Mỹ tuần tra hàng hải sát Vành Khăn, Anh tăng cường bảo vệ lợi ích ở Biển Đông

12/02/2019 09:34
Hồng Thủy
(GDVN) - Bắc Kinh xem hoạt động của khu trục hạm Mỹ ở Vành Khăn là "mánh khóe" gây áp lực trước đàm phán thương mại, nhưng hy vọng tiếp tục đối thoại với Hoa Kỳ.

South China Morning Post ngày 11/2 đưa tin, trong lúc các quan chức Mỹ đang có mặt ở Bắc Kinh để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán về chiến tranh thương mại vào tuần này, Washington đã điều 2 khu trục hạm tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông, bên trong 12 hải lý quanh đá Vành Khăn (mà Trung Quốc chiếm đóng, đảo hóa, quân sự hóa bất hợp pháp).

Đây là lần thứ 2 trong năm 2019 hải quân Hoa Kỳ tiến hành hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, sau chuyến đi của khu trục hạm USS McCampbell bên trong 12 hải lý một số cấu trúc ở Hoàng Sa 5 tuần trước đó.

Trung Quốc và ASEAN vẫn đang trong quá trình đàm phán bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), nhưng các nhà phân tích tin rằng tài liệu này không có tính ràng buộc pháp lý, nên khó có thể làm giảm căng thẳng trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh theo đuổi yêu sách "chủ quyền lịch sử" và đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ. [1]

Theo Reuters ngày 11/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tỏ ra bất mãn về việc 2 chiến hạm USS Spruance và USS Preble tuần tra tự do hàng hải bên trong 12 hải lý quanh bãi Vành Khăn.

Hình minh họa, nguồn: The Nationalinterest.
Hình minh họa, nguồn: The Nationalinterest.

Khi được hỏi liệu hoạt động tuần tra tự do hàng hải này của Mỹ có ảnh hưởng đến đàm phán thương mại Trung - Mỹ hay không, bà Oánh nói rằng một loạt "mánh khóe" của Hoa Kỳ đã cho thấy Washington đang tính toán điều gì.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, Bắc Kinh tin rằng việc giải quyết xung đột thương mại thông qua đối thoại là vì lợi ích của cả hai nước cũng như đóng góp cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tuần trước, Tổng thống Donald Trump cho biết ông không có kế hoạch gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trước hạn chót 1/3/2019, làm giảm hy vọng một thỏa thuận thương mại có thể đạt được một cách nhanh chóng. [2]

Trong một động thái khác có liên quan, hôm qua 11/2 Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson kêu gọi các đồng minh phương Tây nên sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình ở Thái Bình Dương và London chuẩn bị đưa tàu sân bay mới của mình đến khu vực này.

HMS Elizabeth, hàng không mẫu hạm duy nhất của hải quân Anh sẽ được triển khai tới Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang bành trướng trên Biển Đông.

Anh đã nhiều lần tuyên bố ý định tăng cường hoạt động tại Biển Đông và thực tế cũng đã triển khai một số hoạt động chung với hải quân Mỹ.

Trong tháng Giêng 2019, tàu khu trục HMS Argyll của Anh đã tập trận chung với tàu khu trục USS McCampbell trong 6 ngày ở Biển Đông, sau khi chiến hạm này tuần tra tự do hàng hải ở Hoàng Sa.

Tháng Tám năm ngoái, hải quân Anh cũng điều tàu vận tải đổ bộ HMS Albion tuần tra tự do hàng hải ở Hoàng Sa.

4 tháng sau, Bộ trưởng Quốc phòng nước này tiết lộ kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự ven Biển Đông, có thể ở Brunei hoặc Singapore, để hiện diện lâu dài hơn ở Tây Thái Bình Dương.

Ngay từ năm 2017, Ngoại trưởng Anh Vladimir Johnson đã nói rằng, tàu sân bay HMS Elizabeth sẽ tuần tra Biển Đông ngay khi nó được triển khai. Được đưa vào biên chế từ tháng Chạp 2017, HMS Elizabeth có thể mang theo 36 máy bay chiến đấu tàng hình 36F-35B và 14 trực thăng. [3]

Nguồn:

[1]https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/2185718/beijing-insists-indisputable-sovereignty-over-south-china-sea

[2]https://www.reuters.com/article/us-usa-trade-china/u-s-china-upbeat-on-trade-talks-but-south-china-sea-tensions-weigh-idUSKCN1Q00KQ

[3]https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/2185746/britain-urges-west-be-ready-flex-military-muscle-pacific

Hồng Thủy