Ngày 26 tháng 11 năm 2013, tàu sân bay Liêu Ninh rời cảng ở Thanh Đảo, đi theo mô hình biên đội "4+1" xuống Biển Đông tiến hành thử nghiệm và huấn luyện. |
Mô hình biên đội "4+1” và “n+1”
Sáng ngày 26 tháng 11 năm 2013, tàu sân bay Liêu Ninh lần đầu tiên xuất hiện với hình thức biên đội đã xuất phát từ một quân cảng ở Thanh Đảo, lần đầu tiên chạy hướng Biển Đông.
Theo truyền thông Trung Quốc, trong biên đội này, ngoài tàu sân bay Liêu Ninh làm hạt nhân, còn có các tàu hộ tống gồm 2 tàu khu trục tên lửa Project 051C là tàu Thạch Gia Trang và tàu Thẩm Dương; 2 tàu hộ vệ tên lửa Project 054A là tàu Yên Đài và tàu Duy Phường. Các tàu hộ tống này đều thuộc Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc.
Tờ “Nhân Dân” Trung Quốc ngày 3 tháng 12 dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng, mục tiêu huấn luyện lần này của tàu Liêu Ninh là 4+1=1, nhưng trong tương lai sẽ không chỉ như vậy, mà là có mục tiêu đạt tới là n+1=1. Ông Long cho rằng, lần này, biên đội tàu Liêu Ninh đến Biển Đông huấn luyện đã áp dụng mô hình “4+1”, nhưng tương lai sẽ áp dụng mô hình “n+1”.
Ông Long phân tích, một biên đội tàu sân bay phải có những thứ cơ bản như ở dưới nước phải có “bức tường”, tức là dựa vào tàu ngầm thông thường, tàu ngầm hạt nhân làm “bức tường” kiên cố; trên mặt biển cần có “đối tác”, tức là “bạn”, ngoài tàu khu trục, tàu hộ vệ hiện nay, còn có tàu tác chiến có chức năng tác chiến tổng hợp mạnh hơn sau này; ngoài ra, trên không còn có “ô dù”, gồm có vũ khí phòng không khu vực, máy bay trang bị cho tàu sân bay.
Hình ảnh tàu sân bay Liêu Ninh ở căn cứ Tam Á, đảo Hải Nam, Trung Quốc (do dân mạng tuyên truyền) |
Theo mạng quân sự sina Trung Quốc, biên chế cụm chiến đấu tàu sân bay Trung Quốc có nhiều nét giống như Hải quân Mỹ. Thông thường, cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ gồm có 3 - 4 tàu khu trục, 1 - 2 tàu hộ vệ, 1 tàu ngầm hạt nhân tấn công và 1 tàu tiếp tế. So với cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ, số lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc ít, tính năng hạn chế, đây có thể là nguyên nhân Trung Quốc không đưa tàu ngầm hạt nhân vào biên đội tàu sân bay.
Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 27 tháng 11 cho rằng, nhìn vào xu thế phát triển, số lượng tàu chiến của biên đội tàu sân bay trên quốc tế đang từng bước giảm đi. Lấy Mỹ làm ví dụ, trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, trong hạm đội hỗn hợp tàu sân bay Mỹ biên chế 3 - 4 đại đội hỗn hợp, mỗi đại đội có 26 tàu chiến.
Đến cuối thập niên 1950, cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ gồm có 1 tàu sân bay, 2 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục, 1 tàu hộ vệ, 2 tàu ngầm hạt nhân tấn công và 1 tàu chi viện chiến đấu, tổng cộng có 10 tàu.
Năm 2003, “Sổ tay Bộ trưởng tác chiến Hải quân” Mỹ đã tiếp tục điều chỉnh quy mô hạm đội, cụm chiến đấu tàu sân bay đổi tên thành cụm tấn công tàu sân bay, đồng thời đã giảm số lượng tàu chiến của biên đội tàu sân bay. Một cụm tấn công tàu sân bay tiêu chuẩn thường gồm có 1 tàu sân bay, 1 tàu tuần dương, 2 tàu khu trục, 1 tàu ngầm hạt nhân tấn công và 1 tàu chi viện chiến đấu, khoảng 6 tàu chiến.
Hạm đội tàu sân bay Mỹ |
Bài báo dẫn lời chuyên gia quốc phòng Nhật Bản cho rằng, tàu sân bay thường phải hình thành cụm chiến đấu cỡ lớn mới có khả năng tác chiến mạnh, khi tác chiến, cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ có thể trang bị 10 tàu tuần dương, hơn 40 tàu chiến các loại, biên đội tàu sân bay Trung Quốc chưa làm được điều này. Hiện nay, tàu sân bay Mỹ cũng đã trang bị máy bay tác chiến không người lái có thể bay 200 - 300 hải lý, còn tàu sân bay Trung Quốc thì chưa có.
Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, hiện nay, biên chế 2 tàu khu trục, 2 tàu hộ vệ trong biên đội tàu sân bay Trung Quốc vẫn là thử nghiệm ban đầu, hơn nữa trong tương lai cũng không chỉ sử dụng tàu khu trục Project 051C và tàu hộ vệ Project 054A, mà có thể biên chế các tàu chiến tiên tiến hơn như các tàu khu trục Project 052C, 052D. Điều này cũng phù hợp với quy luật huấn luyện từ đơn giản đến phức tạp.
Bài báo cho rằng, năng lực săn ngầm rất quan trọng đối với biên đội tàu sân bay, cho nên cần phải trang bị tàu chiến săn ngầm với số lượng nhất định. Ngoài ra, hiện nay ngày càng nhấn mạnh đến chức năng thực hiện nhiều nhiệm vụ tác chiến, do đó còn phải trang bị tàu chiến có khả năng tác chiến tổng hợp tương đối mạnh.
Tờ “Kanwa Defense Review” bổ sung cho rằng, tàu khu trục Project 052D đã trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động, tên lửa hạm đối không tầm xa HHQ-9 được dẫn đường bằng radar chủ động, tiên tiến hơn tàu khu trục lớp Burke của Mỹ và lớp Kongo của Nhật Bản – các tàu này trang bị radar quét mảng pha điện tử bị động, trang bị tên lửa dẫn đường bằng radar bán chủ động.
Tàu khu trục tên lửa Hải Khẩu 171, Project 052C (còn gọi là Aegis Trung Hoa) của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc (ảnh minh họa) |
Ngoài ra, tàu 052D còn lắp hệ thống phóng thẳng đứng mới, có thể phóng tên lửa phòng không, chống hạm, chống tàu ngầm và tên lửa hành trình tấn công đối đất, tác chiến có tính linh hoạt rất lớn. Được biết, ống phóng thẳng đứng của tàu khu trục Project 052C và 052D lần lượt là 48 và 64 chiếc, còn của tàu lớp Burke Mỹ là 90 chiếc, tàu tuần dương lớp Ticonderoga Mỹ lên tới 122 chiếc.
Tờ “Văn hối” Hồng Kông ngày 26 tháng 11 cho rằng, về cơ bản, biên đội tàu sân bay là biên đội chiến dịch hải quân thống nhất giữa tấn công và phòng thủ, có chiều sâu lớn, nhiều tầng nấc, hỏa lực tập trung, trong đó tàu sân bay là trung tâm/hạt nhân, phối hợp với vài chiếc đến hơn chục chiếc tàu khu trục hoặc tàu hộ vệ phụ trách phòng không, săn ngầm, cùng với tàu ngầm.
Theo bài báo, biên đội tàu sân bay chủ yếu dùng để quyết chiến hạm đội, tấn công các mục tiêu mặt đất, tranh đoạt quyền kiểm soát trên không và bảo vệ các tuyến đường giao thông trên biển. Lần này tàu sân bay cùng 2 tàu khu trục và 2 tàu hộ vệ cùng đến Biển Đông đã có “dáng dấp” biên đội tàu sân bay.
Tờ “Nam Ninh vãn báo” ngày 2 tháng 12 còn cho rằng, một điểm yếu rất lớn của Hải quân Trung Quốc là thiếu tàu tiếp tế hạm đội biên chế cho biên đội tàu sân bay Liêu Ninh. Do biên đội tàu sân bay tiêu hao rất lớn nhiên liệu, đạn dược, lương thực, nước, cần có tàu tiếp tế tổng hợp trọng tải lớn mới có thể đáp ứng nhu cầu vật tư của biên đội; trong khi đó, yêu cầu tác chiến tốc độ cao của biên đội tàu sân bay lại càng đặt ra yêu cầu rất cao về tốc độ của tàu tiếp tế.
Tàu tiếp tế tổng hợp Vi Sơn Hồ 887, Project 903 của Hải quân Trung Quốc (ảnh minh họa) |
Theo bài báo, trong lực lượng tàu tiếp tế hiện có của Hải quân Trung Quốc, 4 tàu Project 903 mới nhất có lượng giãn nước chỉ hơn 20.000 tấn, vật tư mang theo chỉ đủ tiếp tế một lần cho tàu chiến hộ tống biên đội, cơ bản không thể bảo đảm lượng tiêu hao lớn của tàu sân bay.
Tàu tiếp tế Project 905 có thân tàu nguồn gốc từ Ukraine tuy lượng dữ trữ vật tư đầy đủ, nhưng tốc độ quá thấp không thể cơ động cùng biên đội tàu sân bay. Trên thực tế, cho dù tàu tiếp tế Project 903 có tốc độ 20 hải lý/giờ vẫn không thể đáp ứng nhu cầu tốc độ ít nhất 25 hải lý/giờ của biên đội.
Trong tình hình này, tàu chi viện hạm đội cỡ lớn, tốc độ nhanh, có lượng giãn nước trên 30.000 tấn, sử dụng tua bin chạy ga, tốc độ tối đa trên 25 hải lý/giờ - sẽ trở thành mục tiêu quan trọng trong giai đoạn tiếp theo của Hải quân Trung Quốc.
Thông số kỹ thuật các tàu chiến trong biên đội
Về các thông số kỹ thuật của các tàu chiến trong biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, các tờ báo điện tử Trung Quốc đã đăng nhiều bài viết tuyên truyền về biên đội tàu sân bay này.
1. Tàu sân bay Liêu Ninh
Trang mạng sina Trung Quốc cho rằng, tàu sân bay Liêu Ninh có thể mang theo 26 máy bay chiến đấu J-15, bán kính tác chiến của loại máy bay này là 800-900 km.
Tàu sân bay Liêu Ninh |
Còn tờ “Thời báo Hoàn Cầu” dẫn Đài tiếng nói nước Nga cho rằng, tàu sân bay Liêu Ninh được cải tạo từ tàu sân bay Varyag chưa chế tạo xong của Liên Xô, có thể mang theo 30 máy bay, hiện đã tiến hành thử nghiệm cất/hạ cánh máy bay chiến đấu J-15.
Theo bài báo, tàu sân bay Liêu Ninh có lượng giãn nước 57.000 tấn, chỉ lớn hơn 1 nửa tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ.
Bài báo còn cho biết thêm, theo tư liệu của Quân đội Trung Quốc, tàu sân bay Liêu Ninh được bàn giao cho Hải quân Trung Quốc từ ngày 25 tháng 9 năm 2012, đã hoàn thành nhiều khoa mục thử nghiệm và huấn luyện, chủ yếu là cất/hạ cánh máy bay chiến đấu J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh như cất cánh kiểu nhảy cầu, cất/hạ cánh khi có trọng lượng tối đa, khi trong điều kiện khí tượng phức tạp.
Đài tiếng nói nước Nga cho rằng, tàu sân bay Liêu Ninh chỉ là “tàu thử nghiệm”, hoàn toàn không cho thấy nó thực sự và toàn diện phát huy vai trò của tàu sân bay.
Tờ “Liên hợp buổi sáng” Singapore ngày 27 tháng 11 cho rằng, tàu sân bay Liêu Ninh là chiếc đầu tiên của tàu sân bay Project 001 Hải quân Trung Quốc, lượng giãn nước tiêu chuẩn là 55.000 tấn, lượng giãn nước đầy là 67.500 tấn, biên chế trên 1.000 nhân viên/binh sĩ, có thể mang theo khoảng 50 máy bay – cả máy bay chiến đấu (24 chiếc) và máy bay trực thăng (26 chiếc).
Máy bay chiến đấu J-15 trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh |
2. Tàu khu trục Project 051C
Theo mạng sina Trung Quốc, trong biên đội tàu sân bay Liêu Ninh lần này có 2 tàu khu trục phòng không Project 051C là tàu Thạch Gia Trang và tàu Thẩm Dương.
Bài báo dẫn tờ “Strategy Page” Mỹ cho rằng, tàu khu trục Type 051C chủ yếu phụ trách phòng không, lượng giãn nước là 7.100 tấn, tốc độ tối đa 48 km/giờ, thủy thủ đoàn là 290 người. Trên tàu có hệ thống phóng thẳng đứng, trang bị tổng cộng 48 quả tên lửa phòng không S-300 do Nga chế tạo; đồng thời tàu này còn trang bị 8 quả tên lửa chống hạm C-803, 1 pháo chính 100 mm 1 nòng, 2 pháo bắn nhanh 30 mm và thiết bị phóng ngư lôi.
Tờ “Nhân Dân” ngày 26 tháng 11 bổ sung thêm cho rằng, tàu khu trục phòng không Project 051C là phiên bản cải tiến của tàu khu trục Project 051B, dài 165 m, rộng 17 m, mớn nước 6 m, lượng giãn nước đầy khoảng 7.000 tấn, là tàu khu trục có trọng tải lớn nhất do Trung Quốc tự sản xuất. Tàu khu trục Project 051C sử dụng động cơ tua bin hơi nước, tốc độ tối đa trên 30 hải lý/giờ, cải tiến lớn nhất của tàu Project 051C là đã sử dụng hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300F của Nga, trang bị 6 hệ thống phóng thẳng đứng, có thể cung cấp yểm trợ phòng không khu vực cho biên đội tàu sân bay.
Trong khi đó, mạng “Quan sát” Trung Quốc lại cho rằng, 2 tàu này dài 154 m, rộng 17,1 m, cao 35 m, lượng giãn nước đầy trên 6.600 tấn, tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ, tốc độ tuần tra 17 hải lý/giờ. Khi chạy với tốc độ tuần tra, khả năng chạy liên tục của tàu lớn hơn 4.000 hải lý, tức là 15 ngày đêm. Ngoài khu vực có băng như ở các vùng địa cực, loại tàu này có thể chạy an toàn ở bất cứ vùng biển nào.
Tàu khu trục Thẩm Dương 115 Project 051C, Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc |
Theo bài báo, 2 tàu khu trục Project 051C đều do nhà máy đóng tàu Đại Liên chế tạo, chủ yếu phụ trách nhiệm vụ phòng không khu vực cho biên đội và phòng không khu vực trọng yếu.
Tờ “Nhân Dân” cho rằng, tàu khu trục Project 051C là một sự lựa chọn quá độ, hiện nay Hải quân Trung Quốc đang chế tạo hàng loạt tàu khu trục phòng không Project 052C và Project 052D trang bị hệ thống tên lửa hạm đối không tầm xa nội địa. Tàu khu trục Project 051C chỉ chế tạo 2 chiếc, lần lượt là tàu Thẩm Dương và tàu Thạch Gia Trang, đều biên chế cho Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc.
3. Tàu hộ vệ Project 054A
Theo mạng sina Trung Quốc, tàu hộ vệ Project 054A có lượng giãn nước 4.300 tấn, tốc độ cao nhất là 49 km/giờ, biên chế 165 thủy thủ. Trang bị trên tàu gồm có 1 pháo chính 76 mm, 2 pháo bắn nhanh 30 mm, 8 quả tên lửa chống hạm C-803.
Tàu này thiên về tác chiến chống tàu ngầm, trang bị ống phóng ngư lôi săn ngầm, tên lửa săn ngầm và hệ thống phóng thẳng đứng 32 ống dùng để lắp tên lửa phòng không, tên lửa chống tàu ngầm. Tàu này còn trang bị 1 máy bay trực thăng săn ngầm. Điều đáng chú ý là, hệ thống radar, thiết bị định vị thủy âm và điện tử của tàu này đã được nội địa hóa hoàn toàn.
Tàu hộ vệ tên lửa Project 054A của Hải quân Trung Quốc |
Tờ “Nhân Dân” Trung Quốc thì cho rằng, tàu Project 054A là tàu hộ vệ săn ngầm và là tàu hộ vệ mới đang được Hải quân Trung Quốc chế tạo hàng loạt, hiện đã chế tạo hơn 10 chiếc. Tàu hộ vệ Project 054A dài 135 m, rộng 16 m, mớn nước 4,5 m, lượng giãn nước đầy 4.100 tấn, sử dụng động cơ diesel, tốc độ tối đa khoảng 28 hải lý/giờ.
Theo bài báo, nhiệm vụ chính của tàu hộ vệ Project 054A là chống tàu ngầm, trang bị thiết bị định vị thủy âm (sonar) ở đầu tàu, thiết bị định vị thủy âm kéo tần số thấp và tên lửa săn ngầm, có thể dò tìm, tấn công tàu ngầm đối phương ở cự ly tương đối xa. Tàu Project 054A còn trang bị tên lửa hạm đối không tầm trung HQ-16, cũng có khả năng phòng không khá mạnh. Tên lửa hạm đối không HQ-16 và tên lửa săn ngầm cùng lắp hỗn hợp trong hệ thống phóng thẳng đứng, tàu Project 054A có 4 nhóm 32 ống phóng thẳng đứng.
Bài báo cho biết, tàu hộ vệ Yên Đài và Duy Phường tham gia biên đội tàu sân bay Liêu Ninh lần này, lần lượt được biên chế cho Hạm đội Bắc Hải vào các năm 2011, 2012.
Mạng “Quan sát” Trung Quốc ngày 26 tháng 11 cho biết thêm, tàu hộ vệ Project 054A có tốc độ tuần tra là 18 hải lý/giờ, khả năng chạy liên tục là 4.000 hải lý hay 15 ngày, khả năng cản gió lớn hơn cấp 12, ngoài các vùng cực địa, tàu này có thể chạy an toàn ở bất cứ vùng biển nào.
Tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài Project 054A của Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc |
Theo bài báo, hai tàu này chủ yếu trang bị radar quét điện tử một chiều, hệ thống phóng thẳng đứng với 32 ống, hệ thống vũ khí săn ngầm, hệ thống phòng thủ tầm gần, hệ thống tên lửa hạm đối hạm, hệ thống vũ khí pháo, hệ thống vũ khí săn ngầm (có thể mang theo 1 máy bay trực thăng Z-9 hoặc Ka-28), là tàu hộ vệ có tính năng tiên tiến trên quốc tế hiện nay.
Bài báo cho hay, 2 tàu khu trục và 2 tàu hộ vệ trong biên đội tàu Liêu Ninh lần này đều đến từ chi đội 1 tàu khu trục của Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc, đều là tàu chiến mặt nước thế hệ mới của Trung Quốc, lần lượt biên chế sau năm 2005.
Phân công nhiệm vụ
Bài báo cho rằng, nhìn vào phân công nhiệm vụ phòng không, trong cụm chiến đấu tàu sân bay Trung Quốc, máy bay chiến đấu J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh sẽ phụ trách phòng không tầm xa, 2 tàu khu trục Project 051C sẽ làm nhiệm vụ phòng không tầm trung, 2 tàu hộ vệ Project 054A trang bị tên lửa HHQ-16 thực hiện nhiệm vụ phòng không tầm gần và săn ngầm.
Còn về phân công nhiệm vụ tác chiến chống hạm, cụm chiến đấu tàu sân bay Liêu Ninh chủ yếu dựa vào khả năng tấn công của các máy bay chiến đấu trên tàu sân bay, đồng thời còn dựa vào năng lực tấn công không nhỏ của tên lửa chống hạm YJ-83 trang bị cho các tàu chiến hộ tống.
Máy bay trực thăng săn ngầm Ka-28 Trung Quốc, mua của Nga. |
Truyền thông Trung Quốc tập trung tuyên truyền khẳng định, Trung Quốc đã bước đầu hình thành cụm chiến đấu tàu sân bay đầu tiên. Đây là lần đầu tiên tàu sân bay Liêu Ninh tổ chức huấn luyện trong thời gian dài vượt qua các vùng biển. Tàu sân bay Liêu Ninh đến Biển Đông huấn luyện có điểm sáng lớn nhất không phải là đến Biển Đông, mà là hình thành “biên đội tàu sân bay”.
Về số lượng tàu sân bay tương lai, Trung Quốc thực sự có tham vọng chế nhiều tàu sân bay hơn. Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt, Trung Quốc có kế hoạch đến năm 2020 chế tạo 4 tàu sân bay hạng trung. Trong khi đó, có học giả Viện Khoa học Nga cho rằng, Trung Quốc sẽ chế tạo 2 tàu sân bay thông thường và 1 tàu sân bay hạt nhân trong 10 năm tới.