Tờ Business Insider ngày 4/6 dẫn lời chuyên gia phân tích Robert Newson và Lauren Dickey tại Council on Foreign Relations (Hội đồng Quan hệ Đối ngoại) cho biết, Mỹ có thể sử dụng các đòn bẩy kinh tế của mình để ngăn chặn các ý đồ mà quân đội Trung Quốc đang thể hiện rõ ở Biển Đông.
Bằng cách bồi lấp xây dựng (bất hợp pháp) trong khu vực, Bắc Kinh muốn khẳng định các tuyên bố chủ quyền (vô lý, phi pháp) của mình và triển khai quân đội ra ngoài giới hạn hiện tại của họ đến Biển Đông.
|
Tàu thương mại Trung Quốc. |
Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh toàn cầu tích cực theo đuổi mục tiêu của họ và làm chậm quá trình ổn định khu vực. Chiến lược quân sự mới nhất của Trung Quốc sẽ cung cấp sức nặng cho tuyên bố của họ, để lộ một sự sẵn sàng sử dụng sức mạnh hải quân mới phát triển để khẳng định những tuyên bố bá chủ của mình ở Biển Đông, các nhà phân tích cho biết.
Các hoạt động bồi lấp (bất hợp pháp) này của Bắc Kinh đã gửi tín hiệu rõ ràng cho Lầu Năm Góc và đồng minh của Mỹ trong khu vực. Ngoài những thách thức đặt ra cho sự ổn định của khu vực và liên minh của Mỹ ở châu Á, các nhà hoạch định chính sách của Washington cũng bày tỏ lo ngại rằng hoạt động bồi lấp ở Biển Đông của Trung Quốc sẽ có tác động tới tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Khi Trung Quốc tiếp tục tạo ra vùng đệm dọc theo biên giới của nó, biến các rặng san hô, bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo, đó sẽ là một thách thức lớn đối với chính sách và phản ứng của chính quyền Obama.
Ngoài sự gia tăng hiện diện và tập trung vào những khu vực theo chiến lược xoay trục đến châu Á, Mỹ hiện nay đang thiếu một chiến lược hiệu quả để đối phó với những hành động bành trướng lãnh thổ không ngừng nghỉ của Bắc Kinh.
Washington đã trở nên quá bận tâm về một phản ứng quân sự nên không nhìn ra sự cần thiết phải nhanh chóng đưa ra các phản ứng chính sách khác vào bộ công cụ chiến lược của Mỹ.
Một phản ứng quân sự hạng nặng có thể dẫn đến tính toán sai lầm và xung đột, gây nguy hiểm cho sự ổn định cần thiết đối với lợi ích của Mỹ và những đồng minh mà nước này đang tìm kiếm và cần gìn giữ.
Do đó, ngoài duy trì việc tăng cường hiện diện để ngăn chặn và ngăn ngừa xung đột Mỹ cần phải xem xét các biện pháp hiệu quả khác, đặc biệt là kinh tế.
Washington cần phải thận trọng để không đánh giá thấp các công cụ đòn bẩy kinh tế trong mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Trung Quốc đã khá thành thạo trong việc nắm giữ công cụ kinh tế cùng với sự hiện diện quân sự trong việc theo đuổi các mục tiêu chính sách của mình.
Ví dụ điển hình là năm 2012, Bắc Kinh đột ngột hạn chế nhập khẩu chuối từ Philippines để trả đũa sự kháng cự của Manila trong cuộc khủng hoảng bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Lệnh cấm này đã giáng một đòn mạnh vào nông dân Philippines vốn phụ thuộc vào xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.
Đối với Mỹ, khả năng sử dụng đòn bẩy kinh tế như một công cụ chính sách đối với Trung Quốc nên tập trung ít hơn vào hàng hóa cụ thể và rộng hơn vào dòng chảy thương mại song phương. Các công ty Mỹ có hơn 70 tỉ USD đầu tư ở Trung Quốc. Trung Quốc nhập khẩu 124 tỉ USD hàng hoá và dịch vụ từ Mỹ, và người Mỹ nhập khẩu 466 tỉ USD giá trị hàng hóa từ Trung Quốc.
Điều này nói lên một thực tế là thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của nước này. Nếu Thỏa thuận đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định đầu tư Mỹ-Trung (BIT) hoàn thành, kinh ngạch thương mại hiện có sẽ còn tiếp tục tăng. Đó là điều Bắc Kinh đang đặc biệt mong đợi vì nó có thể giúp cải thiện đáng kể cho nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của họ.
Các công cụ kinh tế này nên được sử dụng như một tâm điểm trong chiến lược của Mỹ. TPP, BIT, tăng cường hội nhập kinh tế với Trung Quốc có thể không đem lại những hiệu quả cao nhất trong việc dẹp yên các thách thức địa chính trị ở Biển Đông, nhưng các nhà hoạch định chính sách có thể hướng về cộng đồng doanh nghiệp để khám phá giải pháp thay thế như cắt giảm thương mại của Mỹ để ngăn động cơ bành trướng của Trung Quốc.
Nguyễn Hường