LTS: Dân gian vẫn có câu “mồng một tết cha, mồng 2 tết mẹ, mồng 3 tết thầy”. Ngày lễ Tết cũng là dịp học sinh bày tỏ những dành những tình cảm tri ân sâu sắc đến các thầy cô.
Nhân dịp đầu năm mới, thầy giáo Khánh Văn chia sẻ câu chuyện về nét đẹp truyền thống văn hóa “Tết thầy” xưa và nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tình thầy trò trong mỗi giai đoạn lịch sử dù có khác nhau nhưng vẫn ẩn chứa một tình cảm thiêng liêng và cao đẹp.
Ở đó, không chỉ là tình yêu thương mà người thầy dành cho học trò mà cả lòng kính trọng của học trò đối với những người đã nâng đỡ, tạo bệ phóng cho trò để các em trưởng thành.
Vì thế, dù đi đến một phương trời nào chăng nữa thì chúng ta - những người đã và đang còn đi học luôn nhớ về một nét đẹp của văn hóa dân tộc, đó là nhớ về những câu nói của người xưa: “mồng một tết cha, mồng 2 tết mẹ, mồng 3 tết thầy”.
Ca dao Việt Nam từng có câu: Mấy ai là kẻ không thầy/ Thế gian thường nói đố mày làm nên để ghi nhận công lao của người thầy đối với học trò.
Trong suốt cả ngàn năm phong kiến, giáo dục nước ta ảnh hưởng trực tiếp của Nho giáo, vì thế mà vị thế người thầy được xã hội đặc biệt coi trọng theo tư tưởng: "Quân- Sư - Phụ".
Chúc Tết thầy cô là nét đẹp truyền thống thể hiện tình cảm thầy trò đáng quý. (Ảnh: zing.vn) |
Có nghĩa là trong xã hội phong kiến, người được coi trọng nhất là Vua, thứ đến là Thầy sau mới là Cha. Người thầy xếp trên cả vai trò của người cha để thấy thấy xã hội phong kiến đề cao vai trò của người thầy như thế nào.
Vì thế, học trò mỗi khi về thăm thầy dù là quan cao, vọng trọng đều phải xuống kiệu, xuống ngựa, bỏ mũ mão để đi vào thăm thầy…
Ngày nay, tình thầy trò không còn gói gọn trong tư tưởng Nho giáo như xưa nữa nhưng dân tộc ta vẫn đề cao vị thế của người thầy. Câu nói “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” vẫn ăn sâu vào trong từng suy nghĩ của mỗi con người Việt.
Hàng năm, ngoài ngày 20/11 thì ngày mùng 3 Tết Nguyên đán hàng năm những thầy cô giáo vẫn đón các em học trò, kể cả các em học trò cũ đến thăm thầy (nhất là ở các tỉnh phía Bắc) cho thấy nét đẹp truyền thống đã và đang tồn tại một cách vững bền trong cuộc sống hiện đại.
Ngày mới ra trường, tôi dạy Văn tại một trường trung học phổ thông ở một tỉnh phía Bắc, sau này vào Nam công tác thì mỗi quan hệ thầy trò vẫn được duy trì.
Nhất là hiện nay đã có điện thoại di động, Facebook, Zalo, Email… thì việc liên lạc lại càng dễ dàng.
Những ngày lễ tết tôi vẫn nhận được các lời lúc từ các em học sinh cũ.
Tết năm ngoái, có gần chục học sinh cũ hiện đang công tác và làm việc tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức xuống nơi tôi đang công tác (An Giang) để thăm và chúc tết thầy vào ngày mồng 3 Tết.
Tình cảm thầy trò hàng chục năm vẫn nguyên vẹn như xưa. Có lẽ niềm vui và hạnh phúc của người thầy không có gì lớn lao hơn thế.
Khi thấy các em chạy xe máy hàng trăm cây số đến thăm thầy trong dịp tết thì còn gì cảm động hơn.
Ngày đầu xuân, trò chuyện với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ |
Và, rõ ràng chính các em - những người đang làm thắm thêm nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, đang là động lực giúp cho thầy cô ngày nay tin yêu hơn ở cuộc đời, với nghề nghiệp của mình đang theo đuổi.
Có một điều đúc kết sau nhiều năm giảng dạy là không chỉ những em học sinh chăm ngoan, siêng năng học tập giờ thành đạt mới nhớ đến thầy mà cả những em học sinh khi còn đi học vẫn thường quậy phá, học hành chểnh mảng bị thầy cô la rầy nhiều thì sau này lại nhớ về thầy cô nhiều nhất.
Và, bao giờ các em cũng thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc bởi theo các em: nếu như ngày xưa các thầy không kèm cặp, không quát nạt và quan tâm thì bây giờ các em sẽ không trưởng thành.
Thời hiện đại, đâu đó đang làm mai một đi nhiều nét đẹp của văn hóa truyền thống. Nhưng, chúng ta nhớ về thầy cô, nhớ về những người đã một thời dạy dỗ mình nên người thì đó chính là nét đẹp đáng trân trọng.
Học trò đến với thầy không nhất thiết phải chuẩn bị quà cáp gì bởi với những người thầy chân chính - những thầy cô còn được học sinh nhớ và đến chúc tết, thăm thầy thì những món quà không tỉ lệ thuận với tấm lòng và tình cảm của tình thầy - trò.
Bản thân tôi cũng thế, ngày còn ở quê, tôi vẫn đi thăm các thầy, cô giáo nhân dịp Tết đến, xuân về. Tôi nghĩ, ngày Tết đến thăm thầy có ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt nhất. Và, đó cũng là đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”..
Những năm gần đây, chúng ta đã nghe nhiều về chuyện chúc Tết, chuyện cấm chúc Tết bởi đâu đó một số người vẫn lợi dụng thời khắc này để đến chúc mừng nhau bằng những món quà mang nhiều ý nghĩa vật chất để trả ơn hay tạo mối thân tình mà nhờ vả, cầu cạnh.
Thì rõ ràng, việc một số em học sinh, cưụ học sinh đến thăm và chúc tết thầy cô đang tô thêm vẻ đẹp truyền thống bởi ở đó chỉ có tình thầy trò, là lòng biết ơn của học trò khi nghĩ về cội nguồn, nhớ về một thời: “cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”… tình cảm đó thật đẹp làm sao.