Nếu NĐ 116 không sửa đổi sẽ khó cho trường lẫn người học, dù chính sách tốt

26/08/2023 07:13
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Nếu không sửa đổi tổng thể Nghị định 116 sẽ khó khăn cho các cơ sở đào tạo và người học, mặc dù chính sách rất ưu việt".

Liên quan đến nội dung Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định số 116/2020/NĐ-CP. Theo đó, đối với sinh viên kể từ năm thứ hai chỉ đạt học lực yếu và hạnh kiểm yếu sẽ không được nhận khoản nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan đơn vị. Đối với nhà trường, sẽ có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi và ra thông báo bồi hoàn kinh phí đối với các sinh viên sư phạm đang học tại các cơ sở đào tạo chuyển ngành, nghỉ học hoặc thôi học.

Còn Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh cũng sẽ hướng dẫn, theo dõi và ra thông báo bồi hoàn kinh phí đối với sinh viên sư phạm thường trú tại địa phương thuộc diện đặt hàng, không chấp hành theo cam kết.

Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Lệ Hường - Hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Hoà Bình (tỉnh Hoà Bình) cho hay, cô hoàn toàn tán thành với đề xuất không hỗ trợ 3,63 triệu đồng cho sinh viên từ năm hai bị học lực yếu và hạnh kiểm yếu. Bởi vì, để nâng cao chất lượng giáo viên cần phải có chế tài, nhằm không ảnh hưởng tới chất lượng ngành giáo dục.

"Việc thắt chặt hơn trong việc hỗ trợ sinh viên sau một năm học là hợp lý", cô Hường nói.

Đối với nội dung ràng buộc trách nhiệm cho nhà trường trong việc phải có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi và ra thông báo bồi hoàn kinh phí đối với các sinh viên sư phạm đang học tại các cơ sở đào tạo chuyển ngành, nghỉ học hoặc thôi học, cô Hường cho rằng, nhà trường khó có thể thực hiện được, bởi đơn vị không có đủ thẩm quyền và các căn cứ pháp lý thực hiện điều đó.

Hình ảnh minh họa. (Ảnh: BĐT)

Hình ảnh minh họa. (Ảnh: BĐT)

Theo đó, nhà trường chỉ là cấp trung gian để thực hiện chế độ của nhà nước với sinh viên như làm các thủ tục cho sinh viên được hưởng chế độ và các cam kết bồi hoàn.

Lãnh đạo trường Cao đẳng sư phạm Hoà Bình cho rằng, khi có phát sinh với sinh viên như nghỉ học, bỏ học, chuyển ngành, các cơ quan thẩm quyền nên có trách nhiệm thu hồi kinh phí hỗ trợ sinh viên.

Kể từ năm học 2022-2023, Trường cao đẳng sư phạm Hòa Bình bắt đầu thực hiện việc đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 và việc xét tuyển sinh viên phải dựa trên hồ sơ.

"Trong Nghị định 116 không nêu cụ thể thông tin về hồ sơ với sinh viên. Vì vậy, nhà trường phải tự đặt ra quy định như sinh viên phải viết đơn đề nghị được hưởng Nghị định 116. Trong đơn, sinh viên có cam kết sẽ theo học và phục vụ cho ngành giáo dục. Tiếp đó, nhà trường còn yêu cầu sinh viên phải xác nhận nơi cư trú của chính quyền địa phương, bản sao công chứng căn cước công dân", cô Hường chia sẻ.

Lãnh đạo nhà trường cho hay, xong thủ tục trên, nhà trường sẽ nộp hồ sơ kèm Quyết định trúng tuyển, danh sách sinh viên từng ngành được hưởng, và số tiền đề nghị được hưởng như 5 tháng học kỳ I và học kỳ II lên cấp trên.

Năm học vừa qua, nhà trường có 31/60 sinh viên trên địa bàn tỉnh đăng ký hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị định 116.

Về lý do nhiều em không đăng ký, cô Hường cho hay, có những em nói rằng khi bản thân ra trường không biết liệu có làm đúng ngành hay không, nếu không việc các em phải trả lại khoản tiền cho 3 năm học gần trăm triệu đồng, cũng là gánh nặng kinh tế.

Cô Nguyễn Thị Lệ Hường cho hay, hiện tại chưa có chế tài thay cho Nghị định 115/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, trong đó có giáo viên.

Theo đó, đối với sinh viên hưởng hỗ trợ Nghị định 116 khi tốt nghiệp cũng có thể phải trải qua thi tuyển với hình thức làm bài thi, hoặc xét tuyển gồm cả phỏng vấn.

"Nếu các em thi không đỗ hoặc không có chỉ tiêu thi tuyển, vậy ai sẽ chi trả khoản kinh phí hỗ trợ Nghị định 116. Vì vậy, cần phải có cơ chế khác để cho việc tuyển dụng được phù hợp hơn", cô Hường đề xuất.

Về việc các địa phương đặt hàng giáo viên, cô Hường cho rằng, khi địa phương đặt hàng hay giao nhiệm vụ đào tạo cho các trường là rất khó trong việc tính toán, định lượng được nhu cầu nhân lực ngành sư phạm của vài năm tới. Vì vậy, có những địa phương không giao và không đặt hàng giáo viên.

Với tỉnh Hòa Bình, địa phương không đặt hàng. Theo đó, nhà trường sẽ tuyển sinh kèm theo xét duyệt hồ sơ, sau đó tỉnh sẽ cấp bù kinh phí chi trả Nghị định 116 cho sinh viên vào kinh phí đào tạo cho nhà trường, không giao cụ thể chỉ tiêu đặt hàng giáo viên.

"Tỉnh giao nhiệm vụ với nhà trường là khi sinh viên đủ điều kiện, đơn vị sẽ lập hồ sơ để cơ quan có thẩm quyền cấp kinh phí theo quy định, chứ họ không giao trước chỉ tiêu.

Đến thời điểm hiện tại, đơn vị đang làm hồ sơ cho sinh viên để được tỉnh phê duyệt kinh phí", cô Hường nói.

Trước những bất cập trong Nghị định 116, lãnh đạo trường Cao đẳng sư phạm Hoà Bình cho hay, cô sẽ gửi nội dung đề xuất về những sự bất cập của dự thảo cũng như nội dung của Nghị định 116.

"Nếu không sửa đổi tổng thể Nghị định 116 sẽ khó khăn cho các cơ sở đào tạo và người học, mặc dù chính sách rất ưu việt", Cô Hường nói.

Là một đại học ngoài công lập, Trường đại học Nguyễn Tất Thành bắt đầu đào tạo ngành sư phạm mầm non kể từ năm học 2022-2023 theo đơn đặt hàng của đơn vị trong công ty như quy định tại Nghị định 116.

Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trường nhà trường cho hay, khoá đầu tiên của nhà trường có 18 sinh viên đăng ký nhận hỗ trợ theo Nghị định 116, các em cũng có học lực tương đối tốt.

Tôi đồng ý việc không hỗ trợ chi phí sinh hoạt 3,6 triệu đồng cho sinh viên xếp loại học lực, hạnh kiểm yếu. Điều này nhằm giúp nâng cao chất lượng giáo viên tương lai", cô Cầm nói.

Trước câu hỏi về việc nhà trường phải kiêm thêm việc ra thông báo đòi kinh phí đào tạo đối với sinh viên nghỉ học, bỏ học chuyển ngành, cô Cầm cho hay, điều quan trọng trong việc này là nhà trường phải thông tin cho các em biết hết về quyền lợi, khi lựa chọn đăng ký hưởng chế độ Nghị định 116.

Chia sẻ thêm về nội dung Dự thảo trên, cô Trần Ái Cầm cho rằng, nhà trường may mắn khi có sự đầu tư của công ty nên không gặp những vướng mắc về việc đặt hàng của các địa phương. Tuy nhiên, đơn vị vẫn đi theo guồng của ngành giáo dục mầm non nên đôi khi cũng bị động.

Đối với việc tuyển sinh ngành sư phạm giáo dục mầm non, nhà trường thực hiện theo điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, đơn vị vẫn đang thực hiện theo Nghị định 116.

"Năm nay, nhà trường tuyển dụng 30 em, chỉ tiêu này tương đương so với năm ngoái nhưng vào năm ngoái chỉ có 18 em nhập học", cô Cầm chia sẻ.

Lý giải về điều này, cô Cầm cho rằng, ngành nghề nào cũng có đặc thù yêu cầu, riêng đối với ngành sư phạm mầm non đòi hỏi giáo viên phải có sự nhẫn nại, nhiều tài năng... trong thời đại mới đòi hỏi giáo viên phải tiếp cận những phương pháp giảng dạy hiện đại, điều đó cũng là thách thức với ngành giáo dục mầm non.

Mạnh Đoàn