Công ty cổ phần Đầu tư đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) ra đời trên cơ sở liên danh giữa Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), Tổng công ty Sông Đà và một ngân hàng nhằm thực hiện Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 51 (Dự án Quốc lộ 51) theo hình thức BOT.
Tuy nhiên, 3 cổ đông sáng lập BVEC đã có 3 lần chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông sáng lập và bên ngoài, Tổng công ty Sông Đà và Ngân hàng thay thế bằng cổ đông mới là Công ty Thái Ninh.
Theo đó, tổng vốn đầu tư của dự án 3.075.760 tỷ đồng tỷ, trong đó vốn vay chiếm 90%, vốn chủ sở hữu 10%. Dự án được triển khai từ năm 2009 đến năm 2012, theo quy định Hợp đồng, đến tháng 8/2012 nhà đầu tư phải huy động đủ 100% số vốn chủ sở hữu là 307,576 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, đến thời điểm quy định, nhà đầu tư mới góp được 73,05 tỷ đồng (đạt 23,8%), còn thiếu 234,52 tỷ đồng.
Trạm thu phí trên Quốc lộ 51 được Công ty BVEC lập ra tiến hành thu phí từ năm 2012 dù đường chưa xây xong, dự án chưa quyết toán - ảnh nguồn Báo Bà Rịa Vũng Tàu. |
Đến tháng 7/2015, BVEC mới có 159,9 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty IDICO (nắm giữ 49% vốn điều lệ BVEC) mới góp được 106,5 tỷ đồng/857,5 tỷ đồng phải góp; DIC (giữ 25% vốn điều lệ) nhưng chỉ góp được 23,7 tỷ đồng/437 tỷ đồng phải góp; Công ty Thái Ninh (giữ 26% vốn điều lệ) nhưng cũng chỉ góp được 23,7 tỷ đồng/455 tỷ đồng phải góp.
Đến thời điểm tháng 10/2015, vốn góp của nhà đầu tư vẫn còn thiếu tới 192,168 tỷ đồng. Việc chậm trễ góp vốn này hoàn toàn vi phạm luật doanh nghiệp. Đây cũng chính là nội dung khiến Bộ Giao thông vận tải “tuýt còi” BVEC.
Theo các chuyên gia, sai sót về việc thiếu vốn điều lệ nhưng BVEC vẫn được thực hiện dự án thuộc về các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải gồm: Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Ban quản lý Dự án 7 - đơn vị được giao đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giám sát việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.
Trong thông báo kết luận về công tác quản lý đầu tư Dự án Xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 của Bộ Giao thông vận tải cho biết, cho đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành (còn lại một số hạng mục phụ trợ địa phương không giải phóng được mặt bằng), chủ đầu tư và nhà thầu vẫn chưa hoàn thành công tác thanh, quyết toán A-B.
Lý do chủ yếu là do phần giá trị điều chỉnh giá và khối lượng phát sinh chưa được phê duyệt, nên doanh nghiệp dự án vẫn chưa thanh toán cho nhà thầu.
BOT trên Quốc lộ 51 nhiều sai phạm, Bộ Giao thông vận tải vào cuộc chậm trễ(GDVN) - Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, những sai phạm của chủ đầu tư dự án BOT Quốc lộ 51 rất rõ nhưng Bộ Giao thông vận tải vào cuộc chậm trễ khiến dư luận bức xúc. Đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc vụ chủ đầu tư Quốc lộ 51 thu phí trái luật(GDVN) - Theo ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc làm rõ sai phạm trong việc thu phí tại Quốc lộ 51. |
Trước vi phạm trên của BVEC, Bộ Giao thông vận tải văn bản yêu cầu Công ty BVEC phải khẩn trương nộp đủ vốn chủ sở hữu theo quy định hợp đồng trước ngày 31/5/2016 và hoàn thành quyết toán trước 31/9/2016, nếu không Công ty BVEC sẽ bị dừng thu phí tuyến Quốc lộ 51, đoạn qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điều đáng nói năm 2010, dù trong thời gian đang thi công dở, Dự án Quốc lộ 51 với tình cảnh thiếu tiền nhưng Công ty VBEC vẫn được Bộ Giao thông vận tải giao quyền phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Theo đề xuất của Công ty BVEC, dự kiến đường cao tốc này sẽ được xây dựng trên địa phận hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với chiều dài 77,56 km.
Đây là tuyến đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế từ 100-120 km/giờ với 6 làn xe. Điểm đầu của tuyến đường sẽ giao với tuyến tránh thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), kết nối đến hai điểm cuối là khu vực cảng Thị Vải - Cái Mép (thị xã Bà Rịa) và vòng xoay Ông Từ để vào Thành phố Vũng Tàu.
Công ty BVEC từng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho phép công ty đầu tư tuyến đường cao tốc trên, với kinh phí gần 16.000 tỉ đồng.
Đến cuối năm 2014, do xét thấy dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng mức đầu tư khá lớn nên đơn vị tư vấn đề xuất làm trước đoạn Biên Hòa - Phú Mỹ dài 47 km với tổng mức đầu tư dự kiến 7.605 tỉ đồng.
Tuy nhiên đến tháng 7/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý chấm dứt nghiên cứu đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu của Công ty BVEC.
Giả thiết nếu Công ty BVEC vẫn được giao thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thì liệu với năng lực tài chính của mình BVEC, lấy đâu ra 16.000 tỷ để thực hiện toàn bộ dự án hay kể cả là mức đầu tư lên đến 7.605 tỷ thực hiện đoạn Biên Hòa - Phú Mỹ.
Ngay Dự án Quốc lộ 51 mới mức đầu tư chỉ bằng 1/5 tổng mức đầu tư nhưng BVEC không đóng đủ, liệu rằng nếu được giao thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu không biết BVEC lấy gì để thực hiện dự án và vay ai?.
Đặt câu hỏi trên để thấy cách làm dự án kiểu “tay không” khi BVEC vẫn từng được Bộ Giao thông vận tải tin tưởng giao cho nghiên cứu đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.