Muốn phát triển bền vững, du lịch cần gắn kết với giáo dục

11/08/2022 06:45
PGS.TS Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, muốn phát triển bền vững, du lịch cần gắn kết với giáo dục.

Sau 2 năm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đã trải qua rất nhiều khó khăn. Mặc dù đang trên đà hồi phục, nhưng khó khăn chưa hết. Không những thế, vừa phục hồi, vừa phát triển bền vững trước bối cảnh thế giới có nhiều biến động bất thường cũng là điều không dễ dàng. Muốn vậy, ngành du lịch cần tri thức, không thể tách rời giáo dục. Có kết hợp với giáo dục thì du lịch mới thêm chiều sâu để phát triển bền vững được.

Du lịch cộng đồng cần hướng tiếp cận đúng

Sau một loạt các hình thức “du lịch sinh thái”, “du lịch nghỉ dưỡng cao cấp” giờ đây, người ta bắt đầu quen hơn với khái niệm: du lịch cộng đồng.

Vậy, du lịch cộng đồng là gì? Và cần làm gì để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, vai trò của giáo dục nằm ở đâu trong việc phát triển hình thức du lịch cộng đồng này?

Du lịch cộng đồng hiện đã trở thành xu thế. Tuy nhiên, mỗi nơi đang tiếp cận và hiểu về du lịch cộng đồng theo những hướng khác nhau.

Trước hết, để phát triển du lịch cộng đồng đúng xu thế thì cần phải tiếp cận đúng từ khái niệm.

Tại Thái Lan – quốc gia phát triển hình thức du lịch này từ khá sớm và thành công – nêu quan điểm: du lịch cộng đồng“là loại hình du lịch được quản lý và thực hiện bởi chính cộng đồng địa phương, hướng đến mục tiêu bền vững về mặt môi trường, văn hóa và xã hội. Thông qua du lịch cộng đồng, du khách có cơ hội tìm hiểu và nâng cao nhận thức về lối sống của cộng đồng địa phương”. [1]

Ở Việt Nam, khái niệm này cũng được luật hoá từ năm 2017. Theo đó du lịch cộng đồng được xác định “là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi”.

Các báo cáo gần đây cho thấy, du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại sinh kế bền vững cho người dân. Đồng thời thông qua du lịch, người dân sẽ tham gia bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo…

Còn cộng đồng ở đây được hiểu là toàn thể những người cùng sống, có những điểm giống nhau, gắn bó thành một khối trong sinh hoạt xã hội. [2]

Ảnh minh hoạ: V.M

Ảnh minh hoạ: V.M

Nếu hiểu khái niệm cộng đồng và du lịch cộng đồng như trên, có nghĩa là, khi có dự án phát triển loại hình này ở đâu, ở đó cộng đồng được hỗ trợ để tăng cường năng lực làm du lịch. Tức là phát triển du lịch cộng đồng thì cộng đồng làm chủ thể, tham gia vào phát triển loại hình ấy. Nếu có nhà đầu tư từ bên ngoài, nên xem đó là một nhân tố hỗ trợ tốt, kết nối cộng đồng... chứ không phải là điều kiện quyết định cho loại hình du lịch này.

Trong thời gian qua, ở một số nơi, khái niệm du lịch cộng đồng đã được hiểu chưa đúng. Vì thế, các công trình văn hoá lịch sử của cộng đồng đã bị tác động, cộng đồng bản địa bị “tổn thương”…trong quá trình phát triển du lịch.

Để phát triển cộng đồng thông qua du lịch hay du lịch dựa vào cộng đồng việc cần nhất là sự hỗ trợ, định hướng, chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức cho cộng đồng tham quan, học tập. Vấn đề thực hiện, quản lí du lịch cần để người dân quyết định tuỳ theo văn hoá, đặc điểm của từng địa phương và phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan.

Về phía cộng đồng, việc cần làm là phải gìn giữ đất đai, bảo tồn văn hoá truyền thống, bảo vệ các công trình văn hoá, lịch sử, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lí tài nguyên, và trên tất cả là gìn giữ lối sống tử tế, ứng xử thân thiện – đó là những nguồn tài nguyên quý giá nhất để du lịch cộng đồng phát triển bền vững.

Du lịch cộng đồng đi cùng giáo dục: nhân lên các chuỗi giá trị bền vững

Xưa nay, cứ nói đến phát triển du lịch, tính giáo dục, tính văn hoá thường ít được đề cập đến và đôi khi sự phát triển du lịch đi ngược lại với quan điểm phát triển bền vững.

Du lịch cộng đồng là một hình thức tiếp cận khác. Cộng đồng tham gia làm du lịch đồng thời tham gia gìn giữ, phát triển văn hóa, ứng xử phù hợp với thiên nhiên, với lịch sử cũng như các hoạt động văn hoá tinh thần của chính họ trong đời sống hằng ngày…

Du khách tham gia loại hình du lịch này sẽ được trải nghiệm cùng cộng đồng, cùng chia sẻ, cùng học hỏi để cùng kết nối, cùng hướng đến những điều tốt đẹp. Muốn thế, đây phải là hoạt động kinh tế đi cùng giáo dục, phải mang nhiều ý nghĩa văn hóa, giáo dục hơn so với các giá trị giải trí thông thường.

Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Chúng ta có đa dạng địa hình, đa dạng sinh học, đa dạng văn hoá, có 54 cộng đồng dân tộc với bản sắc đặc trưng.

Du lịch cộng đồng ở Việt Nam có thể hướng đến các loại hình như:

Du lịch văn hóa: dựa vào bản sắc dân tộc để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Thu hút du khách thông qua các phong tục tập quán, tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống, kiến trúc, di tích lịch sử, nghệ thuật, ẩm thực địa phương...

Du lịch làng quê: dựa vào các vẻ đẹp của nông thôn, để du khách trải nghiệm cuộc sống tại các vùng quê yên bình.

Du lịch sinh thái: dựa vào thiên nhiên, du khách tham gia trải nghiệm, chiêm ngưỡng, hoà mình vào hệ sinh thái tự nhiên, để cùng chung trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ môi trường sống.

Du lịch nông nghiệp: dựa trên nền tảng các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Du khách trải nghiệm các hoạt động ở các trang trại, nông trại, vựa, vườn, đồng, ruộng; ngoài việc tìm hiểu, học hỏi, du khách còn được thưởng thức các sản phẩm du lịch ngay tại đồng ruộng...

Du lịch học tập: dựa vào nhu cầu học tập, trải nghiệm, du khách vừa được đi du lịch, vừa được học tập những nội dung có chủ đích. Lựa chọn hình thức du lịch học tập có thể là học sinh, sinh viên và cả những du khách có nhu cầu học hỏi, nghiên cứu về văn hóa bản địa. Loại hình này ngày nay có xu hướng phát triển mạnh hơn, hứa hẹn sẽ phát huy được nhiều giá trị, nhất là gắn học với hành, hỗ trợ tốt cho hình thức giáo dục chính quy trong nhà trường.

Trong thực tế, các loại hình du lịch kể trên ít khi tách rời mà thường tích hợp vào nhau, gắn kết bên trong cũng như kết nối bên ngoài thông qua các mạng lưới cộng đồng, cùng chia sẻ và cùng sáng tạo. Và rõ ràng, dù loại hình nào của du lịch cộng đồng thì giáo dục cũng cần là yếu tố đầu tiên phải hướng tới. Có đào tạo về con người, đào tạo về văn hóa, đào tạo về cách làm… thì các giá trị của phát triển bền vững mới được nhân lên!

Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng gắn kết với giáo dục

Hiện nay, du lịch cộng đồng được quan tâm bởi nhiều bên liên quan. Ở nhiều nơi, du lịch cộng đồng đã được cơ quan chức năng địa phương khuyến khích bằng các chính sách khác nhau. Tuy nhiên, vì cách tiếp cận chưa đầy đủ, nên vẫn còn tình trạng bất cập, thậm chí du lịch cộng đồng có lúc, có nơi bị lợi dụng, gây mất niềm tin trong nhân dân…

Cần khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng gắn kết với giáo dục, nhất là giáo dục trải nghiệm, giáo dục địa phương, giáo dục hướng nghiệp...

Cần khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng gắn kết với giáo dục, nhất là giáo dục trải nghiệm, giáo dục địa phương, giáo dục hướng nghiệp...

Trước những thách thức ấy, du lịch cộng đồng rất cần các hoạt động hỗ trợ và hướng dẫn. Đây vẫn là hướng đi còn mới ở nhiều nơi, mỗi cộng đồng có những nét riêng, cần sáng tạo trong cách làm và cần kiên định những giá trị cốt lõi.

Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng gắn kết với giáo dục, nhất là giáo dục trải nghiệm, giáo dục địa phương, giáo dục hướng nghiệp… sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần phát triển vững vì mấy lí do:

Thứ nhất, du lịch cộng đồng góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ di sản văn hóa, môi trường, bảo tồn hệ sinh thái.

Thứ hai, du lịch cộng đồng là giải pháp tốt nhất để giữ gìn, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc và thiên nhiên; các nghề truyền thống, các sinh hoạt văn hoá tinh thần sẽ được phục hồi và gìn giữ.

Thứ ba, du lịch cộng đồng góp phần tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, đảm bảo tính cân bằng và bền vững.

Thứ tư, qua trải nghiệm cùng nhau, loại hình này sẽ giúp cộng đồng gắn kết nhiều hơn. Du khách cảm nhận được giá trị sống sâu sắc hơn. Cộng đồng địa phương sẽ tự hào hơn về quê hương, về văn hoá… Con em địa phương sẽ có động lực học tập, có nhiều ý tưởng đóng góp xây dựng kinh tế gia đình, gìn giữ gia phong cũng như góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.

Tóm lại, phát triển bền vững là nhằm đảm bảo 3 mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nếu đi cùng giáo dục để nhân lên các giá trị phát triển bền vững thì đó là một hướng đi đúng, cần phát huy.

Du lịch cộng đồng được tiếp cận như những điều đề cập ở trên sẽ là xu thế và đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Do vậy, trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch cùng với công cuộc đổi mới giáo dục của nước nhà - gắn việc đào tạo với đáp ứng nhu cầu nhân lực các ngành kinh tế của đất nước - các bên liên quan cần phối hợp để cùng hành động, hiện thực hoá hướng phát triển du lịch cộng đồng đúng bản chất. Qua đó, vừa phát triển du lịch cộng đồng, vừa tạo ra cơ hội việc làm cho nguồn nhân lực được đào tạo để phục vụ cho phát triển du lịch.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.tapchimoitruong.vn/phat-trien-ben-vung-24/du-lich-cong-dong-phat-trien-ben-vung-va-nhung- bai-hoc-kinh-nghiem-25989

[2] Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2020.

PGS.TS Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng