Ngành giáo dục Ninh Bình lên kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2023

10/03/2023 10:20
Phúc Khang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Sở GD Ninh Bình đưa ra nhiều giải pháp để đáp ứng kịp thời và khắc phục có hiệu quả các tình huống thiên tai, bão lũ gây ra, đảm bảo kế hoạch dạy học.

Ngày 8/3/2023, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình Phan Thành Công đã ký văn bản số 15/KH-SGDĐT về kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2023 trên địa bàn tỉnh này.

Theo đó, mục đích của kế hoạch này được xác định nhằm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống thiên tai; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở địa phương, chủ động tổ chức lực lượng; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện, thực tốt phương châm “Bốn tại chỗ” để đáp ứng kịp thời và khắc phục có hiệu quả các tình huống thiên tai, bão lũ gây ra, đảm bảo hoạt động của các cơ sở giáo dục theo đúng chương trình, kế hoạch năm học.

Bên cạnh đó nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, tài sản, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống, xử trí để công chức, người lao động cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư có kỹ năng phòng, tránh ứng phó thiên tai. Nắm bắt, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai tại các cơ sở giáo dục.

Một trường học ở Ninh Bình ngập trong nước do ảnh hưởng của mưa bão năm 2020. Ảnh minh họa: Báo Ninh Bình

Một trường học ở Ninh Bình ngập trong nước do ảnh hưởng của mưa bão năm 2020.

Ảnh minh họa: Báo Ninh Bình

Đối với công tác thông tin, tuyên truyền, văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình chú trọng việc, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên và cha mẹ học sinh, xác định phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong mùa mưa bão với phương châm lấy chủ động phòng tránh là chính, không để bị động, bất ngờ.

Thông tin thường xuyên, kịp thời tới cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên, cha mẹ học sinh về kế hoạch của đơn vị và sự chỉ đạo của cấp trên trong công tác phòng, chống thiên tai.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn giao thông đường thủy, cách cứu nạn dưới nước; nhắc nhở học sinh, học viên đề phòng tai nạn đuối nước trong dịp hè và trong mùa mưa lũ, đặc biệt lưu ý đối với các trường học có học sinh, học viên đi học qua đò, những nơi thường xuyên xảy ra ngập úng.

Công tác tổ chức cũng được văn bản này đề cập cụ thể, trong đó, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai của đơn vị, thủ trưởng đơn vị là Trưởng Ban chỉ đạo, ủy viên là các đồng chí Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư đoàn thanh niên và đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán và tổ xung kích của nhà trường.

Xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, tổ chức thực hiện, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng thành viên trong Ban Chỉ đạo.

Với một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất của đơn vị, xây dựng kế hoạch và các phương án phòng, chống thiên tai cụ thể, chi tiết.

Thứ hai, kiểm tra, có giải pháp gia cố các công trình, đặc biệt là phòng cấp 4 đã xuống cấp, báo cáo cấp uỷ, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý cấp trên có kế hoạch sửa chữa kịp thời trong hè hoặc xây mới; kiểm tra, gia cố, sửa chữa công trình có sử dụng mái ngói, tấm lợp bằng tôn, prôximăng, trần nhựa, cửa kính để đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, lốc; không sử dụng phòng học, phòng làm việc không đảm bảo an toàn. Đối với đơn vị có nhà cao tầng, cần bố trí phòng học bộ môn, thư viện, kho thiết bị trên tầng cao tránh ngập nước; đơn vị không có nhà cao tầng cần chuẩn bị sàn chống ngập.

Thứ ba, chằng buộc nhà cửa, che chắn, bảo vệ tài sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị; bộ, đặc biệt đối với các nơi thường xuyên bị lũ, lụt. Cây xanh trong khuôn viên cơ quan, đơn vị cần chặt, tỉa bớt các cành cây cản gió, chặt đốn cây già cỗi có nguy cơ đổ gây nguy hiểm cho người và công trình, cơ sở vật chất khác.

Thứ tư, liên hệ chặt chẽ với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai của địa phương nắm chắc tình hình, có biện pháp phối hợp phòng, chống kịp thời, hiệu quả.

Ngoài ra, văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình cũng lưu ý, khi có thông tin thiên tai xảy ra, phải thường xuyên theo dõi bản tin thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng, khẩn trương triển khai các phương án phòng, chống.

Đồng thời, tổ chức đội xung kích từ 10 - 20 người ứng cứu kịp thời khi cần thiết. Chủ động chuẩn bị các điều kiện, phương tiện như thuyền bè, cuốc, xẻng, cây bắc sàn, cây chống …, dự trữ lương thực cho người trực. Phân công người trực ở cơ quan, trường học 24/24 giờ, kịp thời khắc phục, giải quyết hậu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Để đảm bảo công tác tổ chức thực hiện, đối với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này cũng được nêu rõ yêu cầu về kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, kiện toàn lực lượng xung kích cơ quan Sở, hướng dẫn triển khai phòng, chống thiên tai trong cơ quan Sở.

Ngoài ra, các phòng thuộc Sở chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, cử cán bộ, chuyên viên tham gia vào tổ xung kích của cơ quan Sở; căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ sở giáo dục triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2023 hiệu quả. Khi có sự cố bất thường xảy ra phải chủ động báo cáo lãnh đạo Sở và phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai ứng cứu, giải quyết kịp thời giảm thiệt hại ở mức thấp nhất.

Giao Văn phòng chủ trì triển khai, hướng dẫn việc phòng, chống thiên tai năm 2023 toàn ngành. Thu, nộp Quỹ phòng, chống thiên tai theo đúng quy định.

Đối với phòng Giáo dục đào tạo, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố; trung tâm Giáo dục thường xuyên - Tin học và Ngoại ngữ tỉnh này và các trường Trung học phổ thông có nhiệm vụ:

Chỉ đạo triển khai thực hiện theo mục II của kế hoạch này đến các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý và trong cơ quan, đơn vị.

Giám đốc Sở ủy quyền cho thủ trưởng các cơ sở giáo dục chủ động cho học sinh nghỉ học trong trường hợp bị bão, lũ, lụt hoặc thiên tai khác, giao thông đi lại khó khăn không đảm bảo an toàn cho học sinh, đồng thời báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo, cấp ủy, chính quyền địa phương biết. Chủ động tổ chức dạy bù chương trình đảm bảo kịp thời, đúng chương trình, kế hoạch năm học.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở có trách nhiệm báo cáo với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kế hoạch phòng, chống thiên tai của đơn vị, đồng thời thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương về công tác phòng, chống thiên tai.

Phúc Khang