Máy bay chiến đấu MiG-29 do Nga chế tạo |
Ngày 3/5, tờ “Kính tiềm vọng 2” Nga đăng bài viết của Constantin Makiyenko, phó chủ nhiệm Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga cho rằng, máy bay chiến đấu MiG-29 do Nga chế tạo tuy vẫn có sức cạnh tranh rất mạnh trên thị trường quốc tế, nhưng trong tương lai sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn, đặc biệt là máy bay chiến đấu FC-1 Kiêu Long (hay JF-17 Thunder) và máy bay chiến đấu J-10 (phiên bản xuất khẩu là F-10) giá rẻ xuất xứ TQ.
Makiyenko cho rằng, từ khi máy bay nguyên mẫu MiG-29 bay thử lần đầu tiên năm 1977 đến nay, Công ty MiG luôn không ngừng tiến hành cải tiến nâng cấp đối với máy bay này để củng cố sức cạnh tranh của mình trên thị trường máy bay chiến đấu hạng nhẹ và hạng trung quốc tế.
Trong tình hình bình thường, chu kỳ sản xuất mỗi thế hệ máy bay chiến đấu đều chỉ có thể duy trì 10-15 năm, nhưng máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư trong đó có MiG-29 sau hơn 30 năm có mặt trên thị trường vẫn được các nước quan tâm.
Trên thực tế, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm như F-35 của Mỹ, do chi phí chế tạo rất cao và giá thành đắt đỏ, nó khó chiếm được thị phần của máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư trong ngắn hạn. Đồng thời, máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư mặc dù đã ở “cuối con đường”, nhưng lại ngày càng thể hiện sức sống đáng kinh ngạc trên thị trường.
Chẳng hạn, Công ty Boeing Mỹ đã đưa ra máy bay chiến đấu F-15 phiên bản tàng hình và đã thành công trong việc giành đơn đặt hàng xuất khẩu. Tuy máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đã có ảnh hưởng rõ rệt đối với thị trường quốc tế, nhưng do có ưu thế về tỷ lệ tính năng-giá cả, máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư vẫn sẽ tiếp tục được tiêu thụ trong 10-15 năm nữa.
Máy bay chiến đấu MiG-35 Nga |
Với tư cách là đại diện điển hình của máy bay chiến đấu hạng nhẹ thế hệ thứ tư, trong một giai đoạn tương đối dài sắp tới, máy bay chiến đấu MiG-29 vẫn sẽ có ưu thế về mặt giá cả và chính trị: giá cả máy bay này tương đối rẻ, đồng thời tính nhạy cảm chính trị trong hoạt động xuất khẩu của nó thấp xa so với máy bay chiến đấu hạng nặng phiên bản xuất khẩu. Độ nhạy cảm thấp về chính trị giúp cho máy bay chiến đấu MiG-29 có cơ hội giành được hợp đồng của những quốc gia bị phương Tây chỉ trích về nhân quyền.
Mặc dù máy bay chiến đấu MiG-29 có thực lực tổng hợp rất mạnh, nhưng nó sẽ đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong tương lai. Đối với MiG-29, đối thủ nguy hiểm nhất là hai loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ mới như FC-1 và F-10 của Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đã có thực lực để thúc đẩy xuất khẩu vũ khí, trong đó có cung cấp khoản vay ưu đãi cho nước nhập khẩu, kèm theo thực hiện một loạt chương trình hợp tác (ví dụ xây dựng hạ tầng cơ sở và phát triển ngành nguyên liệu).
Với tư cách là nước thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc còn có thể tạo sự hỗ trợ về chính trị cho những nước có xu hướng mua vũ khí của Nga. Ngoài Ấn Độ và Việt Nam, bất cứ khách hàng nào của Nga hiện nay đều có thể chuyển sang mua vũ khí trang bị do Trung Quốc chế tạo bởi yếu tố giá cả.
Venezuela, Algeria, Ai Cập, Sudan, Iran và Syria – tất cả những nước này đều từng bày tỏ quan tâm tới máy bay do Trung Quốc sản xuất. Nói chung, Trung Quốc và Nga đang tranh đoạt thị trường lẫn nhau, hơn nữa Trung Quốc còn có thể cung cấp điều kiện hấp dẫn hơn cho khách hàng của họ.
Máy bay chiến đấu FC-1 Kiêu Long do Trung Quốc chế tạo, sử dụng động cơ Nga |
Trên thị trường máy bay chiến đấu, Nga chỉ có thể thông qua con đường khác để hạn chế sự cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc. Chẳng hạn, máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư do Trung Quốc sản xuất hiện chỉ có khách hàng Pakistan, tuy có thể có nhiều cách giải thích về hiện tượng này, nhưng điều không thể nghi ngờ là: Nga có khả năng “bóp chết” bất cứ ý định xuất khẩu nào của máy bay chiến đấu FC-1 và F-10, bởi vì hai loại máy bay chiến đấu này đều trang bị động cơ do Nga chế tạo.
Trung Quốc hiện đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo và sản xuất động cơ tương tự như AL-31FN và RD-93 do Nga chế tạo. Nhưng xét thấy trong hai năm gần đây Trung Quốc vẫn nhập khẩu lượng lớn động cơ do Nga chế tạo, phía Nga vẫn có cơ hội tiếp tục gây cản trở đối với hoạt động xuất khẩu máy bay chiến đấu của Trung Quốc.
Ngoài máy bay chiến đấu FC-1 và F-10 của Trung Quốc, một đối thủ cạnh tranh đáng gờm khác của MiG-29 là máy bay chiến đấu JAS-39 Gripen của Thụy Điển. JAS-39 là một loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ thế hệ thứ tư có tính năng kỹ thuật xuất sắc và giá cả ưu việt.
Chi phí cho mỗi giờ bay của máy bay này chỉ 4.700 USD, không chỉ thấp hơn so với máy bay chiến đấu Typhoon của châu Âu và Rafale của Pháp (chi phí mỗi giờ bay là 17.000-18.000 USD), cũng thấp hơn nhiều máy bay chiến đấu F-35 (31.000 USD).
Đối với những nước có diện tích lãnh thổ hẹp và ngân sách quốc phòng hạn chế, máy bay chiến đấu JAS-39 có thể sử dụng nhiều loại vũ khí mới nhất là một sự lựa chọn tốt. Nhưng, do một số bộ kiện quan trọng trên máy bay này đều nhập khẩu từ nước thứ ba (chẳng hạn, động cơ do Mỹ chế tạo), cộng với hệ thống quản lý xuất khẩu vũ khí nghiêm ngặt của Thụy Điển, khiến cho loại máy bay chiến đấu này hiện chỉ có 4 khách hàng nước ngoài.
Máy bay chiến đấu JAS-39C Gripen của Thụy Điển. |
Trong các máy bay chiến đấu do các nước Tây Âu sản xuất, những máy bay có trọng tải tương tự MiG-29 chỉ có hai loại máy bay chiến đấu là Typhoon và Rafale. Tuy hai loại máy bay chiến đấu này dẫn trước “nửa thế hệ” so với MiG-29 và có kinh nghiệm chiến đấu thực tế, nhưng đứng trước sản phẩm mới nhất của Công ty Mikoyan, chúng lại hoàn toàn không thể hiện được ưu thế nổi bật, thậm chí còn đứng lép vế.
Thành viên mới nhất của MiG-29 là MiG-35 đã đổi sang trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động, thứ mà radar của máy bay chiến đấu Typhoon và Rafale không thể so sánh. Ngoài ra, giá cả máy bay MiG-35 cũng thấp hơn hai đối thủ ở châu Âu.
Đồng thời, trong quá trình nghiên cứu chế tạo MiG-35, Công ty MiG đặc biệt chú trọng nâng cao tính năng sử dụng: độ tin cậy của thân máy bay, động cơ và thiết bị điện tử hàng không đã được cải thiện rất lớn; đã kéo dài tuổi thọ sử dụng; đã kéo dài giãn cách sửa chữa động cơ; chi phí mỗi giờ bay của MiG-35 chỉ hơn 40% của MiG-29.
Đồng thời, máy bay này cũng đã trang bị động cơ đẩy véc tơ tiết kiệm dầu hơn và hệ thống tiếp dầu trên không, hành trình tác chiến đã được cải thiện rõ rệt, đã tăng số móc treo bên ngoài và lượng tải đạn, và có tính cơ động tốt hơn.
Tuy nhiên, do bị thua trong cuộc đấu thầu mua sắm 126 máy bay chiến đấu mới của Không quân Ấn Độ, triển vọng của MiG-35 đã dần dần xấu đi. Ngoài ra, về trình độ tổng thể, MiG-35 vẫn thuộc máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, không gian tiếp tục cải tiến đã rất có hạn. Đồng thời, trọng lượng lớn nhất (khoảng 30 tấn) và đơn giá (hơn 1 tỷ rúp) của máy bay này đều đã rất gần với máy bay chiến đấu hạng nặng có tính năng toàn diện hơn.
Máy bay chiến đấu J-10 do Trung Quốc chế tạo, sử dụng động cơ Nga |
Đối mặt với cuộc giáp công kép của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm với đại diện là F-35 Mỹ và máy bay chiến đấu giá rẻ thế hệ thứ tư của Trung Quốc, không gian xuất khẩu của máy bay chiến đấu dòng MiG-29 sẽ không ngừng bị dồn nén, Công ty MiG muốn duy trì được thị phần máy bay chiến đấu hạng nhẹ trong 10-15 năm tới, chắc chắn sẽ đối mặt với khó khăn to lớn.