Anh Lê Văn Diệp, một người trong nhóm đốn hạ ba cây sưa ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), kể với PV, sau khi ra trình diện cơ quan chức năng.
Mất một tuần đốn hạ
“Chú phải lên ngồi xe tui để tui chở, nếu không họ mà thấy người lạ là lại chạy trốn vào rừng tìm không ra đâu”, ông Nguyễn Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trạch (Quảng Bình), tỏ ra thận trọng khi dẫn chúng tôi đến gặp những người đốn 3 cây sưa ở hung (thung lũng) Trí.
Trên đường đi, ông Hiền cho biết, những người trúng sưa đa số thuộc diện hộ nghèo, ít học, suốt ngày kiếm ăn trong rừng nên kém hiểu biết pháp luật.
Khi nhận được giấy triệu tập của công an, họ nói với nhau là gặp công an kiểu gì cũng bị đánh đến chết nên cứ trốn biệt trong rừng. Nếu không có sự vận động của chính quyền địa phương thì đến giờ chắc họ vẫn không dám ra trình diện.
“Chúng tôi, ngoài tình làng nghĩa xóm, còn phải lấy uy tín của mình ra cam kết là sẽ không có ai đánh đập và sau nhiều lần tiếp xúc, thuyết phục họ mới đồng ý. Thậm chí, có người còn yêu cầu chúng tôi phải có mặt chứng kiến khi tiếp xúc với công an”, ông Hiền nói.
Anh Tiềm cùng vợ kể về chuyện 3 cây sưa
Thôn Bầu Sen, nơi nhóm người đốn hạ 3 cây sưa ở hung Trí cư trú, đang vào mùa thu hoạch lạc. Nhà của anh Thái Xuân Tiềm nằm sâu trong một con hẻm ngoằn ngoèo. Ở thềm nhà có khá đông phụ nữ trong xóm, họ nói đến giúp vợ chồng anh Tiềm thu hoạch lạc.
Thấy ông bí thư dẫn người lạ vào nhà, anh Tiềm cứ lấm la lấm lét, hết chạy lại giường định vơ chiếc chiếu trải ở nhà, lại quay ra sân bê chiếc ghế nhựa mời khách ngồi.
Ông Hiền cho biết, vợ chồng anh Tiềm thuộc diện hộ đặc biệt khó khăn trong xã. Anh sinh năm 1973, là người ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa về đây lấy vợ, đều là rổ rá cạp lại và ở rể trong làng.
Năm 2010, nhờ xã hỗ trợ hơn 20 triệu đồng và sự đóng góp của cộng đồng nên vợ chồng anh Tiềm làm được móng nhà và xây hai phòng để ở. Cả nhà 5 miệng ăn nhưng chỉ có 2 sào ruộng trồng lạc. Anh Tiềm không được nhanh nhẹn như người khác nên cuộc sống của họ rất khó khăn.
Mặc dù đang ngồi ngay nhà mình và đã được nhắc đi, nhắc lại là bình tĩnh, không có gì phải sợ, nhưng anh Tiềm vẫn cứ lí nhí nói không thành lời khi được hỏi về chuyện chặt hạ 3 cây sưa ở hung Trí vừa rồi.
Anh Tiềm cho biết, đầu năm nay, do quá khó khăn nên anh để vợ là chị Phạm Thị Thương (sinh năm 1976) theo người ta sang Trung Quốc làm việc trong ngành chế biến thủy sản. Để sang được Trung Quốc, ngoài tiền tàu xe, còn phải bỏ ra 2 triệu đồng cho tiền môi giới. Phía môi giới nói lương tháng 5 triệu đồng, nhưng chị Thương làm việc hơn 2 tháng vẫn không được chủ trả lương.
Quá túng quẫn, anh Tiềm gửi con cho hàng xóm, xin anh em trong làng đi theo tìm vai vỏ của cây sưa còn sót lại trong rừng. Chuyến đi có 10 người, khi vào rừng được chia thành 2 nhóm và hứa với nhau sẽ gom lại và chia đều chiến lợi phẩm.
Đi đến ngày thứ 3, nhóm của anh Tiềm được thông báo là tập trung về hung Trí vì nhóm kia may mắn tìm thấy 3 cây sưa nằm gần nhau. Lúc đó là vào khoảng giữa tháng 3. Mọi người ngỡ ngàng phát khóc vì không ngờ còn tìm thấy những cây sưa sừng sững giữa rừng.
Cả nhóm ngồi lại bàn bạc và quyết định quay về tìm người có nghề cưa vào để đốn hạ. Và họ đã vời được anh Nguyễn Văn Thống (sinh năm 1985) nổi tiếng với nghề cưa ở xã Xuân Trạch.
Anh Thống mang theo đồ nghề cùng cả nhóm lặng lẽ vào hung Trí. Cả nhóm 11 người đánh vật gần một tuần liền mới cưa xẻ xong 3 cây sưa, trong đó có một cây đã chết, cây to nhất đường kính thân chừng 1,4m.
Giang hồ cướp hết?
Hỏi chuyện mua bán, làm luật... anh Tiềm nói, do không quen nghề, nhóm cử anh phục vụ cơm nước nên không biết gì. Anh chỉ biết, cưa xong, gỗ được phân ra 3 loại: mặt (phiến), đe (gốc), rễ và cành nhánh. Loại đẹp như mặt và đe được mang giấu trong những hang đá gần đó, số còn lại được bỏ xuống một cái hố cạn ngay cạnh gốc của cây sưa to nhất.
Trước khi đoàn kiểm lâm vào kiểm tra thực địa, không hiểu sao, dân trong vùng biết chuyện và kéo vào hung Trí rất đông. Lúc đó họ chỉ vào xin, rồi mót lại cành, rễ còn sót lại, chưa có biểu hiện trấn cướp. Khi nghe tin đoàn kiểm lâm vào, cả nhóm vì sợ bị bắt nên bỏ trốn lên các vách đá.
Theo anh Tiềm, khi đoàn kiểm lâm đo đạc xong hiện trường và rút quân, ngay lập tức, hàng ngàn người từ các vách núi gần đó ào xuống lấy đi toàn bộ số rễ và cành ngọn trong cái hố cạn. Từ đó, tình hình ở hung Trí bắt đầu mất kiểm soát, các băng nhóm giang hồ nổi lên như nấm, ép mua, ép bán, trấn cướp tràn lan.
Thấy không thể chống cự các băng nhóm giang hồ, cả nhóm họp lại và quyết định chia hàng, mạnh ai người ấy lo. Như mọi người trong nhóm, anh Tiềm cũng được chia 11 tấm hàng mặt nhưng đã bị cướp hết mà không thể đưa được tấm nào về bán.
Chị Thương ở Trung Quốc nghe tin chồng trúng sưa bỏ việc về nước. Gặp lại chồng mà không thể nhận ra, vì râu ria, tóc tai mọc tua tủa như người rừng. “Cứ tưởng trúng sưa là đổi đời, ai ngờ khi tui về hỏi, anh ấy không có một đồng nào.
Tui phải mượn tiền hàng xóm để mua áo quần, mua thức ăn bồi dưỡng cho anh ấy. Đã không có chi rồi, sắp tới anh ấy phải đi tù nữa, số tui răng mà khổ ri không biết”, chị Thương than.
Anh Diễn mong được khoan hồng
Cùng vẻ mặt sợ sệt, rầu rầu, anh Lê Văn Diễn (1985) cũng kêu là không có gì vì toàn bộ số gỗ được chia đã bị giang hồ cướp hết. Anh Diễn lấy vợ cánh đây 5 năm, có 2 con và cũng thuộc diện hộ nghèo, được xã hỗ trợ tiền làm nhà.
Theo nguồn tin riêng của PV, số gỗ H.mía đưa về Đồng Hới vẫn chưa bán được, vì gặp phải cây sưa vàng (sưa đỏ đắt hơn) nên thương lái Trung Quốc ra giá thấp.
Hiện hàng trăm đầu nậu nhỏ ở các xã Sơn Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch như ngồi trên đống lửa vì lỡ vay nóng để góp vốn với H.mía để mua lô hàng nói trên.
Khác với anh Tiềm, anh Diễn thừa nhận là trước khi chia gỗ, nhóm có bán cho Hiệu sẹo (công an viên ở Xuân Trạch, đang bị bắt giam) được 1,8 tỉ đồng. Số tiền chia ra được hơn 100 triệu đồng, anh Diễn dùng vào việc thuê người gùi gỗ sưa ra. Tuy nhiên, cả 11 tấm gỗ sưa đều bị trấn cướp hết nên giờ trắng tay.
Anh Diễn kể, trên đường gùi sưa từ hung Trí ra, cứ đi được vài trăm mét là gặp một băng cướp từ trong bụi xông ra, chĩa súng, kề dao vào cổ yêu cầu bỏ sưa lại.
Lúc đó, những người gùi thuê mạnh ai nấy chạy, thoát được tấm nào là may tấm đó. Nhóm của anh Diễn ra đến đỉnh Nước Vàng là không còn gùi gỗ nào. Anh nói, giờ nếu ai cho sưa ở trong rừng cũng không dám vào lấy vì quá sợ giang hồ.
Anh chứng kiến nhiều người trong nhóm vì quá tiếc của mà liều mình, bị giang hồ đánh cho nhừ tử, nhưng cũng không giữ được hàng. Cũng chỉ vì miếng cơm manh áo cả, nên mong được pháp luật khoan hồng, anh Diễn nói.
Trên đường về, ông Hiền đồng quan điểm rằng, đã có ai đó bày cho những người này khi nói về chuyện 3 cây sưa. Việc H.mía là đầu nậu đầu tiên vào hung Trí mua gỗ sưa và đưa trót lọt về TP Đồng Hới dân trong vùng ai cũng biết, nhưng những người này lại chối bay chối biến, nói không biết, hoặc không có.
Theo nguồn tin riêng của PV, số gỗ H.mía đưa về Đồng Hới vẫn chưa bán được, vì gặp phải cây sưa vàng (sưa đỏ đắt hơn) nên thương lái Trung Quốc ra giá thấp. Hiện hàng trăm đầu nậu nhỏ ở các xã Sơn Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch như ngồi trên đống lửa vì lỡ vay nóng để góp vốn với H.mía để mua lô hàng nói trên.
Việc những người này thừa nhận có bán cho Hiệu sẹo là do nhân vật này đã bị công an bắt nên họ thấy an toàn mới nói ra. Thực tế, đúng là có nhiều người trong nhóm sau khi chia hàng đã bị trấn cướp gần hết, nhưng họ đã được chia một số tiền khá lớn từ các phi vụ mua bán gỗ sưa trước đó.