Hành động vì trái tim
2 tuần qua, cả nước đã bước vào một cuộc chiến mới chống Covid-19 với hơn 500 ca lây nhiễm cho dù đã được khoanh vùng, cách ly, nhưng vẫn đang còn những diễn biến phức tạp.
Ngày 28/1, trong cuộc họp khẩn quán triệt công tác phòng, chống Covid-19 diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 nhấn mạnh: “Chủng mới của virus SARS-CoV-2 lây lan rất nhanh, nhưng chúng ta sẽ hành động nhanh hơn thế. Chúng ta đã không bỏ lỡ một giây phút nào, tiếp cận ngay từ giây phút đầu tiên để ghi nhận bệnh nhân”.
Xác định rõ lần này, sự xuất hiện của chủng biến thể của virus Corona với đặc điểm lây lan nhanh trên diện rộng, mức độ nguy hiểm hơn chủng cũ gấp nhiều lần, công tác phòng, chống dịch phải tiến hành nhanh chóng, nghiêm túc và quyết liệt hơn những đợt dịch trước.
Dịch bệnh quay trở lại đúng vào thời điểm trước dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu di chuyển, đi lại, mua sắm khiến việc kiểm soát dịch bệnh trở nên phức tạp hơn.
Thế nhưng, một lần nữa, hàng triệu người dân Việt Nam thổn thức vì những điều nhỏ bé mà phi thường, đáng tự hào đến thế. Những thiên thần áo trắng của chúng ta lại bước vào cuộc chiến mới, đó chính là các y, bác sỹ tuyến đầu chống dịch. Những giấc ngủ vội, những bữa ăn nhanh, những bộ quần áo kín mít từ đầu đến chân thay cho những bữa cơm nhà nóng sốt, những bộ quần áo tinh tươm khi Tết đang cận kề.
Chúng ta tự hào vì có đội ngũ y, bác sỹ không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn chứa đựng những trái tim ấm áp đến diệu kỳ.
Chúng ta chứng kiến những bệnh viện dã chiến được dựng lên, khoanh vùng khu cách ly nhanh gọn, cẩn trọng, dứt khoát là nhờ công sức của những chiến sỹ bộ đội, an ninh đương đầu hiểm nguy với dịch bệnh và những nhà tài trợ như Sungroup.
Tết đặc biệt của các chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống Covid-19. (Ảnh VOV) |
Những công việc có thể mọi người đã làm đến hàng nghìn, hàng vạn lần, nhưng sao quá đỗi đặc biệt, quá đỗi thiêng liêng. Chỉ đơn giản, đó là khi Tổ quốc cần các anh lên đường ra trận, giữ gìn, bảo vệ sức khoẻ của đồng bào.
Những cô, cậu trò nhỏ trường mầm non, tiểu học được cách li tập trung ngay tại trường chỉ vì bạn cùng lớp là ca lây nhiễm. Hành trang lên đường là chăn gối, là cặp sách, là những cuốn truyện, là sữa, là bỉm… ấy thế mà chúng ta tự hào để nói với thế giới rằng, với Việt Nam, tất cả mọi thế hệ người Việt đều chung tay chống lại dịch bệnh Covid-19.
Đáng để kể lắm chứ, là khi đọc bức thư mạnh mẽ của một bà mẹ có con bị cách ly tập trung nhưng vẫn rắn rỏi để cười tươi nói rằng con tham gia chương trình “Sao nhập ngũ”, ăn đi vì biết đâu Tết này con không được ăn món mẹ nấu rất dài ngày.
Đáng tự hào lắm chứ, là khi một thầy hiệu trưởng cùng các giáo viên trong trường tại một trường tiểu học tình nguyện cách ly dẫu biết rằng đó là nơi nguy hiểm, có thể không ăn Tết ở nhà cùng gia đình và có thể cũng rất nhiều chuyện xảy ra.
Tết đối với những người trong khu tập trung vẫn ấm áp, có đào, có bánh chưng, có những dòng chữ nắn nót bằng phấn trắng lên bảng “Chào Xuân 2021”. Dẫu xa nhà cách ly tập trung có buồn thật, dịch bệnh đáng sợ thật nhưng cũng ấm áp, yêu thương đến lạ thường.
Những bữa cơm xa nhà dài ngày nhất đầu đời của các em học sinh ở khu tập trung cách ly lo lắng bao nhiêu thì in hằn sự vất vả, mệt nhọc của các thầy, cô giáo bấy nhiêu. Dù khó khăn vất vả, các thầy cô đang làm tốt nhiệm vụ của mình, động viên những phụ huynh bên ngoài cánh cổng cách ly rằng “các bố mẹ yên tâm nhé, các con trong này rất ổn, không có gì đáng lo”.
Tết đang đến rất gần, chúng ta ai cũng có gia đình, cũng có nhà là nơi trở về, nhưng riêng Tết năm nay với những người thực hiện cách ly, những người đang thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng nơi đỉnh dịch thì trường học, bệnh viện, lều tạm… đều là nhà, những người xung quanh là gia đình. Chỉ là nhà rộng hơn, gia đình lớn hơn bởi chúng ta đang sống vì đất nước mình.
Những nốt trầm trong “bản hòa ca”
Trong không khí cả nước khẩu hiệu vang lên khắp nơi thì vẫn có những quyết tâm chống dịch, “chống dịch như chống giặc”, “ai ở đâu thì ở yên đấy” … thì vẫn còn những hình ảnh xấu xí, những nốt trầm trong “bản hòa ca” mà cả đất nước đang cùng chung một nhịp.
Những bản tin thiếu chính xác thậm chí xuyên tạc, vu khống về những ca bệnh khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Không vui vẻ gì khi các cơ quan chức năng phải “xuống bút” ký biên bản phạt hành chính, có thể xem xét mức phạt hình sự đối với những trường hợp đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội để mua vui, để “câu like”, để tăng tương tác.
Hệ lụy nó không chỉ là một vài nút chia sẻ trên mạng xã hội mà kéo theo sự hoang mang, lo lắng của nhân dân, của các gia đình, của toàn xã hội.
Lạ đời thay khi người trong cuộc (người bị cách ly) phải lên đính chính thông tin trên mạng xã hội trong khi họ không cần thiết, thậm chí không liên quan đến người đưa tin về họ. Hậu quả của việc lẫn lộn thông tin, xáo trộn và đưa tin sai sự thật còn nghiêm trọng hơn mối đe dọa từ dịch bệnh tại thời điểm này. [1]
Chiều ngày 8/2, tại cuộc họp Thường trực Thành ủy Hà Nội, sau khi nghe Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố báo cáo về trường hợp bệnh nhân 2009 N.T.K.A (tòa nhà Garden Hill, 99 Trần Bình, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm) về hành vi khai báo không trung thực, quanh co gây mất thời gian của cơ quan chức năng và ảnh hưởng đến công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nghiêm khắc chỉ đạo: “Đối với các trường hợp bệnh nhân cố tình không khai báo y tế để lây nhiễm bệnh ra cộng đồng sẽ xử lý thật nghiêm, cần xem xét xử lý hình sự. Cụ thể ở đây là bệnh nhân 2009 trong thời gian tiếp xúc với F0 đến khi có kết quả dương tính là 12 ngày và tiếp xúc với rất nhiều người trên địa bàn quận Nam Từ Liêm mà không khai báo y tế, không khai báo thành khẩn với các cơ quan chức năng”. [2]
Chỉ vì một phút “quên” không khai báo y tế vì lý do sợ “mất Tết” - vì một ý nghĩ ích kỷ mà khiến hàng nghìn người bị đảo lộn cuộc sống trong những ngày áp Tết vì cả toà nhà bị phong toả.
Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, không phải họ không có điều kiện cập nhật thông tin, cũng không phải họ “bận” đến mức “quên” khai báo y tế khi dịch bệnh, mối hiểm họa đe dọa gần kề như thế, mà bởi vì họ sợ cách ly, họ sợ “mất Tết.
Chúng ta đều biết Tết đúng là dịp quan trọng nhưng chúng ta cũng biết Tết thật sự không còn quan trọng với bất kỳ ai bởi dịch bệnh có thể “ghé thăm” vào bất cứ ai, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.
Việt Nam là một quốc gia đang được cả thế giới ngưỡng mộ vì phòng, chống dịch tốt. Điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta có cơ sở y tế tốt nhất thế giới. Dẫn chứng rõ ràng chúng ta có thể thấy ở các nước như Anh, Mỹ…
Trong buổi họp khẩn quán triệt công tác phòng, chống Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi nhân dân là nếu làm tốt, chúng ta có thể quay về cuộc sống bình thường. Nếu không kiên quyết thì chúng ta sẽ rất khó khăn, không lường trước được hậu quả. Khi nghi có F1 thì phải coi như F0, có F2 thì coi như F1. Đây chính là nguyên tắc, đồng thời, nghiêm túc kiểm tra khẩu trang, xử phạt. Nếu không làm nghiêm thì 10 nơi như Hải Dương, Bộ Y tế không thể chi viện nổi”.
Hà Nội phong tỏa chung cư 99 Trần Bình, Nam Từ Liêm, Hà Nội vì liên quan đến ca nhiễm Covid, hàng trăm gia đình bị đảo lộn cuộc sống chỉ vì một cá nhân ý thức kém. (Ảnh TTXVN) |
Vậy, đối với những trường hợp cố tình không cách ly, cố tình không khai báo chúng ta nên xử phạt như thế nào và xử phạt bao nhiêu mới đền bù thỏa đáng những sự cố tình mà họ mắc phải?
Bảy triệu rưỡi là số tiền mà những người không thực hiện đúng cách ly, những người đưa tin sai sự thật lên mạng xã hội mấy ngày vừa qua bị xử phạt. Thế nhưng hậu quả gây ra của những người thiếu ý thức làm ảnh hưởng với chính bản thân, gia đình và xã hội rất lớn.
Thật buồn khi vẫn còn đâu đó những câu chuyện trốn cách ly để vể nhà ăn Tết mặc dù không biết trong cơ thể mình có mang mầm bênh cho gia đình không. Hay câu chuyện chống người thi hành công vụ, đấm vào mặt cảnh sát giao thông khi có yêu cầu ngăn cản không được di chuyển vào vùng có dịch. [3]
Tại sao những cư xử vô lý, thiếu ý thức và văn hóa xã hội như vậy vẫn tồn tại trong cộng đồng khi cả một dân tộc đang gắng gượng từng giây phút một để chống dịch, bảo vệ đất nước bình yên.
Những tiệm cà phê, cửa hàng làm tóc nhỏ bé đến những công xưởng, trường học thậm chí cả tòa nhà chung cư, cả một quận, huyện… bị phong tỏa hoàn toàn chỉ vì một cá nhân trong cộng đồng thiếu ý thức gây nên.
Hệ quả từ sự “vô ý” của một số cá nhân thiếu trách nhiệm cộng đồng được bằng mồ hôi, công sức của cả một dân tộc đang oằn mình chống dịch. Có thể số tiền bảy triệu rưỡi không quá lớn đối với một số người, nhưng những gì họ nợ dân tộc là một lời xin lỗi chân thành và bài học rút ra từ sai lầm này là quá đắt.
Đối với mỗi người dân nước Việt, mùa Tết là mùa sum vầy, là mùa đoàn tụ cũng là mùa du ngoạn thưởng thức cảnh xuân. Thế nhưng không đi du lịch đợt này ta đi đợt khác. Không về quê lúc này thì ta về lúc khác. Nhưng dịch không dập lúc này thì không còn lúc khác.
Việt Nam là một đất nước được cả thế giới ngưỡng mộ không phải là nơi có y tế tốt nhất, mà là nơi có sự đoàn kết, tinh thần yêu dân tộc, đồng bào được thể hiện cao nhất.
Trong công tác phòng, chống dịch bệnh chúng ta đã làm tốt, nhưng chúng ta có thể làm tốt hơn nữa nếu những câu chuyện “nốt trầm” không còn hiện diện một cách “vô duyên” trong “bản hòa ca” chống dịch của cả một dân tộc.
Dịch bệnh là câu chuyện không của riêng ai, không phải ảnh hưởng chỉ một cá nhân, một tập thể mà nó đang khiến cả thế giới phải dè chừng. Dịch bệnh đã, đang và có thể sẽ tiếp tục, công tác phòng chống dịch sẽ còn lâu dài, vất vả và quyết liệt. Bằng sự đoàn kết, yêu thương và tinh thần “không một ai bị bỏ lại phía sau” của chúng ta, tin chắc rằng Việt Nam sẽ bền lòng, vững chí bước qua đại dịch.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://laodong.vn/phap-luat/ha-noi-xu-phat-4-truong-hop-30-trieu-dong-vi-dang-tin-gia-ve-dich-covid-19-877442.ldo
[2] https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/ha-noi-xu-ly-nghiem-viec-khong-khai-bao-va-khai-bao-khong-trung-thuc-ve-dich-benh-634957/
[3] https://nhandan.com.vn/thoi-su-phap-luat/quang-ninh-xu-ly-doi-tuong-chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu-634997/