Nợ xấu luôn được ví von là “cục máu đông” của nền kinh tế. Để chẩn đoán chính xác sức khỏe nền kinh tế thì phải biết mức độ chính xác con số nợ xấu là bao nhiêu? Tuy nhiên chỉ trong vòng thời gian ngắn liên tiếp vừa qua, con số nợ xấu được Ngân hàng nhà nước (NHNN) công bố đã có độ chênh lớn, khiến dư luận không biết thực hư phía sau số liệu của NHNN là gì?
Cụ thể ngày 15/2/2014, Chánh Thanh tra NHNN, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết con số nợ xấu cập nhật tính đến hết năm 2013 mà cơ quan này nắm được là 5,56%. Nhưng sau đó chỉ 3 ngày, NHNN thông báo, báo cáo của các ngân hàng thương mại (NHTM) cho biết, tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh trong hai tháng cuối năm 2013 xuống chỉ còn 3,63%.
Loạn số liệu nợ xấu (Ảnh minh họa) |
Dù cả hai con số này đếu chưa tính đến phần nợ đã được tái cơ cấu nhưng rõ ràng, sự chênh lệch về nợ xấu thuần cũng không hề nhỏ.
Ngày 18/2/2014, Moody's - một trong ba tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu trên thế giới công bố, tài sản xấu của Việt Nam có thể lên tới 15% tổng tài sản. Nếu làm một phép tính quy đổi, thì nợ xấu của Việt Nam có thể lên tới 25% tổng dư nợ, cao hơn bất kỳ một ước đoán nào của các tổ chức kinh kế trong nước trước đó.
Đáp lại con số này của Moody's, NHNN lập tức công bố ngay cả khi tính toán một cách cẩn trọng nhất, nợ xấu của Việt Nam cũng chỉ ở mức 9%.
Mới đây, ngày 1/4/2014, 40 ngày sau khi NHNN công bố con số 9%, trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, Thống đốc NHNN nhận định, con số nợ xấu thực tế của ngành ngân hàng Việt Nam chỉ là 7%.
Như vậy liên tiếp con số nợ xấu được đích thân Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng như lãnh đạo NHNN đưa ra có sự khác nhau, vấn đề ở chỗ con số nào là chính xác?
Nhận định về những con số nợ xấu này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: “Câu hỏi tại sao có sự chênh lệch giữa các con số như vậy phải dành cho Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Thống đốc phải có trách nhiệm lý giải tại sao có sự chênh lệch như vậy, con số nợ xấu khác nhau đó dựa trên cơ sở nào?”.
Theo lý giải chủ quan của chuyên gia Bùi Kiến Thành, nguyên nhân con số nợ xấu thay đổi có thể vì cuối năm 2013, NHNN cho phép các ngân hàng thương mại được cho vay nợ mới để đảo nợ. Vì vậy nợ xấu đó không còn là nợ xấu nữa. Theo quy định, khoản nợ xấu chỉ được đảo nợ một lần hết thời hạn có thể 180 ngày, 360 ngày… nợ xấu kia chưa được tất toán vì thế số nợ xấu được đánh giá lại dẫn đến sự thay đổi.
“Dù như thế nào chúng ta cũng không có một cơ sở để hiểu được tại sao con số nợ xấu lại có sự chênh lệch như vậy, rồi con số nợ xấu công bố trong mỗi lần được dựa trên cơ sở nào? Sự chênh lệch như vậy là vì sao... điều này chỉ NHNN mới có thể lý giải được”, ông Thành nói.
Đánh giá tác động về sự chênh lệch giữa các con số nợ xấu, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho biết: “Sự chênh lệch về con số nợ xấu sẽ tác động xấu trong dư luận, doanh nghiệp. Dư luận sẽ đánh giá năng lực của hệ thống ngân hàng Việt Nam không tốt, phân vân với con số đưa ra khác nhau tạo ra sự bất ổn, nghi ngờ”.
Ở khía cạnh khác, trước sự chênh lệch lớn giữ các con số nợ xấu được NHNN công bố, TS Nguyễn Minh Phong –chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng: “Đó là điều dễ hiểu vì các con số khác nhau do cách tính, thời điểm công bố và ở từng thời điểm một và do cách đánh giá lại của nợ xấu cũng có khác nhau xét theo giá của BĐS. Riêng với cách tính nợ xấu giữa ngân hàng thương mại và ngân hàng nhà nước khác nhau. Cách tính nợ Việt Nam khác với cách tính nợ xấu của thế giới”.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, người dân nên tin tưởng vào con số nợ xấu do NHNN đưa ra. Vấn đề ở đây chỉ là việc NHNN nên có lý giải cho sự chênh lệch thay đổi giữa các con số. “Khi NHNN đưa ra con số nợ xấu mới có sự chênh lệch sẽ có hai luồng ý kiến: Chiều hướng tích cực thì nhiều người sẽ tin tưởng và cho rằng đó là cách đánh giá mới ở thời điểm hiện tại. Chiều hướng tiêu cực sẽ cho rằng NHNN chưa đánh giá đúng, chưa đánh giá chính xác… Quan điểm của tôi, đứng ở vai trò quản lý nhà nước, số liệu NHNN đưa ra chắc chắn con số đó đáng tin cậy hơn con số khác,” ông Phong nêu quan điểm.
Trước đó, trao đổi với VTV về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Thuận – ĐH Mở TP. HCM thì cho rằng: “Sự khác biệt về số liệu chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, làm giảm tính minh bạch của thị trường trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng tôi thì cho rằng, các nhà đầu tư hiểu điều này, vì đây là vấn đề thường gặp ở các thị trường mới nổi. Các nhà đầu tư chắc chắn sẽ có sự trừ hao cho số liệu”.