'Nếu là Trương Đình Anh tôi sẽ làm một việc mới hoàn toàn'

12/10/2012 07:41
Hân Ni
(GDVN) - “Theo tôi nghĩ, Trương Đình Anh sẽ đột phá theo một hướng khác, với cá tính mạnh như thế, anh sẽ không ở lại chỉ để “đi chơi”. Hoặc nếu ở thì sẽ chân trong, chân ngoài…” – Tiến sĩ Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tâm Việt group đưa ra quan điểm.

"Nếu tôi là Trương Đình Anh, tôi sẽ đột phá theo hướng khác
"
Theo con mắt nhìn của ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tâm Việt Group, người  chuyên đào tạo kỹ năng sống, Trương Đình Anh – cựu TGĐ FPT là một người độc đáo như Steve Jobs (người sáng lập Apple), luôn muốn làm những việc lớn, có những quyết định không bình thường. Những “quyết định không bình thường đó” có thể thành công, có thể thất bại. Do đó, những người không ưa mạo hiểm, không muốn thử thách thì khó có thể làm việc được với Trương Đình Anh. Có lẽ vì vậy mà “tôi không bất ngờ với quyết định của Trương Đình Anh” – ông Việt nói.
Ông Phan Quốc Việt, chủ tịch Hội đồng quản trị Tâm Việt group nhận xét: Cựu TGĐ FPT Trương Đình Anh có cá tính độc đáo như Steve Jobs của Apple.
Ông Phan Quốc Việt, chủ tịch Hội đồng quản trị Tâm Việt group nhận xét: Cựu TGĐ FPT Trương Đình Anh có cá tính độc đáo như Steve Jobs của Apple.
Trước đó, ngày 26/9, sau một thời gian nghỉ phép ồn ào, quay trở lại làm việc tại FPT chưa đầy 10 ngày, ông Trương Đình Anh đã bất ngờ từ nhiệm Tổng giám đốc FPT với lý do "những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành với HĐQT". Dân FPT còn chưa hết ngỡ ngàng vì bước đi ngoài dự liệu này của Trương Đình Anh thì chỉ vài ngày sau đó, người được coi là "quái nhân" ở FPT này lại tiếp tục rời khỏi cương vị Chủ tịch FPT Telecom – một công ty thành viên của tập đoàn FPT. Lý do ông Trương Đình Anh ra đi lần này là bởi nguyện vọng cá nhân.
Liên quan tới sự ra đi này, ông Phan Quốc Việt cho rằng: “Tính cách của Trương Đình Anh là vậy. Khi người ta không làm theo cách của mình thì anh dừng để làm việc khác… Tôi nghĩ Trương Đình Anh phải làm cái gì đó lớn lao. Có người sinh ra để làm những việc nhỏ nhoi nhưng có người sinh ra để lao vào bão táp để vượt lên”. Theo ông Việt, nguyên nhân cốt lõi khiến Trương Đình Anh từ nhiệm là bởi vì “anh không được cầm đầu”. Với một người có cá tính quyết liệt tới mức độc đoán như Trương Đình Anh, nơi tốt nhất để ông có thể phát huy hết năng lực của mình, đó là nơi mà ông phải được toàn quyền, doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận rủi ro, cái mà người ta gọi là đầu tư mạo hiểm. Trong khi đó, theo nhận xét của ông Việt, tại FPT nói riêng hay tại Việt Nam nói chung, người ta vẫn luôn quan niệm “an toàn là bạn, tai nạn là thù”. Khi người ta có một tài sản lớn, người ta muốn một sự an toàn, rất sợ mất, vì vậy, doanh nghiệp đó khó chấp nhận rủi ro, sợ động chạm và không dễ đồng ý với những ý kiến đột xuất. “Nếu tôi là Trương Đình Anh, tôi sẽ đột phá theo một hướng khác, tìm cho mình một nghiệp riêng. Với cá tính mạnh như thế, tôi nghĩ, anh sẽ không ở lại chỉ để “đi chơi”. Hoặc nếu ở thì sẽ chân trong, chân ngoài,… Tôi nghĩ, Trương Đình Anh có đủ năng lực để làm một việc mới hoàn toàn” – Vị Chủ tịch HĐQT của Tâm Việt Group này cho biết.Nếu tôi là Trương Gia Bình, tôi sẽ không ngồi lại ghế TGĐ FPT Là người đứng đầu một tổ chức duy nhất ở Việt Nam chuyên sâu trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện các kỹ năng cá nhân và xây dựng văn hóa tổ chức, ông Phan Quốc Việt cho rằng: Trương Gia Bình không nên quay lại vị trí “ghế nóng” TGĐ FPT. Mặc dù dưới trướng của Trương Gia Bình, FPT sẽ phát triển rất ổn định, rất vững chắc nhưng về lâu, về dài, FPT sẽ rơi vào lối mòn, cũ và dần dần “già” đi. Tầng lớp lãnh đạo của FPT đang già – đó là điều mà giới kinh doanh có thể dễ dàng nhận ra. 9 người trong thành viên HĐQT đều là những tên tuổi trên 50 tuổi và có thể xếp vào hàng "lão thần" tại FPT, gồm các ông, bà: Trương Gia Bình, Lê Quang Tiến, Bùi Quang Ngọc, Đỗ Cao Bảo, Hoàng Minh Châu, Trương Thị Thanh Thanh, Nguyễn Thành Nam, Lê Trường Tùng và Phan Ngô Tống Hưng. Thế hệ lãnh đạo trẻ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay như ông Trương Đình Anh, ông Hoàng Nam Tiến, Nguyễn Điệp Tùng và Trần Quốc Hoài.
Có người nhận xét: Lãnh đạo FPT đang già đi khi 9 người trong thành viên HĐQT đều là những tên tuổi trên 50 tuổi và có thể xếp vào hàng "lão thần" tại FPT.
Có người nhận xét: Lãnh đạo FPT đang già đi khi 9 người trong thành viên HĐQT đều là những tên tuổi trên 50 tuổi và có thể xếp vào hàng "lão thần" tại FPT.
“Tôi chưa thấy nhân tố nào trẻ nổi trội lên, có thể thay thế được Trương Đình Anh” – ông Việt nhận xét. Tuy nhiên, theo ông Việt, nếu Trương Gia Bình tiếp tục ngồi ở “ghế nóng” thì khó ai có thể thay thế, trong khi đó, ở cái tuổi 56, ông Bình lại không thể giữ mãi vị trí đó được. “Nếu ông Trương Gia Bình quyết tâm chuyển giao lãnh đạo cho thế hệ trẻ, thì ông ấy chỉ giữ chức Chủ tịch HĐQT thôi, chứ lại ngồi vào ghế TGĐ làm gì! Nếu là tôi, tôi cho người yếu hơn Trương Đình Anh lên thay cũng được, chứ không nhận lại chức đó. Trương Gia Bình nên ngồi ở vị trí Chủ tịch HĐQT, sau đó phân công lại chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giữa TGĐ và HĐQT, để làm sao Chủ tịch HĐQT có thể được can thiệp nhiều hơn, sâu hơn, dẫn dắt, quan tâm tới TGĐ nhiều hơn. Sau một thời gian, người thay Trương Đình Anh sẽ khá lên…” – ông Việt đưa ra quan điểm của mình. Ông Việt cho rằng: Người mới lên, ban đầu có thể có xáo trộn nhưng sự phát triển bao giờ cũng gắn liền với sự xáo trộn, “chẳng có ai phát triển mà bình ổn cả. Cậu muốn phát triển cậu phải chấp nhận sự bất ổn nhất định” – ông nói. Nếu Trương Gia Bình quay lại làm TGĐ thì mức độ “trẻ hóa” của FPT lại cần thêm một thời gian nữa, “mà một thời gian nữa thì tầng lớp trẻ lại già đi mất rồi” – ông Việt nhấn mạnh. Vì vậy, điều mà giới kinh doanh cũng như không ít cổ đông FPT mong mỏi nhất lúc này là: Làm sao ông Trương Gia Bình chèo chống FPT thật tốt, sớm tìm nhân tố mới giúp FPT nhảy vọt!
Hân Ni