Không thể công bố doanh thu BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ hay có gì đó giấu giếm?

13/06/2016 07:01
Mai Anh
(GDVN) - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đặt câu hỏi: Bộ Giao thông vận tải đang còn giấu giếm điều gì khi không công bố doanh thu BOT của trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ?

Tại Tọa đàm “Minh bạch - Hiệu quả các dự án BOT, cách nào?”, trả lời câu hỏi của các chuyên gia, độc giả về việc minh bạch doanh thu của trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng doanh thu hiện nay không thể công bố được.

Câu trả lời của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ngay lập tức nhận phản ứng của người dân khi cho rằng Bộ Giao thông vận tải đang đứng về phía nhà đầu tư, đang bảo vệ doanh nghiệp đầu tư BOT.

Chủ đầu tư dự án nâng cấp cải tạo đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ liệu có đang cố tình kéo dài thời gian thu phí một cách vô lý?- Ảnh nguồn: goldsungroup.
Chủ đầu tư dự án nâng cấp cải tạo đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ liệu có đang cố tình kéo dài thời gian thu phí một cách vô lý?- Ảnh nguồn: goldsungroup.

Để có cái nhìn khách quan về sự việc trên, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - người dành nhiều thời gian nghiên cứu đầu tư và lập dự án đầu tư giao thông.

Liệu có gì giấu giếm?

Vấn đề doanh thu trạm BOT giao thông liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, bởi tất cả dự án BOT giao thông đều dựa vào nguyên tắc doanh nghiệp bỏ bao nhiêu tiền ra đầu tư sẽ được thời gian thu phí, mức thu phí đảm bảo đủ hoàn vốn và có lãi.

Do đó có hai vấn đề, thứ nhất suất đầu tư phải hợp lý tránh việc các hạng mục dự án khai khống lên, chi 1 báo 10 để tăng suất đầu tư đồng thời tăng mức thu phí và thời gian thu phí.

Muốn làm được điều này phải minh bạch có con số rõ ràng về chi phí từng hạng mục đầu tư, đơn giá và công bố công khai để người dân biết.

Trả lời cho rằng doanh thu trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ không công bố được của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường bị dư luận phản ứng gay gắt - ảnh Tiền Phong.
Trả lời cho rằng doanh thu trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ không công bố được của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường bị dư luận phản ứng gay gắt - ảnh Tiền Phong.

Thứ hai, con số thu phí từng ngày, từng tháng, từng năm phải cụ thể và minh bạch. Muốn biết được thu bao nhiêu không phải chỉ dựa vào đơn giá mà dựa vào số lượng phương tiện lưu thông qua trạm thu phí BOT.

“Con số doanh thu một tháng, một năm từ trạm thu phí trên tuyến đường BOT liên quan trực tiếp đến mức phí, thời gian thu phí hoàn vốn. Theo đó nếu doanh thu cao thì phải giảm bớt mức phí và giữ nguyên thời gian thu phí hoặc giữ nguyên mức phí thì thời gian thu phí phải giảm, mà tốt nhất nên giảm mức phí để người dân bớt khó khăn”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Không thể công bố doanh thu BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ hay có gì đó giấu giếm? ảnh 3

Không thể công bố doanh thu BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ?

Không thể công bố doanh thu BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ hay có gì đó giấu giếm? ảnh 4

Phải xử lý trách nhiệm cá nhân mới mong BOT minh bạch

Không thể công bố doanh thu BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ hay có gì đó giấu giếm? ảnh 5

Ông Trần Du Lịch: BOT trên Quốc lộ 1, khi nào mới hết thu phí người dân?

Bình luận về câu trả lời của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng doanh thu trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ không thể công bố, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng trả lời đó trái nguyên tắc, chủ trương của Đảng về công khai minh bạch.

Doanh thu trạm thu phí không phải những vấn đề liên quan an ninh tiền tệ, cũng không phải vấn đề quốc phòng hay bí mật quốc gia, hoàn toàn chỉ là kết quả kinh doanh thuần túy.

"Nên nhớ trạm thu phí BOT thực chất là doanh thu của doanh nghiệp bù vào chi phí đầu tư. Doanh thu bao nhiêu, nhiều hay ít liên quan trực tiếp đến thời gian thu phí, mức thu. Nói cách khác, liên quan đến túi tiền người dân thì người dân phải được biết chứ không thể chỉ có nhà đầu tư BOT với Bộ Giao thông biết với nhau", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Nói về mối quan hệ ba bên Nhà nước - doanh nghiệp đầu tư BOT - người dân, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, doanh nghiệp BOT và người dân là quan hệ mua bán, còn nhà nước ở vị trí trọng tài quản lý điều tiết quan hệ mua bán này.

Với trả lời của Bộ Giao thông vận tải về chuyện thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ, dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Có vấn đề gì giữa Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư thực hiện dự án BOT nên không thể công bố, hay Bộ còn giấu giếm gì? Sợ rằng khi công bố ra, phần chênh lệch quá nhiều và không thể thu lại được?

Lỗ hổng phê duyệt thời gian thu phí

Mặt khác, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, khi thiết lập hợp đồng BOT giao thông có một lỗ hổng mà nếu cơ quan quản lý nhà nước không thẩm định doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lớn và người dân chịu thiệt nặng nề.

Cụ thể, trong hợp đồng BOT, doanh nghiệp đưa ra tính toán về thời gian thu phí, mức thu sau khi hoàn thành dự án. Để đưa ra đề xuất mức thu phí và thời gian thu, doanh nghiệp đầu tư BOT phải có tính toán lưu lượng xe qua trạm BOT.

“Đây chính là lỗ hổng phê duyệt dễ dẫn đến thời gian thu phí kéo dài, mức phí cao cho người dân”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

PGS.TS Tống đặt câu hỏi: Doanh nghiệp dựa vào nguyên tắc nào khi tính toán lưu lượng xe qua trạm thu BOT? Có lũy tiến hàng năm hay chỉ dựa vào con số và thống kê lúc thực hiện dự án?.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam - ảnh H.Lực
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam - ảnh H.Lực

“Nên nhớ những năm qua Việt Nam nằm trong nhóm nước phát triển nhanh về phương tiện ô tô. Theo công bố của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ xe ô tô trong tháng 5/2016 là 26.028 xe. Từ đầu năm 201,  mức tiêu thụ xe ô tô người Việt hơn 800 chiếc mỗi ngày. 

Khi phương tiện gia tăng, lưu lượng xe qua trạm BOT sẽ tăng... Điều này logic ở chỗ hầu hết tuyến đường trọng yếu đều thực hiện BOT phải trả phí, hơn nữa bủa vây xung quanh thành phố, khu công nghiệp nơi người dân có phương tiện ô tô nhiều là trạm BOT. Tóm lại phương tiện tăng sẽ tăng lưu lượng, theo lũy tiến doanh nghiệp làm BOT giao thông sẽ mỗi ngày, mỗi tháng đều tăng doanh thu”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết.

Theo phân tích trên, ông Tống cho rằng nếu chỉ dựa vào tính toán sơ bộ ban đầu của doanh nghiệp và giữ nguyên mức thu, thời gian thu thì người dân chịu thiệt lớn. Để minh bạch vấn đề này cần công khai minh bạch mức thu phí từng tháng, từng năm.

Ví dụ thông thường anh chi 10 nghìn làm đường và được thu phí 10 năm, nhưng do công khai doanh thu từ phí hàng tháng sau khi tổng hợp thì đến năm thứ 6 đã đủ 10 nghìn, vậy 4 năm còn lại có cho doanh nghiệp thu nữa không và nếu không minh bạch, doanh nghiệp hưởng lợi lớn.

Bên cạnh yêu cầu phải công khai minh bạch doanh thu phí, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cũng đề nghị nên có bên thứ 3 độc lập giám sát, đo lượng phương tiện qua trạm thu phí để so sánh đối chiếu và tổng hợp tránh thiệt hại cho doanh nghiệp.

Mai Anh