Hệ thống THAAD, ảnh minh họa: undp.org.fj |
Rachel Wagley, một học giả nghiên cứu châu Á ngày 30/1 bình luận trên The Diplomat, Mỹ không thể ngồi chờ Trung Quốc gây áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Trong vài năm qua, những chính sách của Mỹ trong việc ngăn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân đã tỏ ra kém hiệu quả do những lập luận sai lầm rằng, có rất ít điều Washington có thể làm mà không có sự hợp tác của Trung Quốc.
Washington dường như đã quá thổi phòng vai trò của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã thành công trong 3 lần thuyết phục Hàn Quốc vượt qua các cuộc thử hạt nhân của Triều Tiên mà Bắc Kinh không có các biện pháp trừng phạt răn đe đủ mạnh. Hàn Quốc nghe theo, nhưng kết quả cũng chẳng đi đến đâu.
Lần này, sau vụ Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch hôm 6/1, Seoul dường như đã chán ngấy với những lời khuyên từ Bắc Kinh. Trong một động thái mang tính đột phá, Tổng thống Park Geun-hye cho biết bà sẽ xem xét khả năng hợp tác cùng Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh.
Việc Seoul đồng ý cùng Mỹ triển khai THAAD sẽ gửi một thông điệp rõ ràng rằng, cộng đồng quốc tế cần sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc thực hiện các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, thắt chặt và kiểm soát thương mại xung quanh hoạt động mua sắm vũ khí của Triều Tiên, nhưng không có nghĩa là phải phụ thuộc hay trông chờ Trung Quốc.
Hôm Thứ Sáu, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok nói rằng, chính phủ nước này sẽ xem xét mọi biện pháp để chống lại các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. "Nếu lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc triển khai THAAD, nó sẽ giúp ích cho an ninh quốc phòng của chúng tôi", ông Kim Min-seok nói.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ thay đổi lập trường trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, bất chấp mọi kêu gọi từ Seoul.