Mới đây nhất, liên quan đến công tác nhân sự tại Bộ Công Thương, trong văn bản gửi đến Bộ Công thương, Ủy ban Chứng khóan nhà nước, Phó Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương… Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đề nghị làm rõ việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải (con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng) tại Tổng Công ty Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), qua đó làm rõ chức danh Hàm Phó Vụ trưởng của ông Hải.
VAFI tiếp tục đề nghị làm rõ chức danh hàm Phó Vụ trưởng của ông Vũ Quang Hải (con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng). |
VAFI cho rằng, chính với chức danh Hàm Phó Vụ trưởng, ông Vũ Quang Hải được Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa ký quyết định điều động cán bộ công chức về tăng cường hàng ngũ lãnh đạo cho Sabeco.
Tuy nhiên, việc ông Hải giữ hàm Phó Vụ trưởng lại không minh bạch.
Nhiều câu hỏi về công tác nhân sự chưa được nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng làm rõ(GDVN) - Đại diện VAFI cho rằng, trả lời của nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong việc bổ nhiệm con trai chưa thỏa đáng, nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không đủ tiêu chuẩn mà ép đưa lên thì hỏng(GDVN) - Đó là quan điểm của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó ban tổ chức Trung ương trước chất vấn của VAFI về việc bổ nhiệm con trai nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Nội dung |
Theo VAFI, trong thời gian làm Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, ông Hải được bổ nhiệm chức danh Kiểm soát viên Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba).
"Việc bổ nhiệm này hoàn toàn phi lý, sai Luật và cũng mang tính vụ lợi bởi Luật Công chức nhà nước qui định điều kiện để làm thành viên Ban kiểm soát tại doanh nghiệp nhà nước phải là công chức nhà nước.
Mặt khác, việc bổ nhiệm phải tuân thủ qui định tại Điều 122 Luật Doanh nghiệp 2005 và các qui định khác của pháp luật.
Điểm 1b Điều 122 Luật Doanh nghiệp 2005 qui định: “Thành viên Ban kiểm soát không phải là vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh,chị, em ruột của thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và người quản lý khác”.
Thời điểm đó, ông Vũ Huy Hoàng là Bộ trưởng và là người đại diện quản lý vốn cao nhất có quyền bổ nhiệm các thành viên hội đồng quản trị thì rõ ràng việc bổ nhiệm Vũ Quang Hải là không đúng Luật.
Từ phân tích trên để khẳng định rằng Vũ Quang Hải không đủ tư cách làm Kiểm soát viên tại Vinataba và không thể có chức Phó Vụ trưởng”, VAFI phân tích.
Ngoài ra VAFI bày tỏ, trả lời báo chí ông Vũ Quang Hải nói về làm việc tại Sabeco là làm thuê doanh nghiệp. Như vậy ông Hải đáng ra phải xin nghỉ tại Cục Xúc tiến thương mại sau đó chuyển về Sabeco. Nhưng trong quyết định của Bộ Công Thương lại là điều động ông Hải về làm việc tại Sabeco với Hàm Vụ phó.
VAFI cho rằng quyết định này của Bộ Công Thương trái quy định của luật.
Trước phân tích của VAFI, trên cơ sở quy định của pháp luật, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Trần Quốc Thuận -nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Đầu tiên phải trả lời câu hỏi ông Vũ Quang Hải có phải cán bộ của Bộ Công Thương hay không?
"Nếu con trai nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là cán bộ của Bộ Công Thương thì việc thi tuyển trở thành công chức của Bộ Công Thương diễn ra khi nào, ông Hải có thi tuyển hay không và trúng tuyển với số điểm bao nhiêu?", LS Nguyễn Quốc Thuận nêu quan điểm.
Theo LS Thuận, thi vào công chức trở thành chuyên viên nhưng nâng bậc chuyên viên chính phải mất 6 năm trở lên (đối với diện quy hoạch thì từ 3 trở lên). Tính từ khoảng thời gian ông Hải về làm việc tại Cục Xúc tiến thương mại đến khi chuyển về Sabeco chỉ khoảng 3 năm, thông thường ông Hải chỉ là chuyên viên chính.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. |
“Vì thế phải làm rõ tại sao ông Hải có được chức Hàm Vụ phó - một chức danh đòi hỏi kinh nghiệm tổ chức, quản lý. Mặt khác, nếu ông Hải không phải cán bộ của Bộ Công Thương thì không thể giữ vị trí kiểm soát viên tại Công ty thuốc lá Vinataba”, Luật sư Thuận cho biết.
Theo ông Thuận, hiện nay trong các văn bản quy định của Đảng và Nhà nước về bổ nhiệm cán bộ không có quy định nào về “Hàm”, tuy nhiên thực tế tại nhiều cơ quan trung ương có nhiều vận dụng cho hưởng chế độ chức danh “Hàm” đối với cán bộ công chức, viên chức.
“Chức danh Hàm Vụ phó đòi hỏi kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm tổ chức của cán bộ được bổ nhiệm chứ không phải chỉ đưa ra cho oai”, ông Thuận nói.
Theo ông Trần Quốc Thuận, những vấn đề VAFI nêu ra trong việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải chỉ là điển hình cho cách tổ chức bố trí nhân sự theo kiểu: Thứ nhất hậu duệ; thứ hai quan hệ; thứ ba tiền tệ; thứ tư mới là trí tuệ. Cách thức này không công khai nhưng có những mặc định ngầm hiểu phải thế.
Ông Thuận cho rằng, nếu làm nghiêm túc, rà soát lại toàn bộ quy trình tuyển dụng bổ nhiệm, đặc biệt với trường hợp là con cán bộ cao cấp, thì ông tin sẽ có rất nhiều những trường hợp như ông Vũ Quang Hải.
“Mong muốn người dân sau những bất cấp trong việc bổ nhiệm con trai nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là cần phải làm quyết liệt, rà soát lại toàn bộ vấn đề tuyển dụng và bổ nhiệm.
Cán bộ tham nhũng vì lương thấp, lương thấp do số lượng nhiều nhưng chất lượng kém. Nếu loại bỏ người kém năng lực không hoàn thành công việc, có chỗ ngồi do quan hệ, do chạy chọt thì mới có thể nâng mức lương của những người khác, cuối cùng vừa nâng cao chất lượng con người vừa nâng cao thu nhập”, ông Thuận xâu chuỗi vấn đề.
“Dễ nhất phải minh bạch tất cả quy trình tuyển dụng, tiêu chí duyển dụng, bổ nhiệm phải tổ chức thi tuyển, phản biện trực tiếp chứ không chỉ là bài thi theo đề có sẵn”, ông Thuận nêu giải pháp.