Mẹo tránh...chiêu lừa của Spa

08/11/2011 06:15
Diệu Anh
(GDVN) -Thời buổi lạm phát, giá cả leo thang, đồng tiền mất giá…, nhưng nhu cầu làm đẹp của chị em lại không giảm xuống.
 Nắm được tâm lí luôn muốn mình đẹp hơn lên mỗi ngày của chị em, các Spa đã ra nhiều chiêu thức nhằm chiều lòng khách hàng, trong đó không ít spa đã sử dụng cả những thủ thuật hết sức tinh vi để giữ chân “thượng đế”. Hãy cùng Cẩm nang đẹp tìm hiểu xem đó là những “chiêu” gì nhé.

Treo “châu Âu”, bán “Trung Quốc”


Ngoài những Spa được mở ra với qui mô lớn, được đầu tư bài bản dựa trên những thương hiệu danh tiếng hoặc có bác sĩ đứng tên, đó là sản phẩm của những người thực sự tâm huyết với nghề, có tay nghề cũng như đội ngũ chuyên gia hùng hậu nhằm đưa đến cho khách hàng những phút giây “hưởng thụ cuộc sống” thực sự thì cũng có không ít những Spa được mở ra nhằm mục đích kiếm tiền bằng mọi giá mà không màng đến chữ “tâm”.

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet
Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Chỉ tính trên địa bàn Hà Nội đã có hơn 200 Spa lớn nhỏ. Vì nhu cầu làm đẹp cao nên Spa mọc lên như nấm. Có những Spa mà khi bước vào chúng ta không khỏi khó chịu vì mùi nước hoa rẻ tiền quyện với mùi ẩm mốc, tanh nồng. Cơ sở hạ tầng chỉ là một căn phòng rộng chừng 30-40 m2, bài trí đơn giản với 3,4 chiếc giường mà drap trải giường cũng như khăn choàng đã ngả ố.

Đánh vào tâm lí ngại chi phí cao của khách hàng nên những Spa này áp dụng một chính sách giá rất “bèo”. Nếu ở những cơ sở Spa khác giá chung một lần mát xa cơ bản dao động từ 200-500 ngàn đồng tùy thuộc vào độ sang trọng và chất lượng sản phẩm, thì ở những Spa này giá chỉ 70-90 ngàn đồng. Vậy chất lượng thì sao?

Người Việt chúng ta “xính” hàng ngoại, hàng châu Âu, hàng mang nhãn USA. Sản phẩm sử dụng tại spa cũng muôn hình vạn trạng, cũng được nhập từ nhiều nguồn, từ Âu, Mỹ, kể cả Trung quốc, Hồng Kông và thậm chí là chủ cơ sở làm đẹp tự chế biến.

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet
Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Nhiều cơ sở khi giới thiệu cho khách hàng thì đưa những sản phẩm mang nhãn mác châu Âu, châu Mỹ nhưng khi làm cho khách thì lại dùng những sản phẩm đựng trong những hộp toàn chữ Trung quốc, thậm chí là đựng trong hộp trắng trơn chả có chữ nghĩa gì ghi rõ thành phần hay công dụng, xuất xứ. Vậy mà khách hàng vẫn rỉ tai nhau đến để hưởng thụ vì những cơ sở như thế này…rẻ.  Khi được hỏi nguồn gốc sản phẩm thì chủ Spa khẳng định chắc nịch sản phẩm là thương hiệu châu Âu, châu Mỹ nhưng được sản xuất tại Trung quốc nên chất lượng vẫn chất lượng quốc tế. Không lo. Vậy ai chịu trách nhiệm và hậu quả của những vấn đề này?

Những băn khoăn…


Khi chúng ta là những khách hàng nằm nhắm mắt “hưởng thụ”, mặc sức để cho nhân viên spa chăm sóc, liệu chúng ta có biết chắc được loại dầu mà họ vừa bôi lên mặt mình là loại gì không?  Họ đang lau dọn máy móc, thậm chí vừa đi WC ra và mình đến họ vào làm ngay cho mình, vậy bạn có chắc tay họ đã được rửa?

Họ dùng miếng mút rửa mặt cho mình thật êm ái nhưng bạn có biết miếng mút đó đã được dùng đi dùng lại nhiều lần, thậm chí là dùng cho rất nhiều người bị mụn trứng cá hay cả da bị viêm nhiễm? Và những cam kết 80-100% sẽ cải thiện tốt hay tái tạo hoàn toàn làn da của bạn liệu có cơ sở hay không?

Có bao giờ bạn bỏ tiền ra mua một gói trị liệu nhưng khi kết thúc kết quả không như mong muốn mà bạn lấy lại được số tiền đã nộp? hay bạn đành ngậm ngùi…ra về trong bực dọc và ấm ức?!

Vậy sự thật nằm ở đâu? Đâu là cơ sở làm đẹp thật sự có chất lượng và uy tín? Đâu là những cơ sở mang tên chuyên gia nhưng “hành nghề “ lại là những bà chủ lắm tiền nhưng không có một chút kiến thức về làm đẹp hay thẩm mĩ?! Và làm thế nào để nhận biết?

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet
Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Mách nước


Hầu hết các Spa luôn tạo cho mình một hình ảnh rất nuột nà, sạch sẽ, đặc biệt là phòng trưng bày sản phẩm cũng như phòng đón tiếp khách. Bởi lẽ cảm nhận của hầu hết khách hàng chúng ta thường dồn vào phút đầu tiên. Khi bước vào Spa cảm giác sạch sẽ làm chúng ta yên tâm, tin tưởng. Nhưng nhiều cơ sở khi bước qua phòng đón tiếp, khi chúng ta đã đóng một  khoản tiền để vào “mê hồn trận” thì ôi thôi, ta rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Drap trải giường ngả ố, gối cho khách nằm đã lấm tấm mốc, khăn choàng đầu thì…chua và không khí trong phòng thì đặc quánh, ẩm thấp. Lúc này bạn còn muốn tiếp tục nằm xuống để “hưởng thụ”? Hay đứng dậy ra về? Thật không đơn giản chút nào. Nhưng với trải nghiệm lần đầu như vậy, nếu chịu khó quan sát thì bạn sẽ biết được ngay cơ sở làm đẹp nào chúng ta “một đi không trở lại”.

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet
Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Trước khi bạn nằm xuống cho nhân viêc Spa chăm sóc, chúng ta không quên cởi hết tư trang như vòng cổ, nhẫn, đồng hồ, khuyên tai. Hãy cất tất cả trong túi, cất vào ngăn gửi đồ và khóa lại.Thứ nhất, nhiều thiết bị máy móc được khuyến cáo dùng khi trên người không được có kim loại. Thứ 2, với những cơ sở kém chất lượng hay trá hình thì chiêu “luộc đồ” của khách không phải là không có.

Khi nhân viên bắt đầu làm cho mình, nếu không chắc tay của nhân viên đã được làm sạch, đừng ngần ngại yêu cầu để bảo vệ sức khỏe và làn da của bạn.

Ở những nơi chuyên nghiệp thì nhân viên thường có đeo khẩu trang khi làm cho khách, bạn hãy yêu cầu nếu nhân viên ở cơ sở bạn đang chăm sóc không có. Trong không khí ẩm thấp ở những cơ sở kém chất lượng, với cự li rất gần giữa bạn và nhân viên Spa thì việc phòng bệnh lây nhiễm là điều nên làm.

Hãy yêu cầu được biết tên quy trình và loại sản phẩm bạn sẽ được làm, điều đó khẳng định bạn có hiểu biết về quy trình Spa, nếu thấy nhân viên bỏ bước hay dùng sản phẩm không đúng hãy mạnh dạn phản ánh.
Để đảm bảo bạn không bị dị ứng với những sản phẩm tại Spa, trước khi bôi lên mặt bạn hãy yêu cầu nhân viên cho thử trước ở mặt trong của cánh tay mình trong 5-10 phút, nếu không thấy da bị đỏ hay ngứa thì bạn có thể dùng tiếp lên da mặt.

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet
Ảnh minh họa. Nguồn : Internet


Khi bạn đến để điều trị chuyên sâu như điều trị mụn hay trị sẹo, cũng như làm những dịch vụ có gây tổn thương nhẹ ở da dẫn đến chảy máu, hãy dũng cảm bảo vệ bản thân, thậm chí tính mạng của mình yêu cầu người có chuyên môn cao như quảng cáo trực tiếp khám và điều trị cho bạn. Hãy yêu cầu nhân viên đeo găng tay y tế, sát khuẩn, vô trùng dụng cụ trước khi làm vì những trị liệu như vậy rất dễ lây nhiễm bệnh cho người khác nếu quy trình làm sạch không đảm bảo.

Khi được nhân viên tư vấn và chào mời một gói dịch vụ mới hay một bộ sản phẩm của hãng mới ra mắt, thậm chí cả những sản phẩm với những lời quảng cáo chắc như đinh đóng cột rằng sẽ trắng da trong 1 tuần, tái tạo tế bào mới trong 10 ngày hay bôi trị hết nám chỉ trong 1 quy trình 1 tháng,…Bạn hãy mạnh dạn nói cần suy nghĩ thêm và nhanh chóng tìm một lí do hợp lí để từ chối và rút lui. Vì bạn vừa được chăm sóc rất tận tình, chu đáo, tâm lí nhiều người ngại từ chối trong những hoàn cảnh như vậy và kết quả là mua về một đống sản phẩm không có chất lượng mà trong một phút “u mê” ta đã bạo tay chi tiền.

Diệu Anh