Vì trong những lúc con ốm nặng, mẹ đã túc trực bên con, lo lắng cho con đến hai mắt thâm quầng. 

Mẹ là lá chắn vĩ đại, che chở con trước những xô bồ trong cuộc sống này Con thương mẹ vì dù có đói khổ, mẹ vẫn bảo rằng no để con ngon miệng, no bụng. Dù có lạnh, mẹ vẫn bảo rằng không vì con cần ấm để ngủ ngon trong cái mùa đông cứa da cứa thịt.

Dù có buồn, mẹ vẫn bảo rằng vui vì sợ con lo lắng, phân tâm trong trong cuộc sống, ánh mắt mẹ nhìn con dịu dàng nồng ấm hơn cả vầng trăng sáng đêm rằm. Con hạnh phúc vô cùng vì được tắm mình trong đôi mắt mẹ. Và dẫu con có đi bất cứ nơi đâu trên trái đất này, ánh mắt ấy vẫn dõi theo từng bước chân con..

Từ ngày ông ngoại con không còn sống chung thế giới với gia đình mình nữa, đêm nào ngủ con cũng thổn thức trong những giấc mơ… Con mơ thấy những người thân yêu xung quanh con lần lượt biết mất. Con sợ lắm cái cảm giác ấy, mẹ à…

Sợ thời gian tàn nhẫn và nghiệt ngã…

***
Con viết vài dòng để bày tỏ lòng mình với mẹ, nhưng con biết mẹ sẽ không bao giờ đọc được và con cũng không muốn điều ấy xảy ra. Chỉ là trong sâu tận đáy lòng con luôn luôn sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để mẹ được mạnh khỏe!
Mời độc giả gửi các bài viết về  những kỷ niệm ngọt ngào và những tình cảm thiêng liêng về người mẹ, người bà, thầy cô giáo của mình. Bài viết hay sẽ được đăng tải trên báo Giáo dục Việt Nam. Chúng tôi sẽ chọn ra bài viết chất lượng để trao quà tặng của báo. Bài viết gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Độc giả Nguyễn Hoàng Ly