Nghi án bệnh viện truyền nhầm máu khiến sản phụ nguy kịch

01/11/2013 10:52
Văn Công
(GDVN) - Khi đang truyền 6 bịch máu trong quá trình mổ tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây - Hà Nội vào ngày 22/10, sản phụ Nguyễn Thị Loan, 22 tuổi, trú tại xã Phú Thịnh - Sơn Tây đã xảy ra tình trạng đông máu, phải đi cấp cứu ở bệnh viện trung ương trong tình trạng nguy kịch. Tại đây, các bác sĩ đã chẩn đoán chị Loan có thể đã bị truyền nhầm nhóm máu nên đã dẫn đến tình trạng máu đông.
Chưa kiểm tra khi truyền máu cho bệnh nhân?

Đêm này 22/10, sản phụ Nguyễn Thị Loan được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt tử cung vì bị bệnh rau tiền đạo. Trong quá trình phẫu thuật, chị Loan bị mất nhiều máu nên cần phải truyền bổ sung.



Các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây đã truyền cho chị Loan tổng cộng 17 bịch (250ml/ bịch), trong đó có 7 bịch là do người nhà cho máu, 4 bịch của bệnh viện Sơn Tây và 6 bịch lấy từ bệnh viện Đa khoa Ba Vì, Bệnh viện 105.

Khi đang tiến hành truyền máu cho chị Loan thì các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây đã phải chuyển chị Loan lên Bệnh viện Phụ Sản Trung ương trong tình trạng khả nghi là truyền nhầm nhóm máu. Các bác sĩ ở bệnh viện Phụ sản Trung ương đã chẩn đoán bệnh nhân Nguyễn Thị Loan, 22 tuổi bị đông máu, nghi là do truyền nhầm nhóm máu nên đã chuyển ngay sang khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai để tiến hành cấp cứu.

Sự việc đã khiến cho người nhà bệnh nhân hết sức bức xúc, kéo đến bao vây bệnh viện đa khoa Sơn Tây yêu cầu ban lãnh đạo bệnh viện phải giải thích rõ và hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành động sai trái này của mình.

Ngày 29/10, một bác sĩ ở khoa Xét nghiêm - Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cho biết: "Sản phụ Nguyễn Thị Loan được truyền tổng cộng 17 bịch máu, trong đó có 6 bịch máu lấy từ bệnh viện khác đến nhưng chưa được kiểm duyệt xem có phản ứng với máu của bệnh nhân hay không mà lãnh đạo bệnh viện đã ký duyệt truyền cho sản phụ Loan.

Khi đang truyền thì xảy ra sự việc buộc phải chuyển sản phụ Loan đi cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch. Lúc đó, Sở Y tế Hà Nội cũng cử đại diện xuống bệnh viện, không biết thế nào".

Theo vị bác sĩ này cho biết, nếu đúng quy trình thì với bất kỳ trường hợp nhập máu từ ngoài vào (kể cả đó là bệnh viện ngoài) cũng phải nhập qua Khoa Xét nghiệm để thử từng bịch xem có phản ứng kết tỏa với máu của bệnh nhân hay không. Nhưng 6 bịch máu nhập từ bệnh viện Ba Vì và bệnh viện 105 truyền cho chị Loan thì không thực hiện quy trình này mà đem ra vào truyền luôn. Sau đó thì xảy ra chuyện.

"Chính ông Nguyễn Đình Đính - Phó Giám đốc của Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây là người ký duyệt cho vào truyền luôn mà bỏ qua xét nghiệm. Nhưng khi trả lời báo chí, ông Đính lại cho rằng sự việc này là lỗi trực tiếp tại Khoa Xét nghiệm và những người xét nghiệm trong khi những người trong khoa không được tiếp nhận kiểm tra 6 bịch máu này", vị bác sĩ này nói thêm.

Nguồn tin riêng của phóng viên tại bệnh viện Bạch Mai xác nhận: "Ngày 22/10, bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Loan, 22 tuổi chuyển từ bệnh viên Phụ sản Trung ương sang trong tình trạng nguy kịch.

Trong giấy chuyển viện có ghi là nghi ngờ do truyền nhầm nhóm máu từ tuyến dưới chuyển lên.  Qua thời gian cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đã tiến hành hội chẩn chuyên môn. Hiện sức khỏe của chị Loan có biến chuyển tích cực".

Trách nhiệm của người đứng đầu Sở Y tế Hà Nội?

Ông Nguyễn Đình Đính - PGĐ Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây
Ông Nguyễn Đình Đính - PGĐ Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây


Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Đính - PGĐ Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cho biết: ' Sự việc này trước tiên liên quan đến những người trực tiếp tham gia. Đặc biệt là người xác định nhóm máu và người thực hiện truyền máu".

Theo quy định, việc kiểm tra nhóm máu để phát cho bệnh nhân trải qua 2 phương pháp là huyết thành mẫu và hồng cầu mẫu. Nhưng hóa chất dùng để xét nghiệm hồng cầu mẫu ở bệnh viện đa khoa Sơn Tây đã hết từ ngày 21/9 nên chính vì thế trong hơn 1 tháng trở lại đây thì Khoa Xét nghiệm chỉ sử dụng 1 phương pháp huyết thành mẫu để xét nghiệm cho bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân Nguyễn Thị Loan.

Lý giải về sự việc chỉ sử dụng 1 phương pháp để xét nghiệm, các bác sĩ ở bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cho biết vì quá trình lấy hóa chất ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương gặp khó khăn.

Trong quy trình xác định nhóm máu của ngành Y tế, thì việc định danh nhóm máu ở đầu giường mỗi bệnh nhân ở bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cũng chưa được thực hiện.

Tất cả những quy trình trong việc xét nghiệm, truyền máu ở bệnh viện Đa khoa Sơn Tây chỉ được nhân viên tự ý tìm hiểu, lấy lại từ mạnh internet rồi gián lên tường chứ chưa có văn bản cụ thể nào từ phía ban lãnh đạo bệnh viện.

Thế nhưng, ông Nguyễn Đình Đính lại thanh minh rằng: "Việc triển khai trên lý thuyết là có còn việc thực hiện như thế nào là chuyện của nhân viên. Trong các cuộc giao ban chúng tôi vẫn đôn đốc nhân viên là phải thực hiện làm đúng quy trình".

Câu trả lời này khiến cho nhiều nhân viên trong bệnh viện không khỏi băn khoăn khi ban giám đốc bệnh viện không ban hành quy trình cụ thể vậy thì căn cứ vào đâu để bắt nhân viên làm đúng, đến khi xảy ra chuyện thì lại đổi tội cho nhân viên của bệnh viện.

Theo các cán bộ ở bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, sự việc này diễn ra cả chục năm nay, hàng năm các đoàn thanh tra của Sở Y tế Hà Nội vẫn xuống kiểm tra bệnh viện, tại sao không phát hiện ra những sai phạm "sơ đẳng" này mà vẫn buông lỏng cho bệnh viện hoạt động?.

Hàng loạt sai phạm chấn động vừa xảy ra tại bệnh viện Hoài Đức mà cụ thể là vụ "nhân bản phiếu xét nghiệm", đến vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường hoạt động không có giấy phép làm chết bệnh nhân, ném xác phi tang. Đến vụ việc tại bệnh viện Đa khoa Sơn Tây... Dư luận cần câu hỏi, cá nhân nào chịu trách nhiệm tại Sở Y tế Hà Nội?

Về vấn đề trách nhiệm, các đại biểu quốc hội đã thẳng thắn cho rằng cần phải quy định về quy trách nhiệm người đứng đầu mà cụ thể ở trong các vụ việc này là ngành Y tế Hà Nội, đứng đầu là Giám đốc Sở Y tế HN - ông Nguyễn Khắc Hiền phải chịu trách nhiệm về quản lý, lãnh đạo khi để xảy ra các vụ việc này như thế nào?

Thiết nghĩ, với cách quản lí lỏng lẻo, tắc trách của Sở Y tế Hà Nội đối với những bệnh viện trực thuộc Sở, các cơ sở chăm sóc sức khỏe, làm đẹp trên địa bàn, không biết sẽ còn bao nhiêu người nữa sẽ phải chết oan?

Như trong vụ bác sỹ Tường làm chết khách hàng rồi phi tang xác chết đã bị bắt. Làm chết người thì phải chịu tội trước pháp luật, điều đó là hiển nhiên. Nhưng còn trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội trong vụ việc không thể nào không nhắc đến...

Cho đến thời điểm hiện tại, người đứng đầu Sở Y tế Hà Nội là ông Nguyễn Khắc Hiền vẫn chưa có những động thái cụ thể nào để giải quyết triệt để trong các vụ việc vừa qua?
Văn Công