Dạy học qua truyền hình tạo ra nhiều cơ hội học tập hơn cho học sinh miền núi

21/09/2021 06:46
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy Ngô Tiến Thự chia sẻ: "Học sinh miền núi như trường chúng tôi chỉ dựa vào học trực tuyến thì hiệu quả mang lại được khoảng 10-15% so với học trực tiếp".

Cơ hội tiếp cận kiến thức của học sinh rộng hơn

Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính (tại phiên họp thường kỳ của Chính Phủ ngày 6/9) về yêu cầu tổ chức triển khai năm học mới thích ứng với tình hình dịch bệnh, đảm bảo an toàn, công tác dạy học qua truyền hình đã được triển khai tới các tỉnh 3 tuần qua.

Trước đó, ngày 2/9, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng đã ký kiến nghị gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về giải pháp ưu tiên cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở được chuyển sang học đại trà qua các kênh truyền hình cả nước trong mùa dịch COVID.

“Nếu học sinh miền núi như trường chúng tôi chỉ dựa vào học trực tuyến thì hiệu quả mang lại được khoảng 10-15% so với học trực tiếp”, thầy Thự cho biết. (Ảnh Cao Kim Anh)

“Nếu học sinh miền núi như trường chúng tôi chỉ dựa vào học trực tuyến thì hiệu quả mang lại được khoảng 10-15% so với học trực tiếp”, thầy Thự cho biết. (Ảnh Cao Kim Anh)

Trên thực tế cho thấy, phương án dạy học qua truyền hình nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng rất lớn bởi phạm vi học sinh có điều kiện tiếp cận được nhiều hơn đặc biệt là học sinh, giáo viên tại các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Ngô Tiến Thự, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Tô Múa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết:

“Việc xây dựng và triển khai phương án dạy học qua truyền hình tạo ra nhiều cơ hội học tập hơn đối với học sinh miền núi.

Đơn cử như học sinh tại trường chúng tôi, hầu hết các em không có đủ điều kiện để tham gia vào lớp học trực tuyến thông qua các phần mềm, ứng dụng bởi có những học sinh có thiết bị công nghệ thì không có đường truyền, không có mạng để kết nối.

Có những trường hợp có thiết bị nhưng không có phụ huynh kèm cặp thì các em không biết sử dụng thiết bị đó phục vụ học tập. Và phần lớn là các em không có cả thiết bị lẫn đường truyền, thậm chí có nơi còn không có điện thì việc học trực tuyến hoàn toàn không có hiệu quả”.

Sơn La hiện nay là tỉnh đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và học sinh được trở lại trường ngay từ ngày đầu của năm học mới. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch học tập với nhiều phương án để đối phó với mọi tình thế trước diễn biến dịch bệnh khôn lường.

Năm học trước, Tỉnh Sơn La có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng nên học sinh không thể đến trường học trực tiếp. Việc học trực tuyến không đảm bảo được duy trì kiến thức cho học sinh trong thời gian giãn cách nên nhiều cơ sở giáo dục buộc phải triển khai phương án giáo viên trực tiếp đưa bài tập vào bản.

“Nếu học sinh miền núi như trường chúng tôi chỉ dựa vào học trực tuyến thì hiệu quả mang lại được khoảng 10-15% so với học trực tiếp. Đó là một kết quả rất thấp.

Chính vì thế, để đảm bảo kiến thức học tập cho học sinh trong thời gian giãn cách thì chúng tôi xây dựng phương án giáo viên mang bài vào bản cho học sinh.

Bài tập hàng ngày, từng môn được giáo viên in ra và trực tiếp mang vào tận bản cho phụ huynh, học sinh. Giáo viên có nhiệm vụ tổng hợp, bản này có bao nhiêu em, lớp này có bao nhiêu em, rồi gửi bài tập trực tiếp mang đến nhà từng em một hoặc thông qua trưởng bản đối với những học sinh quá xa. Cứ 3 ngày giáo viên sẽ đi phát bài mới thì thu bài cũ về kiểm tra, chữa bài và trao đổi với phụ huynh kết quả học tập”, thầy Thự cho hay.

Được biết, hiện nay, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Tô Múa có 5 điểm trường, dạy học sinh thuộc 12 bản. Chính vì vậy, khi triển khai phương án giáo viên vào bản dù biết rất vất vả, kết quả cũng không thể bằng học trực tiếp nhưng có như vậy mới đảm bảo được phần nào chất lượng giảng dạy đối với học sinh vùng cao.

Theo thầy Ngô Tiến Thự chia sẻ, việc học qua truyền hình sẽ giúp kiến thức có thể phổ biến trên phạm vi rộng hơn cho các em. Trên thực tế, nhiều gia đình có thể có tivi nhưng không thể có các thiết bị khác như máy tính, điện thoại thông minh, … do đó việc tiếp thu kiến thức qua truyền hình sẽ có khả thi hơn học trực tuyến.

“Hầu hết học sinh vùng cao như trường chúng tôi ở nhà với ông bà, bố mẹ phần lớn đi làm ăn xa hoặc không có thời gian kèm cặp, hướng dẫn con học bằng các thiết bị điện tử. Vì vậy, nếu phát các bài giảng thông qua truyền hình thì các em hoặc ông bà có thể dễ dàng thực hiện việc tiếp nhận thông tin bài giảng hơn so với trực tuyến”, thầy Thự bày tỏ.

Học truyền hình tốt hơn học trực tuyến đối với vùng cao

Đó là chia sẻ thực tế của thầy Vũ Đức Thân, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lũng Hồ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.

Điều kiện khó khăn tại một điểm trường của Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Tô Múa, Vân Hồ, Sơn La. (Ảnh Cao Kim Anh)

Điều kiện khó khăn tại một điểm trường của Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Tô Múa, Vân Hồ, Sơn La. (Ảnh Cao Kim Anh)

Huyện Yên Minh là một huyện có điều kiện kinh tế xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn của tỉnh Hà Giang. Việc học trực tuyến cũng là một phương án được các cơ sở giáo dục xây dựng trong kế hoạch học tập.

Tuy nhiên phương án này không triển khai được trên diện rộng bởi không đủ các điều kiện cơ bản để đảm bảo chất lượng học tập như thiếu thiết bị, không có đường truyền, không có điện, không có sóng…

Chính vì vậy, phương án khả thi nhất khi tình huống giãn cách xã hội diễn ra thì nhà trường sẽ chỉ đạo các thầy cô giáo mang bài vào các bản làng cho học sinh.

“Mỗi năm các trường vùng sâu, vùng xa như Lũng Hồ các thầy cô vẫn phải đến bản làng để vận động học sinh đến trường vì điều kiện kinh tế xã hội cũng như nhận thức về giáo dục trên đây còn gặp nhiều hạn chế.

Đó cũng là một trong nhiều lí do khiến triển khai phương án học trực tuyến tại đây gặp nhiều khó khăn.

Nếu các em không thể đến trường do xảy ra dịch bệnh thì nhà trường vẫn phải triển khai phương án đưa bài vào bản cho học sinh là chủ yếu và phải như vậy thì mới đảm bảo được phần nào chất lượng”, thầy Thân chia sẻ.

Cũng theo thầy Vũ Đức Thân việc giao bài sẽ được thầy cô thực hiện 2 lần/tuần. Có những em học kém, thầy cô vào tận nhà để hướng dẫn bởi nhiều khi phụ huynh vùng cao cũng không hướng dẫn được học sinh học tập tại nhà.

Tuy nhiên, đối với phương án học qua truyền hình, thầy Thân cho rằng, đó sẽ là phương án tốt hơn so với dạy học trực tuyến qua các thiết bị công nghệ và ứng dụng, phần mềm đối với học sinh vùng cao.

Thầy Vũ Đức Thân cho rằng: “Tivi là phương tiện truyền tải phổ biến hơn so với máy tính, điện thoại hoặc các dụng cụ truyền tải thông minh khác nên phương án học qua truyền hình sẽ đưa nội dung bài giảng đến với nhiều học sinh hơn.

Tôi nghĩ rằng đối các địa phương miền núi, dạy qua truyền hình sẽ tốt hơn và có lợi hơn so với dạy trực tuyến. Còn đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn thì bắt buộc nhà trường phải có thêm phương án kết hợp với trưởng làng, trưởng bản đưa bài vào tận nơi, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh và học sinh.

Chúng ta phải kết hợp nhiều phương án phù hợp với từng đối tượng thì mới đảm bảo được kết quả học tập mặc dù không thể đáp ứng được như học trực tiếp”.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Cao Kim Anh