Theo truyền thông phương Tây, Nga và Triều Tiên có thể sẽ ký kết thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt khi các nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng tới Moscow tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng phát-xít sắp tới.
Theo bình luận của nhà khoa học chính trị người Ba Lan Peter Machenzhek trên kênh Defence.24 gần đây, hợp tác năng lượng giữa Nga và Triều Tiên sẽ giúp đem lại lợi ích chính trị đáng kể cho Kremlin và tăng vị thế của nước này trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Ảnh Rian. |
Theo ông Machenzhek, một dự án hợp tác như vậy có thể đem lại lợi ích cho cả hai nước.
Thứ nhất, các đường ống dẫn khí đốt mới sẽ giúp Triều Tiên giải quyết được vấn đề thiếu điện kinh niên, trong bối cảnh 60-70% mạng lưới điện của nước này đang ở tình trạng xuống cấp. Chi phí để hiện đại hóa chúng đòi hỏi cần có 20-30 tỷ USD, một con số khổng lồ mà quốc gia còn thiếu ăn thiếu mặc như Bình Nhưỡng không thể kham nổi.
Đổi lại, thông qua mối quan hệ này, Nga sẽ có thêm đòn bẩy mạnh mẽ để tạo ảnh hưởng về mặt chính trị đối Bình Nhưỡng và giúp Kremlin củng cố được lợi ích địa chính trị trong khu vực.
Thứ hai, Nga có thể yêu cầu Bình Nhưỡng dùng đất hiếm để đổi lấy khí đốt. Đất hiếm có giá trị rất cao và tầm quan trọng đặc biệt trong ngành công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thiết bị điện tử hiện đại và cả vũ khí quân sự.
Machenzhek cho rằng ngoài lĩnh vực khí đốt, Triều Tiên rất muốn thúc đẩy hợp tác với Nga trong lĩnh vực nhiên liệu và vũ khí.
Theo tiết lộ trước đó của truyền thông Hàn Quốc, Bình Nhưỡng rất quan tâm tới việc mua máy bay quân sự Su-35 của Nga và từng đưa ra đề nghị này, nhưng đã bị phía Moscow khước từ.
Triều Tiên cũng đang rất thiếu nhiên liệu và phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp từ Trung Quốc. Trong năm ngoái, có thông tin cho rằng quân đội Triều Tiên phải giảm hoạt động một phần do Bắc Kinh ngừng cung cấp xăng dầu.
Các nhà phân tích cho rằng việc Nga cung cấp vũ khí hiện đại cho Triều Tiên sẽ là một "công cụ tuyệt vời" để gây áp lực lên chính quyền Mỹ cũng như Hàn Quốc và Nhật Bản.