Đến thời điểm này, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận hơn 1900 người mắc HIV/AIDS, trong đó 1500 người còn sống. Không ít người trong số họ hiện sống rất tích cực, có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của bản thân, tham gia công tác xã hội để giúp đỡ, hỗ trợ cho những người có H khác.
Nhân vật chúng tôi muốn nói đầu tiên là một chị sống ở M’Đrắc, chị xin được giấu tên vì gia đình. Chị lập gia đình năm 2003, một năm sau đó thì người chồng chết vì bị AIDS, chị liền đi xét nghiệm thì cũng nhận được kết quả dương tính.
Tư vấn kiến thức chăm sóc sức khỏe, phòng tránh HIV/AIDS cho người dân tại cơ sở y tế huyện Văn Chấn, Yên Bái. (Ảnh: giadinh.net.vn) |
Chị chia sẻ: “Thật sự là hai năm đầu tôi rất suy sụp, suy nghĩ luẩn quẩn hoài. Đến khi đi ra ngoài, tôi có được thông tin, thật sự là cái động lực lớn nhất của em là sự chấp nhận của cộng đồng. Khi tôi chia sẻ với một người hay vài người về tình trạng HIV của mình thì được họ chia sẻ, họ rất đặt lòng tin vào tôi. Niềm tin của họ là động lực cho tôi sống tiếp và phải sống làm sao cho mọi người thấy là mình chả khác gì người ta”.
Mọi thứ dường như sụp đổ, tương lai mờ mịt trước mắt cô gái mới 20 tuổi, lại thêm những lời dị nghị, xa lánh của xóm giềng nên chị quyết định vào TP HCM tìm việc làm và thu thập thêm thông tin về căn bệnh của mình. Tại đây, chị làm tạp vụ cho các quán cà phê để kiếm sống và tham gia sinh hoạt ở Câu lạc bộ “Bạn giúp bạn” giành cho người nhiễm HIV của Trung tâm Y tế thành phố. Từ đó chị tham gia nhiều dự án liên quan đến HIV do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Hoa Kỳ triển khai, đồng thời tham gia nghiên cứu về tỷ lệ nhiễm mới HIV trong đối tượng phụ nữ bán dâm và chương trình chăm sóc, can thiệp đời sống cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV điều trị ngoại trú.
Giờ đây, chị đã có tổ ấm của mình. Hạnh phúc hơn khi chị sinh con vừa tròn tháng. Điều kỳ diệu là chồng chị không bị nhiễm HIV và cháu bé vừa chào đời cũng không bị lây nhiễm từ mẹ do đã được điều trị dự phòng từ khi chị mang thai. Vượt qua định kiến xã hội, anh đã chấp nhận và yêu thương chị. Giờ đây, cuộc sống của hai vợ chồng còn nhiều khó khăn, phải thuê nhà và bán hàng ăn để kiếm sống nhưng cả hai đều thấy hạnh phúc.
“Quen biết nhau thì vợ mình cũng không giấu mà nói rõ luôn là bị bệnh như thế. Chính vì nói thẳng với nhau nên mình có phần nào yên tâm và quyết định đến với nhau. Từ trước thì mình cũng đã tìm hiểu và đọc về cái này rồi. Khi về ở với nhau thì tìm hiểu thêm và vợ cũng nói thêm nên hiểu biết nhiều và có thể phòng tránh cho nhau. Cuộc sống bây giờ còn khó khăn nhưng mà nên coi nhẹ đi một tí, mỗi người một việc”- chồng chị tâm sự.
Nhằm giúp cho những người có HIV biết cách bảo vệ sức khỏe của mình và tránh lây lan cho cộng đồng, chị đã tham gia viết bài cho tạp chí “Sống chung với HIV” và một số báo khác như: Thanh niên, Tuổi trẻ… Chị còn tham gia ban điều hành mạng lưới phụ nữ - những người sống chung với HIV, đại diện khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.
Với chị, chia sẻ thông tin là cách tốt nhất để những người có H, đặc biệt là người mới bị nhiễm có thêm nghị lực sống.
“Tôi chỉ cảm thấy vui khi một người có H nào đó thấy em, thấy cuộc sống của tôi sau đó họ sống tích cực hơn, họ tham gia chương trình điều trị khi mà họ đang rất sợ bị kỳ thị, họ bị tiết lộ thông tin. Hoặc là cũng có bạn họ không dám sinh con; tôi không khuyến khích việc sinh con nhưng em phân tích cho họ nguy cơ như thế nào, tương lai của đứa trẻ như thế nào, bạn cứ cân đo đong đếm rồi bạn hãy lựa chọn quyết định của mình. Và khi tôi đưa ra cho họ lựa chọn như vậy thì họ cũng đã tìm ra hướng của họ. Cũng có bạn không sinh, nhưng cũng có bạn quyết định sinh con. Đó là cái tôi cảm thấy vui nhất khi chia sẻ với nhiều người có H khác”- chị nói.
Với ông Trần Nông, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột thì sau gần 7 năm mắc bệnh, dẹp bỏ hết những mặc cảm bệnh tật, sự kỳ thị của cộng đồng, ông tiếp nhận điều trị tại cơ sở y tế và tích cực tham gia công tác xã hội. Hiện, ông là chủ nhiệm Câu lạc bộ sức khỏe của thành phố Buôn Ma Thuột dành cho những người có H và là thành viên của nhóm tiếp cận cộng đồng, ông dành nhiều thời gian để tìm hiểu thông tin về những bệnh nhân mới mắc và tìm cách để tiếp cận, hỗ trợ họ.
Ông Trần Nông nói: “Mình phối hợp với các y bác sĩ ở các phường, mình chọn những phường nào có tỷ lệ lây nhiễm cao rồi phân công cho anh em. Mình đưa chỉ tiêu mỗi người tiếp cận bao nhiêu, phát gói chăm sóc cho bao nhiêu người, chăm sóc bao nhiêu người, có sổ đối chiếu, theo dõi hàng tuần. Mình hiểu được nhưng mà phải chia sẻ, gần gũi, nắm bắt, thậm chí là mình tiếp cận những bệnh nhân trong bệnh viện để mà hỗ trợ chứ họ chỉ nhận thuốc, còn công tác dự phòng, họ nắm bắt thông tin, tự tin trong cuộc sống thì chưa có”.
Bằng thái độ sống tích cực, những người có H thực sự đã nỗ lực rất nhiều để hòa nhập cùng cộng đồng và bằng nhiều cách khác nhau họ đã hỗ trợ những người cùng hoàn cảnh vượt qua mặc cảm, sống có ích, như tâm niệm của ông Trần Nông: “Bây giờ tôi sống đây là tôi nhờ cộng đồng xã hội, và tôi làm việc này là tôi muốn chứng tỏ rằng căn bệnh này có khả năng dự phòng tốt và khả năng kéo dài sự sống cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống nếu như mình tuân thủ uống thuốc, mình lạc quan, yêu đời. Và những người mà mình tiếp cận thì mình làm thế nào để công tác dự phòng thật tốt, dự phòng tức là một sự chuẩn bị để phòng tránh cho người thân mình, trong gia đình mình rồi cộng đồng xã hội./.