Năm 2010, thị trường vũ khí toàn cầu bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu mất cân bằng. Năm 2010 cũng đánh dấu việc giá trị vũ khí-trang bị được chuyển giao vượt qua giá trị hợp đồng quân sự được ký mới.
Căn cứ vào các kết quả sơ bộ, sự việc tương tự cũng lặp lại trong năm 2011. Điều này được khẳng định dựa vào số liệu xuất khẩu vũ khí trong 2 năm qua của Nga và Mỹ.
Rất nhiều hợp đồng vũ khí lớn được kỳ vọng sẽ ký trong năm 2011 do Cơ quan phụ trách hợp tác quốc phòng và an ninh (DSCA) đệ trình lên Quốc hội Mỹ tới thời điểm hiện tại vẫn chỉ dừng lại ở mức độ “đang đàm phán”.
Ngoài ra, nhiều quốc gia trên thế giới đã quyết định chuyển các kế hoạch mua sắm vũ khí mới từ năm 2011 sang năm 2012. Nga trong năm 2011 đã mất một loạt hợp đồng vũ khí mới với các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi, trong đó có Lybia. Sự việc tương tự cũng xảy ra với một loạt quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới.
Theo số liệu của Trung tâm phân tích thị trường vũ khí thế giới (CAWAT), giai đoạn 2001-2009, xu thế của thị trường vũ khí thế giới là giá trị các hợp đồng vũ khí mới vượt xa so với giá trị vũ khí-trang bị được chuyển giao chính thức. Cụ thể, năm 2002, mức chênh lệch đạt tới 148%; 2003 – 115%; 2004 – 109%; 2005 – 150%; 2006 – 167%; 2007 – 164%; 2008 – 158% và 2009 – 129%. Trong khi đó, con số này trong 2 năm gần đây là 2010 chỉ đạt 69% và 2011 – 68%.
Trong trường hợp, thị trường vũ khí thế giới năm 2012 không khởi sắc, thì khả năng thị trường tăng trưởng trong giai đoạn trung hạn sẽ rất u ám.
Căn cứ vào các dấu hiệu có thể nhận định giai đoạn 2010-2011 thị trường vũ khí thế giới đã vượt qua mốc trì trệ của giai đoạn 2008-2009 và đây cũng là dấu mốc đánh dấu sự phục hồi của thị trường sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2010-2011.
Ngoài ra, sự hồi phục của thị trường còn được nhìn nhận ở việc nhiều quốc gia đã quyết định lùi việc thực hiện các hợp đồng vũ khí mới sang năm 2012.
Điểm nhấn có thể thấy là các hợp đồng quân sự dự kiến trị giá tới 172 tỉ USD sẽ được Mỹ đàm phán thực hiện trong năm 2012 (phần lớn là với Saudi Arabia), còn Nga là 25 tỉ USD với đối tác chính là Ấn Độ (phần lớn các hợp đồng sẽ được ký trong năm 2012).
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích hàng đầu thế giới vẫn bi quan về thị trường vũ khí năm 2012. Nếu khủng hoảng kinh tế thế giới tái diễn vào năm 2012, nhiều hợp đồng vũ khí có thể sẽ bị hoãn hoặc chuyển sang năm 2013 và đây là năm thứ 3 tiếp diễn sự việc tổng số lượng vũ khí-trang bị chuyển giao vượt qua số lượng hợp đồng quân sự được ký mới.
Điều này cũng đồng nghĩa với sự suy thoái của thị trường trong giai đoạn trung hạn. Ba năm “thiếu hụt” số lượng các hợp đồng vũ khí mới sẽ làm thị trường ảm đạm. Đây cũng là lý do coi năm 2012 là điểm mốc quyết định triển vọng phát triển của thị trường vũ khí toàn cầu.
Gần đây đã xuất hiện một số dấu hiệu lạc quan của thị trường vũ khí toàn cầu năm 2012 thông qua việc ngày 28-12-2011, Mỹ đã ký hợp đồng cung cấp 84 chiến đấu cơ F-15SA mới và nâng cấp 70 máy bay loại này với Saudi Arabia.
Tổng trị giá của hợp đồng ước đạt tới 29,4 tỉ USD. Khi có hiệu lực, hợp đồng này sẽ giúp Mỹ cân bằng tỉ lệ vũ khí-trang bị được chuyển giao với số lượng hợp đồng được ký mới trong năm 2012.