Danh mục sách giáo khoa “bia kèm lạc, lạc nhiều hơn bia”
Giá sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao hơn gấp 2-3 lần sách so với chương trình giáo dục năm 2006. Khối lượng sách lớn, dàn trải từ sách giáo khoa, sách bài tập, sách tham khảo đã khiến nhiều phụ huynh phải “than trời”. Ngay cả những người làm bên cung cấp sách cho các trường cũng bức xúc lên tiếng.
Danh mục các đầu sách và đồ dùng cần mua của học sinh lớp 1 tại Trường Tiểu học Thịnh Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Ảnh: NVCC |
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, anh T. là người chuyên cung cấp sách cho một số trường học trên địa bàn huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An bức xúc chia sẻ:
“Đọc danh mục các đầu sách học sinh lớp 1 cần mua của Trường Tiểu học Thịnh Sơn thấy ngợp vì lượng sách quá nhiều, giá sách kèm dụng cụ học tập lên đến hơn 1 triệu đồng.
Các con mới học lớp 1, còn chưa đọc thông, viết thạo. Mua nhiều sách như vậy thật sự không cần thiết, đặc biệt còn tạo gánh nặng cực kỳ lớn với phụ huynh, nhất là những gia đình khó khăn”.
Quan sát, lắng nghe tâm tư của phụ huynh nhiều năm nay, anh T. cho biết: “Hiện tượng này đã xảy ra nhiều năm. Phụ huynh thường cả nể, không dám lên tiếng nên trường phát danh sách thì cũng chỉ biết mua theo. Chúng tôi mặc dù là những người cung cấp văn phòng phẩm cho các trường học, tuy nhiên không ủng hộ với kiểu bán sách “bia kèm lạc, lạc nhiều hơn bia” này”.
Chị L. đang có con chuẩn bị lên lớp 2 tại trường Tiểu học Chương Mỹ B (Chương Mỹ, Hà Nội). Nói về việc mua sách giáo khoa cho con tại trường, chị L. bức xúc:
“Từ khi năm học chưa kết thúc nhưng trường đã thông báo đóng tiền mua sách lớp 2. Đến khi họp phụ huynh cuối năm lớp 1 đã nhận sách lớp 2 luôn rồi".
Chị L. bức xúc khi năm lớp 1 vừa rồi phải mua rất nhiều loại sách khác nhau, tuy nhiên có nhiều sách không bao giờ dùng đến ví dụ như môn Giáo dục thể chất vì thầy cô dạy trực tiếp. Sách đó bây giờ vẫn mới tinh.
Phụ huynh thắc mắc nhiều sách không cần dùng đến như môn Giáo dục thể chất, tuy nhiên học sinh vẫn phải mua. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Phụ huynh phấn khởi mong chờ những dự án tủ sách dùng chung
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.
Sau khi nhận được thông tin, nhiều phụ huynh bày tỏ sự tán thành, ủng hộ với đề xuất mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chị L. bày tỏ sự vui mừng khi nghĩ đến việc trong tương lai con có thể mượn sách ở thư viện. "Tôi thấy xây dựng tủ sách dùng chung cho các con mượn sách rất tiện vì hầu như trường nào cũng có thư viện cả. Việc mượn sách học ở thư viện cũng giúp các con rèn luyện tính cẩn thận, giữ gìn đồ dùng học tập hiệu quả nữa", chị L. nói.
Nhiều phụ huynh cho biết, hình thức tủ sách dùng chung vốn đã có từ lâu. Chị Phan Thị Lương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ:
“Tủ sách thư viện dùng chung thật ra không phải là ý tưởng mới xuất hiện lần đầu tiên. Thời 8X chúng tôi đi học thường mượn lại sách của anh chị trong xóm hoặc sách của thư viện. Hàng năm cứ vào cuối năm học trường sẽ tổ chức quyên góp sách cho vào thư viện để các em khóa dưới dùng lại. Các con bây giờ chủ yếu toàn mua sách mới, đặc biệt ở những thành phố lớn. Tôi nghĩ nếu bây giờ trường nào cũng có thư viện sách dùng chung thì quá tuyệt vời!”
Nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất xây dựng thư viện dùng chung của Bộ, tuy nhiên băn khoăn về tính ổn định của nội dung sách giáo khoa. Ảnh: Doãn Nhàn |
Bà Hà Thị Khánh Vân - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cũng đồng ý với đề xuất mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên bà kiến nghị cần sớm ổn định nội dung sách giáo khoa để tăng tính hiệu quả của hoạt động xây dựng thư viện:
“Tôi thấy rằng đề xuất xây dựng thư viện dùng chung như đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất hợp lý, đặc biệt có ý nghĩa với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Đây là cách làm rất hay, tuy nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ổn định chương trình mới, thống nhất nội dung bộ sách giáo khoa dùng chung thì giải pháp xây dựng thư viện miễn phí mới phát huy hiệu quả.
Sách giáo khoa được tái sử dụng nhiều lần qua nhiều thế hệ không chỉ tiết kiệm cho phụ huynh học sinh mà còn giáo dục tính cẩn thận, giữ gìn của công, tiết kiệm".
Bà Vân chia sẻ thêm, hoạt động quyên góp sách dùng chung đã được Lạng Sơn triển khai từ lâu:
“Hiện nay Lạng Sơn có khoảng trên 100 trường nội trú, bán trú thuộc vùng khó khăn, do vậy tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ giúp các em có cơ hội tiếp cận tri thức tốt nhất. Một trong những hoạt động quan trọng là các nhà trường tổ chức mua sắm sách vở dùng chung, quyết tâm không để em học sinh khó khăn nào bị bỏ lại phía sau.
Ngoài ra, các trường tiểu học trên địa bàn cũng có mô hình thư viện xanh, thư viện ngoài trời được xây dựng từ ngân sách nhà trường và hoạt động quyên góp sách hàng năm nhằm khuyến khích văn hóa đọc cho học sinh”.