Tờ China Times Đài Loan ngày 2/4 đưa tin, ngày bàn giao quyền lực giữa ông Mã Anh Cửu với bà Thái Anh Văn 20/5 càng đến gần, cuộc chiến pháp lý và ngoại giao trên Biển Đông càng dồn Đài Loan đến chỗ "lật bài ngửa", áp lực với Tiến sĩ Thái Anh Văn và nội các mới của bà không hề nhỏ.
Tiến sĩ Thái Anh Văn, ảnh: SCMP. |
Tranh chấp trên Biển Đông không chỉ liên quan đến yêu sách (phi lý) của Đài Loan, mà còn tác động ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ Đài - Trung, quan hệ Đài - Mỹ. Hoa Kỳ đang hy vọng sau khi lên nắm quyền, Tiến sĩ Thái Anh Văn sẽ công bố các căn cứ của đường lưỡi bò, với Đài Loan là đường 11 nét, Trung Quốc bỏ 2 còn 9 nét.
Theo nhiều nguồn tin, Mỹ cũng gây sức ép với Đài Loan về việc được quyền sử dụng đảo Ba Bình, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) mà Đài Loan đang chốt giữ (bất hợp pháp) trong một số tình huống cụ thể.
Để buộc Trung Quốc phải làm rõ hoặc từ bỏ yêu sách đường lưỡi bò (phi lý, phi pháp và bành trướng) ấy, Washington nhằm thẳng vào bản gốc của nó đang lưu trữ tại Đài Loan cùng hệ thống hồ sơ chưa được công bố.
Giới học giả Trung Quốc cũng như Đài Loan bảo vệ đường lưỡi bò bằng lập luận, đường lưỡi bò có trước, từ năm 1947 do Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) vẽ ra và năm 1949 Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) "kế thừa", còn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển mãi năm 1982 mới công bố, năm 1994 mới có hiệu lực.
Cả hai bờ eo biển Đài Loan cho đến nay đều không đưa ra được bất cứ căn cứ pháp lý nào cho đường lưỡi bò bành trướng ấy. Họ sáng tạo ra những khái niệm không có trong Công pháp quốc tế nhưng lại "na ná" như khái niệm pháp lý để chứng minh, ví dụ như "quyền lịch sử", "vùng đánh cá truyền thống".