Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey thứ hai của Nga |
Phó Thủ tướng Nga Rogozin, người phụ trách công nghiệp quân sự Nga phát biểu tại hội nghị của Duma quốc gia Nga đã cho biết: "Nga đã nghiên cứu các biện pháp đáp trả chiến lược ‘tấn công nhanh toàn cầu’ của Mỹ. Khi cần thiết sẽ áp dụng tấn công hạt nhân đánh đòn phủ đầu".
Được biết, mấy năm trước, Lầu Năm Góc đã đưa ra chiến lược "Tấn công nhanh toàn cầu", trong đó có sử dụng tên lửa đạn đạo lắp đầu đạn thông thường, máy bay tốc độ siêu thanh, thậm chí máy bay chiến đấu không gian để tiến hành tấn công tầm xa, chính xác cao và nhanh đối với các mục tiêu mang tính then chốt của kẻ thù; dựa vào tốc độ bay siêu cao của chúng, có thể dễ dàng đột phá hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa hiện có.
Tuyên bố của ông Rogozin cho thấy, hai nước Mỹ-Nga đã bắt đầu triển khai cuộc chạy đua vũ trang về kho vũ khí tốc độ siêu thanh, độ chính xác cao.
Tờ "Quan điểm" Nga ngày 12 tháng 12 dẫn lời ông Rogozin ngày 11 tháng 12 cho biết, "Quỹ nghiên cứu Tầm nhìn" Nga thời gian tới sẽ nghiên cứu phương án đáp trả công nghệ quân sự đối với chiến lược "tấn công chớp nhoáng" của Mỹ.
Quỹ này hiện đã nghiên cứu và xem xét trên 1.000 chương trình khoa học công nghệ và kiến nghị, trong đó có 52 chương trình được cho là có tầm nhìn, 8 chương trình được cho là chương trình quan trọng hàng đầu. Ông Rogozin nói: "Tôi không có quyền tiết lộ tình hình chi tiết, nhưng tôi có thể cho các anh biết, có một chương trình nghiên cứu cách thức đáp trả với chiến lược 'tấn công chớp nhoáng toàn cầu' của Mỹ".
Phó Thủ tướng Nga Rogozin (đứng cuối cùng bên phải) |
Trước đây, báo chí Nga từng tiết lộ, Nga đang bí mật nghiên cứu phát triển tên lửa tốc độ siêu thanh, tốc độ có thể gấp 5 lần vận tốc âm thanh trở lên, không có bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào có thể đánh chặn được loại tên lửa có tốc độ này.
Ông Rogozin còn nhấn mạnh, Học thuyết quân sự Nga còn cho phép áp dụng phương thức tấn công hạt nhân kiểu đánh đòn phủ đầu để đáp trả sự xâm lược của kẻ thù. Ông nói: "Mặc dù các cuộc thử nghiệm phương tiện vận tải chiến lược lắp vũ khí phi hạt nhân đã được tiến hành từ sớm, nhưng nếu chúng tôi bị xâm lược, chúng tôi đương nhiên có thể dựa vào vũ khí hạt nhân trong các điều kiện cụ thể và đặc biệt để bảo vệ an ninh quốc gia".
Ông chỉ ra, Học thuyết quân sự Liên bang Nga cũng có quy định điều khoản tương ứng đối với vấn đề này. Bất cứ kẻ xâm lược nào hoặc liên minh xâm lược nào đều cần phải ý thức được điểm này, chỉ có răn đe vũ khí hạt nhân này mới có thể ngăn chặn các hành vi khiêu khích và xâm lược đối với Nga.
Chuyên gia Arbatov, Phòng nghiên cứu quan hệ quốc tế và kinh tế thế giới, Viện Khoa học Nga cho biết, Học thuyết quân sự Nga sớm đã viết rõ, trong các tình huống nào có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Những tình huống này bao gồm: kẻ thù bên ngoài sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí sinh hóa xâm lược Nga hoặc đồng minh của Nga, Nga bị vũ khí thông thường xâm phạm và thể chế quốc gia bị đe dọa.
Mỹ thử nghiệm vũ khí siêu thanh X-51 |
Nga cũng có thể sử dụng trước vũ khí hạt nhân, điều kiện tiền đề là thể chế nhà nước Nga bị đe dọa, chẳng hạn có người đã xâm chiếm Siberia hoặc Viễn Đông, hoặc khu vực phía tây của Nga bị xâm lược, sự tồn tại của nhà nước Nga đã bị đe dọa.
Tờ "Kommersant" Nga ngày 12 tháng 12 dẫn lời James Acton, Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie cho biết: "Hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự các nước đều đang đẩy nhanh nghiên cứu phát triển vũ khí tấn công nhanh toàn cầu thông thường có độ chính xác cao, Mỹ có kế hoạch trang bị loại vũ khí này trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai của Barack Obama".
Tổng thống Nga V. Putin trước đó từng chỉ ra, nhìn vào năng lực tấn công, mối đe dọa của vũ khí thông thường có tốc độ và độ chính xác cao đã tiếp cận trình độ của vũ khí hạt nhân chiến lược. Vì vậy, ứng phó với các cuộc tấn công của loại vũ khí này là một trong những phương hướng phát triển ưu tiên trong xây dựng trang bị Quân đội Nga trước năm 2020.
Máy bay không gian không người lái X-37B Mỹ |
Tuy nhiên, đợt chạy đua vũ trang mới sẽ không gây ra hậu quả tiềm tàng mang tính thảm họa “tiêu diệt lẫn nhau”? Phó chủ nhiệm Burzynski, Trung tâm nghiên cứu chính trị Nga cho rằng, trong trạng thái tự động, hệ thống cảnh báo sớm tên lửa không thể nhận dạng tên lửa tấn công đến hay đầu đạn hạt nhân mang theo, vì vậy việc sử dụng loại vũ khí này rất dễ gây ra chiến tranh hạt nhân quy mô lớn.
Còn trang mạng Rusnews ngày 12 tháng 12 cho rằng, "vũ khí tấn công nhanh toàn cầu" do Mỹ nghiên cứu phát triển tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho Nga, đồng thời có thể gây hậu quả "ngày tận thế".