Nên dạy khởi nghiệp từ bậc học nào?

28/03/2023 06:47
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngay từ bậc tiểu học, giáo viên đã có thể truyền cảm hứng về khởi nghiệp, tính đổi mới sáng tạo chứ không phải đợi đến bậc phổ thông hay đại học.

Trong khuôn khổ ngày hội khởi nghiệp quốc gia lần thứ 5 dành cho học sinh, sinh viên tổ chức tại thành phố Huế trong các ngày 25 và 26/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức “Hội thảo đánh giá thực trạng, giải pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường phổ thông”.

Tham gia hội thảo lần này có ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Phenikaa (Tổng giám đốc hệ thống giáo dục Phenikaa School) cùng lãnh đạo một số Sở Giáo dục và Đào tạo, giáo viên các trường học trên địa bàn thành phố Huế.

Lồng ghép khởi nghiệp trong các môn học

Theo ông Thành, lâu nay vẫn có quan niệm là hoạt động khởi nghiệp chỉ nên có sau bậc phổ thông (từ bậc đại học trở lên). Nhưng hiện nay, khởi nghiệp đã “ăn sâu” trong các nhà trường từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ về hoạt động khởi nghiệp trong nhà trường phổ thông. Ảnh: AN

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ về hoạt động khởi nghiệp trong nhà trường phổ thông. Ảnh: AN

“Ngay trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng đã đặt ra nhiệm vụ phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Do đó, nhiệm vụ lớn nhất của giáo viên là giáo dục hướng nghiệp cho học sinh, mà trong tất cả môn học đều có lồng ghép”.

Cũng theo ông Thành, giáo viên cung cấp cho học sinh những kiến thức, kỹ năng về nghề. Từ đó, các em bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

“Nhiệm vụ của các thầy cô trong nhà trường không phải là đưa sản phẩm đã nghiên cứu hoàn chỉnh thành sản phẩm thương mại, mua bán được rồi gọi đó là khởi nghiệp. Đó chỉ mới là phần ngọn thôi.

Còn thực tiễn, các thầy cô phải bắt đầu từ gốc rễ, hướng nghiệp phải trong từng bài học. Thầy cô phải dạy các em sự tìm tòi, cách thể hiện, đổi mới cách làm... Chúng ta chia sẻ với học sinh tinh thần khởi nghiệp, tìm ra cái mới trong những vấn đề bình thường.

Ví dụ trong 1 bài toán, ngoài đáp số nêu ra, liệu có còn cách giải nào khác không. Luôn luôn tìm ra cái mới trong những bài tập đấy. Những tìm tòi đó trong môn học mới dẫn đến những ý tưởng trong các vấn đề khác.

Nếu chúng ta cứ đòi hỏi cái mới thì phải nhờ đến nhà khoa học, còn đối với các con thì có thể đó chỉ là ý tưởng mới”, ông Thành chia sẻ thêm.

Ông Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk cho rằng, việc triển khai hoạt động khởi nghiệp đối với các trường trung học là cấp thiết.

“Nếu theo chương trình cũ thì việc thực hiện khởi nghiệp trong nhà trường phổ thông rất khó. Còn theo chương trình mới thì dễ dàng hơn. Trong khi dạy các môn học thuộc chương trình mới thì có những môn học đã bao hàm trong đó quá trình khởi nghiệp.

Có lẽ nhiều phụ huynh vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa cuộc thi khoa học kỹ thuật. Bởi chỉ có những học sinh giỏi cả lý thuyết lẫn thực hành mới tạo ra các sản phẩm dự thi, đạt giải. Do đó, hàng năm, Sở đều tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật và khởi nghiệp, ngày hội STEM.

Mỗi năm tổ chức tại một huyện để triển lãm các sản phẩm STEM. Dù tại các trường trung học phổ thông ở Đắk Lắk, tinh thần khởi nghiệp chưa cao và thầy cô còn hơi bỡ ngỡ về việc dạy STEM.

Nhưng qua những cuộc thi như thế sẽ giúp hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ hơn trong học sinh”, ông Hiệp cho hay.

Học khởi nghiệp từ khi nào?

Một vấn đề được đặt ra là chúng ta nên dạy khởi nghiệp từ bậc học nào? Trong khi quan điểm của nhiều người là bắt đầu từ bậc phổ thông.

Các đại biểu, chuyên gia, giáo viên cùng chia sẻ về những khó khăn trong hoạt động giảng dạy khởi nghiệp bậc phổ thông. Ảnh: AN

Các đại biểu, chuyên gia, giáo viên cùng chia sẻ về những khó khăn trong hoạt động giảng dạy khởi nghiệp bậc phổ thông. Ảnh: AN

Trả lời câu hỏi này, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Phenikaa (Tổng Giám đốc Hệ thống giáo dục Phenikaa School) cho rằng, trong khi chúng ta đang nói rầm rộ về khởi nghiệp, có nhiều cuộc thi về khởi nghiệp nhưng liệu có hiểu đúng khởi nghiệp là gì?

“Giáo viên không phải không quan tâm mà chính thầy cô có thể chưa hiểu đúng về khởi nghiệp. Lâu nay, các thầy cô cứ nghĩ rằng phải nghiên cứu, chế tạo và cho ra đời một sản phẩm mới, sau đó thương mại nó thì đó là khởi nghiệp. Cái chúng ta đang nói là về tinh thần khởi nghiệp chứ không phải đào tạo ra một lớp những chủ doanh nghiệp.

Tinh thần khởi nghiệp không phải chỉ làm ra một sản phẩm rồi đem đi bán, các thầy cô cũng không nhất thiết phải thấy một sản phẩm gì đó mang đến cuộc thi có giải.

Ở đây chúng ta định hướng khởi nghiệp ngay từ bậc tiểu học. Đó là dạy cho các em học sinh về tinh thần khởi nghiệp, về sự tìm tòi, sáng tạo... Chúng ta dạy các môn học, các kỹ năng thực tiễn lồng ghép trong đó”.

Theo Tiến sĩ Tuấn, không ai trong chúng ta dạy được các em khởi nghiệp mà chúng ta chỉ là những người đồng hành đi cùng các con. Phải đặt ra những câu hỏi, đòi hỏi những kỹ năng ở các em.

“Nên trả lời cho câu hỏi ở tuổi nào thì dạy các em khởi nghiệp được? Như vậy, thì với việc chúng ta đồng hành, đi cùng với các con thì không có tuổi nào là sớm cả.

Không phải cứ có sản phẩm mới là khởi nghiệp. Mà sản phẩm cũ nhưng được làm mới, hay cách tiếp cận, bán hàng mới thì doanh nghiệp cũng rất cần”, ông Tuấn nói.

Phát biểu tại phiên khai mạc ngày hội khởi nghiệp quốc gia lần thứ 5 dành cho học sinh, sinh viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: "Phong trào khởi nghiệp của học sinh, sinh viên tính đến nay dẫu kết quả các hoạt động vẫn còn có phần khiêm tốn nhưng có thể nói nó đã thành một tinh thần, thành một khí thế, thành một xu hướng lớn cho học sinh, sinh viên.

Hai tiếng “khởi nghiệp” đã trở nên quen thuộc và thôi thúc đối với thế hệ trẻ. Chúng tôi coi rằng việc rèn luyện những phẩm chất, những năng lực và những kỹ năng cho học sinh, sinh viên, trong đó cần ưu tiên những năng lực, những phẩm chất có liên quan đến hoạt động khởi nghiệp.

Coi việc khởi nghiệp là một trong những vấn đề chất lượng của ngành Giáo dục cần phải tạo ra. Coi việc đổi mới giáo dục và đào tạo mà ngành Giáo dục đang triển khai cần phải thực hiện cho được mục tiêu khởi nghiệp, trong đó những việc như nuôi dưỡng khát vọng, rèn luyện ý chí, cung cấp các kỹ năng không gì khác thuộc trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo".

AN NGUYÊN