Chuyện ông Phó Chủ tịch quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh Đoàn Ngọc Hải nộp đơn xin từ chức vì chưa hoàn thành lời hứa dẹp vỉa hè, lòng đường tưởng bé như cái móng tay, hóa ra không phải.
Quận 1 có diện tích chưa đến 8 km2, dân số gần 200.000 người, thuộc loại nhỏ nhất trong 24 quận huyện của thành phố.
Với một quận nhỏ như vậy mà số tiền người ta thu được nhờ vỉa hè - tức là đất công - đã lên đến "hàng nghìn tỷ đồng" (như cách nói của ông Đoàn Ngọc Hải trong lá đơn từ chức, cho dù con số này chưa được khẳng định bởi cơ quan quản lý nào), vậy Thành phố Hồ Chí Minh có 19 quận, 5 huyện, số tiền mà “vỉa hè” mang lại cho các đối tượng liên quan, hoặc cố tính chiếm dụng là bao nhiêu?
Còn nhớ năm học 2006-2007, ngành giáo dục - đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân - phát động phong trào “hai không” (nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục-nv).
"Tôi thấy sự cô đơn của ông Hải, cán bộ tốt vậy, tìm đâu dễ..." |
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm đó khiến cả xã hội bất ngờ, tỉnh Tuyên Quang chỉ có 14,1% hệ trung học phổ thông và 0,22% hệ bổ túc đạt tốt nghiệp.
Ba năm sau, vào năm 2010 ông Nguyễn Thiện Nhân thôi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để tập trung cho nhiệm vụ Phó Thủ tướng, không thấy ai nhắc đến cụm từ “hai không” nữa.
Và cũng từ đó đến nay tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông lại là con số ấn tượng, xấp xỉ 99%.
Câu chuyện “vỉa hè, lòng đường” của ông Đoàn Ngọc Hải có cái gì đó giông giống “hai không” lúc mở đầu, khác chút là kết thúc thì người khởi xướng xin từ chức.
Từ câu chuyện “hai không” mười năm trước, chắc chắn Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thấu hiểu tâm tư, vị thế của ông Hải, thấu hiểu áp lực mà người chỉ đạo, điều hành phải đón nhận dù việc làm của họ hoàn toàn đúng.
Một khi đã thấu hiểu, vậy Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ quyết định thế nào với đơn xin từ chức của ông Hải?
Người đời thường nói, một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân. Nếu cánh én đó lại cô đơn giữa giông bão thì làm sao có thể gọi mùa xuân về?
Chợt nhớ bài hát “Chim yến bay”, một sáng tác của nhạc sĩ Nguyên Nhung có câu: “Chim yến bay, cánh của ngàn sải bước; Đảo mùa xuân nơi ấy ta yêu”.
Ông Đoàn Ngọc Hải (áo trắng từ trái qua) trực tiếp chỉ đạo xử lý các vi phạm lấn chiếm vỉa hè (Ảnh: P.L/ Giaoduc.net.vn) |
Câu chuyện Đoàn Ngọc Hải không phải chỉ vươn xa ngàn sải bước mà là nghìn cây số từ Nam ra Bắc, thế nhưng dẫu có là “đảo mùa xuân” ở một thành phố được ca ngợi: “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh là mùa xuân đẹp nhất quê mình” thì ông Hải vẫn cô đơn, vẫn cảm thấy bất lực, tại sao?
Thành phố Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội trao cho 4 cơ chế đặc thù trong hoạt động quản lý nhằm biến thành phố này thành hình mẫu phát triển cho miền Nam và cả nước.
Vậy mà một cán bộ diện Thành ủy quản lý, Phó Chủ tịch quận trung tâm của thành phố như ông Đoàn Ngọc Hải vẫn bị “sự chống phá công khai và ngấm ngầm, sự đe dọa đến sinh mạng của bản thân và gia đình đến từ các đối tượng mất đi nguồn lợi phi pháp” thì người ta không thể không hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật thành phố đã làm gì để bảo vệ những người góp phần làm đẹp thành phố?
Liệu có xảy ra trường hợp những kẻ “đe dọa đến sinh mạng của bản thân và gia đình” ông Hải được bật đèn xanh, được dung túng nhằm bảo vệ lợi ích của những “chiếc gậy chống” lẩn khuất đâu đó nơi công sở nhằm bảo vệ nguồn lợi lên đến "hàng ngàn tỷ đồng" của phe nhóm?
Và không thể không nêu câu hỏi khác, khi một Phó Chủ tịch quận đương chức còn bị “đe dọa sinh mạng” vì lập lại trật tự, kỷ cương thì người dân thường sẽ thế nào nếu dám lên tiếng chống tham nhũng?
"Nếu là lãnh đạo, tôi sẽ không dễ dàng chấp nhận đơn từ chức của ông Hải " |
Còn nhớ lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã nhận được lời đe dọa của “cát tặc” và phải cầu cứu Thủ tướng, một phiên tòa đã được mở và kẻ nhắn tin đã phải ra tòa.
Vậy Công an Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể là Công an quận 1 có nên khởi tố một vụ án hình sự với tội danh “Đe dọa giết người” để tìm kẻ giấu mặt, đưa chúng ra tòa như Công an Bắc Ninh đã làm?
Dư luận không thể quên vụ “quán cà phê Xin chào” và vụ “chiếu lều vịt” ở huyện Bình Chánh, nếu công an các quận huyện Thành phố Hồ Chí Minh đều “sốt sắng” như vị nguyên Trưởng Công an quận Bình Chánh thì vụ án “đe dọa đến sinh mạng của bản thân và gia đình Phó Chủ tịch quận” đã phải được mở không cần ông Đoàn Ngọc Hải có đơn yêu cầu.
Ngày 11/1/2018, Văn phòng Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn yêu cầu 24 quận, huyện rà soát, kiểm tra, chấm dứt tình trạng trông giữ xe trên vỉa hè, báo cáo thành phố trong quý I.
Vấn đề không phải chỉ là chấm dứt các bãi trông giữ xe không phép trên vỉa hè và báo cáo kết quả.
Vấn đề là phải làm rõ số tiền thu được từ các bãi giữ xe (có giấy phép) do các phòng, ban, uỷ ban nhân dân các phường, quận đứng tên trên toàn thành phố được sử dụng như thế nào?
Nếu ngân sách không thu được đồng nào thì rõ ràng đây là lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm thu lợi cho cá nhân, đơn vị và cần phải có chế tài xử lý.
Mặt khác, khi phương tiện vận tải công cộng chưa đáp ứng việc đi lại của nhân dân thì xe máy vẫn còn được sử dụng, cấm toàn bộ các bãi trông giữ xe không phép cần phải đi kèm với việc bố trí các tuyến xe buýt thuận tiện cho người dân đi lại.
Cấm ngay lập tức việc trông giữ xe trên vỉa hè tại tất cả quận huyện sẽ không có gì phải bàn luận nếu Thành phố Hồ Chí Minh đã có phương án khoa học, khả thi như tận dụng tầng hầm các khu nhà cao tầng, bố trí lại hệ thống giao thông công cộng thành phố.
Cấm các điểm trông giữ xe lớn thì người dân sẽ dùng nhà riêng trông giữ xe.
Liệu thành phố có thể thu thuế những người dân dùng nhà riêng “cho người quen” để nhờ xe cộ khi chưa có những chế tài quản lý cụ thể?
Như báo Thanhnien.vn đề cập tình trạng “chặt chém” người gửi xe diễn ra thường xuyên tại hầu hết các phường, quận với giá 10.000 đồng/1 xe máy nhưng không hề có vé do thành phố phát hành, vậy thành phố dùng cách nào để thu thuế?
Nếu quả thật việc trông giữ xe mang lại lợi nhuận "hàng ngàn tỷ đồng" cho chủ bãi thì nên nghiên cứu thành lập một đơn vị dịch vụ công ích, lấy tiền trông giữ xe để phát triển hạ tầng giao thông cho đến khi hệ thống tàu điện ngầm và xe bus đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, khi đó cấm xe máy và hạn chế phương tiện cá nhân trong thành phố.
Việc giao cho thanh niên xung phong tổ chức trông giữ xe là ý tưởng tốt nhưng yêu cầu giá trông giữ thấp, thậm chí là miễn phí - như một số ý kiến - lại là ý tưởng tồi.
Giá trông giữ thấp chỉ khuyến khích người dân dùng phương tiện cá nhân và tình trạng kẹt xe không thể cải thiện.
Cần tăng giá trông giữ xe như là một biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân, lấy tiền đó đầu tư cho các dịch vụ công ích khác.
Trở lại vấn đề của ông Đoàn Ngọc Hải, nếu một cán bộ đã hứa trước cử tri mà không hoàn thành nhiệm vụ thì xin từ chức là hành động cần được ghi nhận.
Sẽ là thảm họa nếu cán bộ lãnh đạo hứa nhưng không hoàn thành nhiệm vụ mà vẫn không chịu viết đơn từ chức.
Đọc lá đơn của ông Đoàn Ngọc Hải, có cảm giác ông Hải như Dongkisot (Đôn Ki-hô-tê) thời hiện đại chống lại cả bầy bạch tuộc mà những chiếc vòi của chúng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách thành phố.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “chống tham nhũng khó vì ta tự đánh ta” [1], phải chăng ông Đoàn Ngọc Hải vì “ta tự đánh ta” mà phải viết đơn từ chức?
Nếu quả thật như vậy thì chẳng lẽ phải nhờ người khác “đánh” hộ?
Ý tưởng nhờ “người khác đánh hộ” là ý tưởng hay nếu “người khác” ở đây là nhân dân, nhờ nhân dân “đánh” thì chắc chắn chẳng kẻ nào đủ sức nhắn tin đe dọa.
Vấn đề là muốn nhờ nhân dân “đánh” thì phải trang bị cho nhân dân “công cụ hỗ trợ” chứ tay không làm sao đánh mãi được, mỏi lắm.
Không nhờ nhân dân, cứ “tự lực cánh sinh ta đánh ta” thì quả thật là khó, chỉ cần Đảng, Nhà nước có chính sách khuyến khích nhân dân tham gia, ví dụ công khai tài sản cán bộ tại khu dân cư thì lập tức người dân sẽ chỉ giúp “ông đày tớ” ấy giàu hay nghèo, khai đúng hay khai sai?.
Cứ xem cái vụ "biệt phủ" tọa lạc trên khu đất có tổng diện tích hơn 2.363m2 ở huyện Bình Chánh mà chủ nhân là một cô gái 22 tuổi, con một nguyên Phó Thống đốc ngân hàng mà báo chí đề cập đến nay im lìm thì cũng hiểu vài phần.
Chuyện của ông Đoàn Ngọc Hải buồn một tí nhưng mà vui, vui vì trong số “ta” vẫn có người không phải là “ta”, vẫn có người sẵn sàng đương đầu với những lời đe dọa để giữ gìn kỷ cương phép nước.
Thế nên người viết hy vọng Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ tiếp thu ông Hải về Ủy ban làm việc chứ không cần phải chờ Thành phố Hồ Chí Minh quyết định.
Nếu điều đó thành hiện thực, người dân sẽ đỡ lo cho sự an toàn của gia đình ông Hải mà tổ chức lại có thêm một người sẵn sàng từ chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ.
Tài liệu tham khảo: