Nga điều tàu chiến tới Địa Trung Hải thành lập lực lượng đặc nhiệm

17/05/2013 07:17
Nguyễn Hường (nguồn RT)
(GDVN) -  Địa Trung Hải gần đây đã trở thành điểm nóng triển khai sức mạnh quân sự cũng như tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc gồm Nga, Mỹ, NATO, Iran, Israel và Trung Quốc.
Nhóm tàu ​​gồm khu trục hạm "Đô đốc Panteleyev", hai tàu đổ bộ "Peresvet" và "Đô đốc Nevelskoi", một tàu chở dầu và một tàu kéo thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga đã tiến vào Địa Trung Hải lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ để góp phần xây dựng một hạm đội thường trực trong khu vực. 

Tàu chống ngầm "Đô đốc Panteleyev" của Hạm đội Thái Bình Dương.
Tàu chống ngầm "Đô đốc Panteleyev" của Hạm đội Thái Bình Dương.

Theo phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương, Đại úy Roman Martov, lực lượng đặc nhiệm Địa Trung Hải có thể được củng cố thêm sức mạnh bằng các tàu ngầm hạt nhân.
Nhóm tàu trên rời Viễn Đông hôm 19/3 và đang tiến tới Đảo Síp. Lực lượng Địa Trung Hải của Nga hiện nay gồm có các tàu từ Hạm đội Biển Bắc, Hạm đội Baltic và Hạm đội Biển Đen, trong đó có một tàu chống ngầm cỡ lớn và một tàu khu trục, một tàu đổ bộ lớp Ropucha-II.
Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Viktor Chirkov, tiết lộ với RIA Novosti hôm 16/5 rằng trong năm nay, Nga dự định sẽ bổ sung 5-6 tàu chiến và tàu hỗ trợ cho Hạm đội Địa Trung Hải trên cơ sở các tàu từ Hạm đội Biển Bắc, Hạm đội Baltic và Hạm đội Biển Đen sẽ luôn phiên tới đây làm nhiệm vụ. 
Tùy thuộc vào phạm vi và độ phức tạp của nhiệm vụ, số lượng tàu chiến trong lực lượng đặc nhiệm có thể được tăng lên. Ngoài ra, lực lượng đặc nhiệm Địa Trung Hải sẽ được "đào tạo toàn diện" để đáp ứng với các tình huống phát sinh trong khu vực.
Bộ Quốc phòng Nga ra quyết định thành lập lực lượng đặc nhiệm hải quân ở Địa Trung Hải vào tháng 4. Bộ trưởng Quốc phòng của nước này Sergey Shoigu cho biết, một lực lượng đặc nhiệm hải quân lâu dài là cần thiết để bảo vệ lợi ích của Nga trong khu vực.
Trụ sở chính của hạm đội đặc nhiệm thường trực sẽ được thiết lập vào mùa hè năm 2013, mặc dù vị trí thực tế của nó vẫn chưa được công bố.

Tàu hộ vệ tên lửa của Hạm đội Thái Bình Dương.
Tàu hộ vệ tên lửa của Hạm đội Thái Bình Dương.

Địa Trung Hải gần đây đã trở thành điểm nóng triển khai sức mạnh quân sự cũng như tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc. NATO đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân lớn trong khu vực này liên quan tới một số quốc gia mang tên Noble Mariner 12. Nga cũng tổ chức cuộc tập trận hải quân lớn nhất trong tháng 1 tại đây và kéo dài tới tận Biển Đen.
Các phương tiện truyền thông quốc tế cho rằng cả cuộc tập trận của Nga và NATO tại Địa Trung Hải gần đây đều có liên quan tới tình hình Syria. 
Một động thái khác được xem là khiêu khích đối với Israel khi Hải quân Iran điều Hạm đội 24 tới tuần tra Địa Trung Hải để truyền tải "thông điệp hòa bình". Động thái này đã khiến Israel ra quyết định mua 5 tàu ngầm lớp Dolphin có khả năng phóng tên lửa hành trình với đầu đạn hạt nhân.
Trung Quốc cũng tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực Địa Trung Hải bằng các tàu chiến tại Suez và một số cảng chính trong khu vực do nước này sở hữu một phần.
Hiện tại Địa Trung Hải còn có sự hiện diện thường trực của Nhóm 2 lực lượng Hải quân NATO, Lực lượng Hành động của Hải quân Pháp và Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ. Nga cũng có một căn cứ Hải quân tại cảng Tartus của Syria.
Nguyễn Hường (nguồn RT)