"Tôi thấy sự cô đơn của ông Hải, cán bộ tốt vậy, tìm đâu dễ..."

11/01/2018 07:32
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Chấp thuận đơn từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải là việc làm rất dễ, nhưng mất đi một cán bộ tốt, nhiệt huyết thì rất khó tìm người thay thế.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Giáo sư Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII đã có những chia sẻ rất thẳng thắn với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 9/1, xung quanh câu chuyện ông Đoàn Ngọc Hải nộp đơn từ chức...

Cả hai vị chuyên gia cùng có chung quan điểm, cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ nguyên nhân phía sau lá đơn từ chức của ông Hải, chấp thuận đơn từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải là việc làm rất dễ, nhưng mất đi một cán bộ tốt, nhiệt huyết thì rất khó tìm người thay thế.

Cho thôi chức thì dễ, tìm cán bộ tốt mới khó 

Bình luận về sự việc nói trên, Phó Giáo sư Bùi Thị An đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của ông Đoàn Ngọc Hải trong việc lập lại trật tự vỉa hè tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh thời gian vừa qua. 

"Việc ông Hải xin từ chức rất khác với cái cách một số người trước đó cũng từng xin cáo quan về hưu, đặc biệt là trong bối cảnh "văn hóa từ chức" (chỉ những người không còn xứng đáng đảm nhận được nhiệm vụ-pv) ở nước ta chưa trở thành thông lệ.

Ông Hải từ chức vì không thực hiện đúng cam kết trước dân, chứ không phải cán bộ này từ chức vì có vi phạm.

Trong xã hội, nhất là môi trường công vụ, không mấy ai dám làm chuyện này.

Đó là sự khác biệt của ông Hải so với một số người khác và ông ấy đáng được tôn trọng.

Việc ông Hải sẵn sàng từ bỏ chức vụ đó là cách ông ấy giữ lời hứa và phẩm cách của bản thân mình", Phó Giáo sư Bùi Thị An nhận định.

Phó Giáo sư Bùi Thị An, ảnh tư liệu của Ngọc Quang/giaoduc.net.vn.
Phó Giáo sư Bùi Thị An, ảnh tư liệu của Ngọc Quang/giaoduc.net.vn.

Vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng bày tỏ sự băn khoăn xung quanh lá đơn từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải:

"Tại sao một cán bộ có tâm, nhiệt huyết như vậy lại phải ngậm ngùi từ chức?

Tại sao việc lập lại trật tự vỉa hè là mong muốn chính đáng của lãnh đạo và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhưng lại không thể thực hiện được? 

Tại sao ông Hải luôn "đơn thương độc mã" trong việc lập lại trật tự vỉa hè?

"Tôi thấy sự cô đơn của ông Hải, cán bộ tốt vậy, tìm đâu dễ..." ảnh 2Người Việt mình tốt lắm, niềm tin đâu mất tiền mua

Chúng ta có thể biến cái xấu thành cái tích cực, nhưng trong trường hợp này, tại sao người tốt làm việc tốt lại khó đến vậy?

Có lợi ích nhóm trong việc này không?

Hay do năng lực ông Hải  có hạn hay vì một lý do nào khác khiến ông ấy không thể hoàn thành nhiệm vụ?

Tôi cảm thấy sự bất lực và cô đơn của ông Hải trong việc thực thi nhiệm vụ. Đáng ra ông ấy cần được hoan nghênh, động viên, thì lại chúng ta lại để ông ấy ngậm ngùi nộp đơn xin từ chức.

Điều này quả thật rất buồn và đáng suy ngẫm", Phó Giáo sư Bùi Thị An chia sẻ.

Phó Giáo sư Bùi Thị An cũng cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh nên xem xét cẩn trọng lá đơn từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải:

"Chấp thuận đơn từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải là việc làm rất dễ, nhưng mất đi một cán bộ tốt, nhiệt huyết thì rất khó tìm người thay thế", Phó Giáo sư Bùi Thị An nhận định.

Lập lại trật tự vỉa hè phải có giải pháp tổng thể

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, tư duy và hành động của ông Đoàn Ngọc Hải trong việc lập lại trật tự vỉa hè là rất tích cực và đáng trân trọng.

"Khi nhận nhiệm vụ thì ông ấy dám làm, dám đương đầu và dám chịu trách nhiệm về hành động của mình. 

Cần ghi nhận những việc ông ấy đã làm được.

Những người nhiệt huyết như vậy không dễ tìm đâu. Và cũng không mấy người dám tuyên bố nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ cởi áo về vườn", ông Dĩnh nhận định.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh của Báo Điện tử Đài tiếng nói Việt Nam.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh của Báo Điện tử Đài tiếng nói Việt Nam.

Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đụng đến câu chuyện vỉa hè không phải việc đơn giản bởi nó liên quan tới lợi ích của nhiều người, nhiều thành phần phức tạp, thậm chí có thể có cả lợi ích nhóm.

"Việc quản lý vỉa hè không phải là việc đơn giản. Càng không nên cho rằng, không có ông Hải thì quận 1 không thể lập lại trật tự vỉa hè trong thời gian tới.

Vấn đề là phải có giải pháp căn cơ, đồng bộ để triển khai thực hiện. Để làm được điều này, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời những câu hỏi sau:

Những ai đang chiếm vỉa hè? Tại sao người ta chiếm vỉa hè? Họ có lợi ích gì khi chiếm vỉa hè?

Từ đó để đưa ra giải pháp giải quyết các nguyên nhân đó.

"Tôi thấy sự cô đơn của ông Hải, cán bộ tốt vậy, tìm đâu dễ..." ảnh 4Đại biểu Lê Thanh Vân lý giải chuyện từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải tính toán bài bản, có lộ trình thực hiện, trong đó cần chú ý tới vấn đề mưu sinh của người dân vì nó liên quan tới lợi ích của họ.

Còn nếu hằng ngày anh cứ đi xuống xử lý việc lấn chiếm vỉa hè, rồi họ lại tái lấn chiếm khi không có lực lượng chức năng thì chưa giải quyết được vấn đề cơ bản của câu chuyện vỉa hè", ông Nguyễn Tiến Dĩnh nêu quan điểm. 

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh cũng cho rằng, Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh cần cân nhắc cẩn trọng đơn xin từ chức của ông Hải.

"Việc chấp nhận hay không chấp nhận đơn từ chức của ông Hải thuộc thẩm quyền của cấp quản lý cán bộ.

Qua sự việc của ông Hải, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng như tỉnh, thành phố khác trên cả nước cần đánh giá tổng thể, rút kinh nghiệm và tìm ra giải pháp căn cơ, tổng thể giải quyết tận gốc vấn đề lấn chiếm vỉa hè.

Đồng thời để những cán bộ có tâm huyết, nhiệt tình như ông Hải có điều kiện để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. 

Nếu không làm được việc này, dẫu có nhiều người làm việc nhiệm tình, trách nhiệm như ông Đoàn Ngọc Hải cũng khó mà hoàn thành được nhiệm vụ của mình", ông Nguyễn Tiến Dĩnh nhận định.

QUỐC TOẢN