Mỹ hôm 23/5 đã đình chỉ 3,5 triệu USD viện trợ quân sự cho Thái Lan, khoảng 1/3 viện trợ cho quốc gia này, và kêu gọi người Mỹ xem xét lại kế hoạch đi du lịch đến Thái Lan trong thời điểm này.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết, Washington cũng đã xem xét phần còn lại của viện trợ của Mỹ cho Thái Lan, đạt 10,5 triệu USD vào năm 2013, để tìm kiếm sự cắt giảm hơn nữa.
Bangkok sau đảo chính quân sự. |
"Chúng tôi đã đình chỉ xấp xỉ 3,5 triệu USD trong tài trợ và đào tạo cho quân đội Thái Lan. Chúng tôi đang xem xét tất cả các chương trình để xác định các hỗ trợ khác mà chúng tôi có thể đình chỉ", bà Harf nói.
Mỹ cũng đã liên lạc với các nhà lãnh đạo mới của Thái Lan để truyền đạt thông điệp trên và kêu gọi khôi phục ngay lập tức chính quyền dân sự, trở lại nền dân chủ, tôn trọng nhân quyền trong giai đoạn không chắc chắn này.
Theo luật pháp trong nước, Mỹ có nghĩa vụ phải đình chỉ hỗ trợ cho quân đội nước ngoài nếu chính phủ dân bầu ở đó bị lật đổ.
Bộ Ngoại giao cũng đề nghị công dân của mình xem xét lại các chuyến du lịch không cần thiết đến Thái Lan trong tình trạng hiện nay. Các công dân Mỹ ở Thái Lan được khuyến cáo nên thận trọng, theo dõi thông tin đại chúng địa phương và quốc tế thường xuyên.
Mỹ cũng kêu gọi trả tự do cho tất cả các chính trị gia cấp cao của Thái Lan, ước tính hơn 150 người gồm cả cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, hiện đang bị giam giữ sau cuộc đảo chính hôm thứ Năm.
Ngoại trưởng John Kerry trước đó đã lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính và nói rằng "không có lý do nào cho hành động này" và rằng nó sẽ có "tác động tiêu cực" cho quan hệ giữa hai nước.
Các nhà ngoại giao hàng đầu khác của Mỹ cũng kêu gọi phục hồi chính phủ dân sự, tôn trọng tự do báo chí và tiến hành bầu cử sớm.
Thái Lan là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á và là người cung cấp hỗ trợ quan trọng cho nước này trong các cuộc Chiến tranh Việt Nam và Chiến tranh Triều Tiên.
Nguyễn Hường