Tự ý “khai tử” Nghị định Chính phủ?
Đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội làm rõ và trả lời cử tri về những dấu hiệu bất thường khi thu hồi đất thực hiện dự án Đề pô xe điện tại huyện Từ Liêm:
Thứ nhất, năm 2007 khi còn là Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, ông Nguyễn Cao Chí đã ký hai quyết định thu hồi đất với cử tri Chu Hữu Đặng (Thôn Hạ, Tây Tựu, Từ Liêm) đều mang số 6298/QĐ-UBND ngày 31/12/2007.
Một quyết định ghi “Thu hồi 900m2 đất của hộ gia đình ông (bà) Chu Hữu Đặng thuộc thửa 211 (1), tờ bản đồ số 27, bản đồ năm 1994, tỷ lệ 1/1000 lưu tại UBND xã Tây Tựu”.
Một tờ quyết định khác thì ghi “Thu hồi 1159m2 đất thuộc thửa số 221 (1), tờ bản đồ số 27, bản đồ năm 1994 lưu tại UBND xã Tây Tựu, do hộ ông (bà) Chu Hữu Đặng đang sử dụng, trong đó 900m2 đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp và 259m2 đất do UBND xã quản lý”.
Thứ hai, tại sao đến nay đã 7 năm mà nhiều hộ dân vẫn chưa nhận được bản gốc của quyết định thu hồi đất của dự án đề pô xe điện, nhưng đã được nhận tiền đền bù? Rất nhiều gia đình được giao tiền đền bù rồi 5 tháng sau huyện Từ Liêm mới ra quyết định thu hồi đất?
Thứ ba, tại sao trong cùng một dự án giá tiền bồi thường về đất lại khác nhau: ông Long xã Minh Khai (160.000đ/m2) còn ông Nguyễn Khắc Lượng (Thôn Hạ, Tây Tựu) lại là 108.000đ/m2. Quyết định ngày 29/11/2007 áp dụng với ông Long thì căn cứ Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 còn quyết định ngày 31/12/2007 áp dụng với ông Lượng và một số bà con khác tại xã Tây Tựu lại không căn cứ vào Nghị định 84/2007/NĐ-CP. Vậy phải chăng huyện Từ Liêm to đến mức đã tự cho phép mình “khai tử” Nghị định 84/2007/NĐ-CP trước ngày 31/12/2007?
Kỳ họp HĐND TP Hà Nội diễn ra từ ngày 8-11/7, có rất nhiều câu hỏi làm "đau đầu" ông Nguyễn Thế Thảo. |
Ngày 25/02/2008, Hội đồng BTHT&TĐC của UBND huyện Từ Liêm ra Thông báo số 244/TB-HĐBTHT&TĐC về việc ngừng xây dựng và sản xuất, giữ nguyên hiện trạng trên diện tích đất thu hồi để thực hiện GPMB tại xã Tây Tựu, xã Minh Khai, xã Thụy Phương, xã Cổ Nhuế và xã Liên Mạc phục vụ dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội.
Đến nay đã hơn 6 năm nhiều hộ dân thuộc khu vực bị ngừng sản xuất, xây dựng theo thông báo 244/TB-HĐBTHT&TĐC vẫn chưa được bồi thường hỗ trợ, thậm chí là chưa được kiểm đếm.
Nhân dân đang rất bức xúc bởi đất thì bỏ hoang 6 năm trong khi tiền đền bù không có hoặc thậm chí vẫn nằm treo chờ kiểm đếm thì lấy gì kiếm kế sinh nhai? Họ có suy nghĩ tiêu cực rằng với số tiền đền bù chậm trễ không trả cho dân mà đem gửi ngân hàng trong từng ấy thời gian thì đơn vị làm công tác hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã chiếm dụng biết bao nhiêu tiền của dân ??? Vấn đề Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội bao giờ thì giải quyết dứt điểm cho dân?
Ông Nguyễn Hữu Kiên cũng đặt vấn đề: Tại sao ban đầu dự kiến là 1/7/2014 huyện Từ Liêm mới chính thức tách làm 2 quận, nhưng sau đó đẩy sớm lên 3 tháng khiến các công việc chuẩn bị rất cập rập: Các trụ sở tạm ngổn ngang trước ngày chia tách thậm chí còn có những công trình tiếp tục hoàn thiện sau khi tách, lát nền láng sân chỉ hoàn thiện trước vài ngày. Địa giới hành chính một số phường chưa phân định địa giới gây khó khăn cho việc bầu cử vừa qua.
Các thủ tục pháp lý về ngân sách cũng chưa hoàn thành. Cụ thể, do thời hạn tách bị ép xuống tới 90 ngày (chưa kể 10 ngày nghỉ Tết) mà không có đủ thời gian để HĐND huyện Từ Liêm hoàn thành thủ tục thông qua việc sử dụng hàng trăm tỷ đồng kết dư ngân sách năm 2013, vấn đề pháp lý với số tiền này sẽ được xử lý và sử dụng như thế nào?
Công tác chuẩn bị chỉnh trang tính đến ngày 1/4/2014 để tách huyện Từ Liêm ít nhất hết 97 tỷ chỉ tính riêng cho việc chỉnh trang các cơ quan hành chính của quận Bắc Từ Liêm. Vậy đến ngày hôm nay sau hai cuộc bầu bổ sung hoàn thành thì chi phí này đã lên bao nhiêu? Và khái toán sẽ là bao nhiêu nữa khi xây dựng các cơ sở mới tối thiểu như trụ sở quận Bắc Từ Liêm, trụ sở 4 phường Đức Thắng, Xuân Tảo, Phú Diễn, Cổ Nhuế 2 và 13 đồn công an các phường, 7 trường công lập mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, 8 trung tâm văn hóa thể thao, 3 trạm y tế… và hoàn thiện công tác còn lại trong việc tách huyện Từ Liêm làm 2 quận?
Nhiều cán bộ mắc sai phạm vẫn bình yên vô sự?
Trong văn bản ngày 8/6/2014 gửi cho chủ tịch UBND TP Hà Nội, Đại biểu Nguyễn Hữu Kiên đã yêu cầu Ủy ban bầu cử quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm rà soát lại từng ứng cử viên để tránh tình trạng để lọt ứng viên “bất thường”.
Cụ thể là trường hợp của ông Nguyễn Huy Tưởng (Bí thư Đảng ủy phường Liên Mạc, người bị tố cáo đúng người đúng tội đã không đủ điều kiện ra ứng cử năm 2011 và trong thông báo kết luận số 180-TB/HU ngày 27/3/2012 của Thường vụ huyện ủy Từ Liêm cũng đã xác nhận những sai phạm của ông Tưởng khi trả lời cho công dân); nhất là các cá nhân liên quan đến kết luận số 795/KL-TTTP(P7) ngày 05/4/2013 về việc thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác bồi thường,hỗ trợ và tái định cư GPMB trên địa bàn huyện Từ Liêm trong thời gian các năm 2008-2011 mà theo đó hơn 70 tỷ đồng đã bị chi sai, thất thoát trong giai đoạn này.
Bất chấp đã được cảnh báo từ rất sớm như vậy, trong danh sách ứng cử viên chính thức vẫn có ứng cử viên “bất thường”. Đó là ông Chủ tịch Hội chữ thập đỏ quận Bắc Từ Liêm - nguyên là Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Từ Liêm (cũ) bị kỷ luật năm 2010 vì lý do để cấp dưới vi phạm công tác chuyên môn (sau 2 năm làm chuyên viên phòng LĐTBXH thì nguyên Chi cục trưởng đã được đề bạt vào vị trí Chủ tịch Hội chữ thập đỏ) và ông Trưởng phòng Tài Nguyên Môi trường quận Nam Từ Liêm - nguyên Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Từ Liêm (cũ), người bị nêu đích danh trách nhiệm trong những sai phạm mà kết luận 795 đã nêu vẫn đường hoàng lọt vào danh sách chính thức.
Đến nay là gần 30 ngày, cuộc bầu cử đã kết thúc và vẫn có những cán bộ liên quan đến sai phạm vẫn bình yên vô sự, thậm chí còn được bầu là thành viên UBND quận. Điều bất thường là trong suốt thời gian qua, UBND thành phố không hề có một phản hồi nào trả lời đại biểu, trả lời nhân dân tại huyện Từ Liêm?
Đại biểu Nguyễn Hữu Kiên nêu rõ, ngày 05/4/2013, thanh tra thành phố ra kết luận số 795/KT-TTTP (P7) về việc thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác bồi thường,hỗ trợ và tái định cư GPMB trên địa bàn huyện Từ Liêm trong thời gian các năm 2008-2011. Kết luận 795 đã chỉ ra hơn 70 tỷ đã bị chi sai, thất thoát trong giai đoạn này.
Nội dung kết luận này trong văn bản số 5504/UBND-TNMT ngày 02/8/2013, UBND thành phố đã có ý kiến đồng ý về cơ bản với kết luận, kiến nghị của Thanh tra và yêu cầu UBND huyện Từ Liêm tổ chức kiểm điểm tập thể và cá nhân có liên quan theo thẩm quyền về những tồn tại, sai phạm và báo cáo UBND TP Hà Nội trước ngày 25/8/2013; giao Thanh tra thành phố Hà Nội tổng hợp báo cáo UBND TP trong tháng 9/2013. Vậy kết quả kiểm điểm và thực hiện kết luận sau thanh tra như thế nào?
Tại sao cho đến nay những các cán bộ bị nêu đích danh vẫn được tại vị hoặc bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn thậm chí đã được đề cử ra ứng cử bổ sung đại biểu HĐND và sau đó được bầu là thành viên UBND quận vào ngày 4/7 vừa qua như: Ông Nguyễn Trung Nghĩa – nguyên phó GĐ Trung tâm phát triên quỹ đất huyện Từ Liêm; ông Nguyễn Trường Sơn - nguyên Trưởng phòng tài chính kế hoạch huyện Từ Liêm cũ được bố trí làm Phó chủ tịch lâm thời UBND quận Nam Từ Liêm và vừa được bầu là Phó chủ tịch quận Nam Từ Liêm ngày 4/7.
Ông Nguyễn Kim Vinh và bà Nguyễn Thị Huệ, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Từ Liêm tiếp tục được giao giữ vị trí Phó chủ tịch lâm thời của UBND quận Bắc Từ Liêm; ông Nguyễn Tiến Thành - nguyên Trưởng ban GPMB huyện Từ Liêm tiếp tục làm Trưởng ban GPMB quận Nam Từ Liêm và vừa được bầu là Phó Chủ tịch HĐND quận Nam Từ Liêm ngày 4/7; bà Nguyễn Thị Sơn - nguyên Trưởng phòng TNMT huyện Từ Liêm tiếp tục giữ vị trí ngày tại quận Bắc Từ Liêm.
Các nội dung giao Công an huyện Từ Liêm điều tra sau kết luận thanh tra, hiện nay đã thực hiện như thế nào?