Hãng thông tấn Tass của Nga ngày 12/11 dẫn nguồn tin riêng trong ngành công nghiệp quốc phòng nước này cho biết, Nga có thể bàn giao hệ thống S-400 cho Trung Quốc trong khoảng 1 tới 1,5 năm tới.
Hệ thống phòng không S-400. |
Ngày 13 tháng 4, Anatoly Isaikin, Giám đốc điều hành của công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Rosoboronexport xác nhận thông tin Trung Quốc chính thức trở thành quốc gia đầu tiên mua được hệ thống phòng không tiên tiến S-400 của Nga.
Theo truyền thông quốc tế, Trung Quốc đã mua được 6 hệ thống S-400 theo hợp đồng có giá trị tổng thể là 3 tỷ USD.
Mới đây, truyền thông Ấn Độ cũng đưa tin cho biết, Ấn Độ sẽ ký hợp đồng mua S-400 của Nga trong chuyến thăm Moscow vào tháng 12 tới của Thủ tướng Narendra Modi. Trước đó, các quan chức Không quân Ấn Độ đã bày tỏ mong muốn mua 12 hệ thống S-400 của Nga.
Ngoài ra, đại diện của ngành công nghiệp quốc phòng Nga hồi tuần này cũng thừa nhận rằng Ả Rập Saudi cũng quan tâm đến hệ thống phòng không mới nhất của Nga S-400.
S-400 được cho là hệ thống phòng không tiên tiến nhất hiện nay. Nó được thiết kế tiêu diệt nhiều loại mục tiêu khác nhau như máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát, UAV, tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa đạn đạo tầm trung, mục tiêu siêu thanh, thiết bị làm nhiễu...
S-400 gồm bốn bệ phóng có chiều dài 7 mét, nặng 1,5 tấn. Nó có thể bắn ra 3 loại tên lửa khác nhau từ tầm xa đến tầm trung, từ tầm xa tới tầm thấp trong phạm vi tối đa là 400km, cao tối đa 30 km. Nó có thể tiêu diệt 36 mục tiêu cùng lúc.
Thông tin Trung Quốc mua được S-400 của Nga sau khi được xác nhận đã làm dấy lên lo ngại từ các nước láng giềng trong khu vực lẫn tại Nga.
Trong bài viết đăng tải hồi tháng 4, tờ Sputnik bình luận rằng Moscow đã "miễn cưỡng" bán S-400 cho Bắc Kinh và lo ngại rằng Trung Quốc chỉ "mua một số lượng nhỏ hệ thống mà nó rất thèm muốn với ý định tháo và sao chép cách chế tạo".
Tờ Nikkei của Nhật Bản cho biết, mặc dù Moscow nhận thức rõ những mối đe dọa từ việc bán S-400 cho Trung Quốc, nhưng vẫn quyết định thông qua hợp đồng này là để trả đũa việc Tokyo ủng hộ nỗ lực trừng phạt và cô lập Nga cùng với phương Tây.
Ngoài ra, những khó khăn về kinh tế do các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu cũng có thể là nguyên do khiến Tổng thống Vladimir Putin quyết định chấp thuận đề nghị của Bắc Kinh.
Các hệ thống S-400 sẽ cho phép Trung Quốc tấn công bất cứ mục tiêu trên đảo Đài Loan cũng như ở New Delhi, Calcutta, Hà Nội và Seoul cũng như quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông.
Nhật Bản đã bày tỏ lo ngại về viễn cảnh Trung Quốc sẽ làm suy yếu an ninh bằng những hành động táo bạo hơn trong những vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp một khi tăng cường được lợi thế quân sự của mình.
Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố thành lập cái gọi là Khu nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông và có thể tiến tới thành lập cái tương tự ở Biển Đông nhằm củng cố yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp và bành trướng) của mình.
Trung Quốc yêu cầu các máy bay nước ngoài phải khai báo trước khi đi qua khu vực này và cảnh báo sẽ có biện pháp mạnh đối với những ai không tuân thủ./.