Nghề đi biển và những cái Tết gói gọn trong đêm Giao thừa trên tàu

13/02/2024 06:42
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Với thuyền viên, Tết chỉ là đêm Giao thừa, bởi sau đó lại phải trở lại công việc thường ngày như bảo quản, bảo dưỡng máy móc cho những hành trình tiếp theo.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, anh Lại Hải Hà (39 tuổi, trú tại phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) – Máy trưởng Công ty Quản lý tàu Fleet Management ltd, mới được ăn Tết với gia đình sau nhiều năm đi biển.

Rời giảng đường Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đến nay, anh Hà đã có 15 năm gắn bó với nghề đi biển, trong đó có 7 năm làm việc cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Trong suốt thời gian làm việc, anh Hà đã có hơn 8 năm đón Tết trên tàu. Chừng ấy thời gian đã làm anh quen với việc ăn Tết xa nhà, song sự chạnh lòng trong những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới cũng không khỏi khiến anh Hà bồi hồi.

Sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, mang cách sống và tư tưởng truyền thống của người Bắc nên với anh Hà, Tết vẫn là thời điểm anh muốn quây quần bên gia đình, đoàn viên với người thân. Thế nhưng, công việc cuốn anh vào guồng quay của cuộc sống mà ở đó, anh phải đón những năm mới không có người thân bên cạnh.

GDVN_Tet-tren-tau-3.jpg
Anh Lại Hải Hà và những thuyền viên gói bánh chưng trên Tàu (Ảnh: NVCC)

Máy trưởng Lại Hải Hà cho biết, những dịp phải ăn Tết trên tàu, gia đình rồi vợ con gửi những hình ảnh mua sắm, trang trí nhà cửa làm anh dấy lên những cảm xúc bâng khuâng, xen chút nhớ nhà. Thế nhưng, người máy trưởng hạnh phúc vì luôn được gia đình động viên.

Năm nay được ở nhà ăn Tết với vợ con và gia đình, anh Hà cảm thấy rất phấn khởi bởi sau hơn 8 năm lấy vợ, anh mới chỉ có đôi lần ăn Tết cùng vợ con.

Ngồi nhâm nhi chén trà đầu năm mới, anh Hà đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rất nhiều kỷ niệm khi lênh đênh trên biển, nhiều kỷ niệm khi đón Tết dưới tàu đã khiến anh không thể nào quên.

Anh Hà cho biết, kỷ niệm ăn Tết trên tàu thì nhiều nhưng nhớ nhất có lẽ là cái Tết cách đây 13 năm khi chuẩn bị Tết đến thì Công ty thông báo tàu có chuyến hàng từ Quảng Ninh đi.

Tàu cập cảng Quảng Ninh vào đúng ngày 23 tháng Chạp (ngày cúng ông Công ông Táo). Mặc dù rất bận rộn nhưng anh em cũng cắt cử nhau lên bờ sắm sửa đồ, chuẩn bị mâm lễ tiễn ông Công ông Táo chầu trời và cũng là chuẩn bị đồ cần thiết để chuẩn bị đón ngày Tết Nguyên đán như: lá dong, thịt lợn, đỗ xanh để gói bánh chưng, bánh kẹo, hoa đào…

Tàu rời Quảng Ninh vào ngày 29 Tết nên ai cũng buồn vì không được đón năm mới ở Việt Nam. Những ai nhà gần thì tranh thủ xin thuyền trưởng, máy trưởng về thăm nhà. Những nhà ai nhà ở xa chỉ đành gọi điện báo tin và hỏi thăm gia đình.

“Ngày tàu rời Việt Nam vào ngày cuối năm ai cũng buồn nhưng anh em tự động viên, an ủi nhau: “Chúng ta đâu chỉ sống có 10 ngày Tết mà mà còn có hơn 300 ngày phải sống và lo toan nhiều thứ khác nữa trên tàu.

Khi tàu chạy ra khỏi luồng cũng là lúc anh em thuyền viên trên tàu tất bật chuẩn bị để đón Tết. Ngoài công việc thường ngày, lúc này còn có công việc trực nồi bánh chưng và trang trí khu vực sinh hoạt chung để đón năm mới.

Dù thiếu thốn nhưng cả tàu cũng kịp gói 30 chiếc bánh chưng để đón Tết, bởi lẽ thiếu gì thì thiếu chứ bánh chưng mà thiếu là không phải Tết.

Do tàu được về Việt Nam nên thuyền trưởng cũng kịp chỉ định anh em sắm sửa được một cây mai và một cây đào. Một ít pháo được mua từ những chuyến trước nhằm chuẩn bị cho ngày Tết cũng được mang ra.

Cờ Tổ quốc cũng được kéo lên để sẵn sàng đón Giao thừa. Có lẽ đấy là cái Tết đầy đủ, sung túc nhất trong những năm ăn Tết trên tàu vì không phải lúc nào tàu cũng có cơ hội về Việt Nam vào những dịp giáp Tết”, anh Hà bồi hồi nhớ lại.

GDVN_Tet-tren-tau-2.jpg
Ban thờ cúng đêm Giao thừa của những thuyền viên trên tàu (Ảnh: NVCC)

Anh Hà cho biết thêm, dịp Tết năm ấy, anh em thuyền viên đốt pháo và bấm một tràng còi tàu thật dài để đón năm mới tạm biệt năm cũ. Tất cả anh em trên tàu ôm nhau và trao nhau những lời chúc bình an và mong ước lớn nhất của người thủy thủ ngày ấy là mong cho con tàu được vận hành an toàn.

“Ngày ấy vào đêm 30 Tết, trên tàu còn có cả những tiết mục ca nhạc cây nhà lá vườn và đặc biệt từ chàng thủy thủ Bảo Nam mà sau này là ca sĩ Bảo Nam của Thần tượng Bolero với ca khúc “Xuân này con không về” khiến ai cũng xúc động.

Đối với công việc trên bờ, Tết là cả một kì nghỉ lễ kéo dài đến hàng tuần nhưng với thuyền viên, Tết chỉ là đêm Giao thừa, mọi thuyền viên vẫn phải tiếp tục với công việc thường ngày như bảo quản, bảo dưỡng máy móc để đảm bảo hành trình an toàn đến cảng tiếp theo”, anh Hà nhớ lại.

GDVN_Tet-tren-tau-1.jpg
Đối với các thuyền viên trên tàu, Tết chỉ vỏn vẹn là đêm Giao thừa (Ảnh: NVCC)

Máy trưởng Lại Hải Hà cho rằng, phần lớn những cái Tết trên tàu là sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình cảm, chưa kể trên tàu, Tết chỉ mang ý nghĩa tinh thần vì những ngày ấy thuyền viên trên tàu vẫn phải làm việc đảm bảo an toàn cho con tàu trong những chuyến hàng hải khó khăn.

Trong những năm gần đây, khi thuyền viên Việt Nam tham gia nhiều hơn vào thị trường thuyền viên quốc tế, những con tàu của chủ tàu nước ngoài chỉ có một vài thậm chí chỉ một thuyền viên Việt Nam thì gần như không có nhiều cơ hội để có được một cái Tết như những con tàu toàn bộ là thuyền viên Việt Nam.

Bù lại, hệ thống internet phát triển, thuyền viên có thể kết nối internet để liên lạc với gia đình trong dịp năm mới giúp anh em vơi bớt nỗi buồn trong những ngày Tết.

Đối với anh Hà, những chuyến tàu khởi hành xuyên Tết, sĩ quan máy càng phải tăng cường kiểm tra, định kỳ bảo dưỡng, theo dõi hoạt động của máy nhằm đảm bảo không xảy ra sự cố.

Nếu cảm thấy không yên tâm về hoạt động của máy, khi tàu cập cảng, anh đề nghị kiểm tra, bảo dưỡng để đảm bảo an toàn trong quá trình hải hành.

Cái Tết thật sự của những máy trưởng như anh Hà là được thường xuyên thấy chi tiết hoạt động trơn tru, tiếng máy êm dịu, có tròn máy, tròn tua.

15 năm theo những chuyến tàu, có những chuyến đi xa kéo dài cả năm trời nên vào thời khắc chuyển giao năm cũ, năm mới, tình cảm chỉ được truyền tải phần nào qua điện thoại đến với người thân.

Nhưng, với anh Hà, đó cũng chính là kỷ niệm đẹp của cuộc đời thủy thủ nhiều sóng gió khiến anh trở về nhà với tâm thế tự tin và tự hào về những gì mình đã làm được.

LÃ TIẾN