Nhiều lần, chị đã quyết tâm dứt bỏ với bao giọt nước mắt, nhưng rồi vì thương những đứa con không có cha, chị lại nuốt những nỗi tủi nhục vào trong để gia đình yên ấm. Nhưng rồi...
Hai mảnh đời ghép
Chúng tôi gặp chị Phan Thị Hảo (1970, trú Duy Thu, Duy Xuyên, Quảng Nam) khi chị vừa khóc, vừa lấy tay che đi những vết đòn roi hung bạo của người chồng tàn nhẫn. Chị kể lại, cách đây 12 năm, khi lấy người chồng tên là Ngô Đức Lâm (SN 1968, trú cùng xã), gia đình chị đã phản đối quyết liệt bởi anh ta đã từng có một đời vợ và có con riêng. Hơn nữa, theo lời nhiều bà con trong thôn, thì gia đình chị biết rằng Lâm là người cục tính, thường xuyên thương cẳng chân, hạ cẳng tay với người vợ trước. Lo sợ con gái sẽ chịu số phận tương tự, mọi người ra sức can ngăn. Nhưng chị Hảo bỏ ngoài tai những lời nói đó, với mong muốn xây dựng hạnh phúc và làm anh thay đổi.
Thời gian đầu khi về cùng một nhà, Lâm cũng biết lo lắng cho gia đình, nhưng khi đứa con đầu lòng ra đời cũng là lúc anh ta bắt đầu trở nên trái tính trái nết, bắt đầu rượu chè bê tha, cũng từ đó, Lâm thường xuyên quát nạt, đánh đập vợ.
Ảnh minh hoạ
Cắn răng chịu đựng, nhưng Lâm ngày càng quá quắt khi những trận đòn thừa sống thiếu chết ngày càng nhiều hơn, chị Hảo đành lặng lẽ ôm con bỏ vào tận miền Nam làm thuê kiếm sống. Tưởng rằng khi chị bỏ đi, Lâm sẽ tỉnh ngộ, nhưng ngược lại, Lâm càng ngày càng bê tha hơn. Để có tiền lao vào những cuộc nhậu nhẹt, chơi bời thâu đêm suốt sáng, bao nhiêu tài sản đều bị anh ta mang bán hết, đến cả căn nhà che mưa che nắng, anh ta cũng bán nốt.
Mấy năm sau, Lâm dò tìm và biết được thông tin về vợ nên lặn lội tìm đến tận nơi van xin được vợ tha thứ, hàn gắn lại tình cảm vợ chồng. Thấy chồng có lòng lặn lội đi đến một nơi xa xôi tìm mình, và vì thấy hai cha con quấn quýt với nhau, chị Hảo xiêu lòng và chấp nhận cho Lâm ở lại cùng mình. Trong thời gian đó, thấy Lâm chí thú làm ăn nên chị Hảo đồng ý trở về sống chung với chồng và họ có với nhau đứa con thứ hai.
Bi kịch hôn nhân
Chị Hảo và Lâm đưa nhau về lại quê nhà Duy Xuyên để sinh sống. Chị vẫn hy vọng rằng người chồng chị sẽ biết thân, biết phận mà tu chí làm ăn. Thế nhưng khi về lại với nhau một thời gian, Lâm vẫn chứng nào tật nấy. Nhậu say về là y kiếm cớ hành hạ vợ, không đưa tiền để nhậu hoặc đánh bạc y cũng nọc vợ ra đánh, bữa ăn không cá, thịt, y cũng đánh... hơn 10 năm làm vợ một kẻ như y, cuộc sống của chị Hảo như rơi vào địa ngục. Chừng ấy năm chung sống với Lâm, chị Hảo ngày càng héo mòn và đến giờ chị không thể nhớ nổi bao nhiêu lần bị Lâm hành hạ và đỉnh điểm của cuộc sống địa ngục là lần bị chồng đánh đập, cưỡng hiếp ngay giữa rẫy sắn.
Trao đổi với chúng tôi, chị Đoàn Thị Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Duy Thu, người đã nhiều lần ngăn chặn việc làm của Lâm và trực tiếp đưa chị Hảo đi cấp cứu nói: "Rất nhiều lần hàng xóm và chính quyền địa phương can thiệp, giáo dục răn đe nhưng Lâm xem ra chẳng để ý gì. Trường hợp chị Hảo bị chồng ngược đãi trong nhiều năm, đặc biệt là việc chị bị chồng đánh đập, cưỡng hiếp và có hành vi làm nhục giữa thanh thiên bạch nhật cần phải bị xã hội lên án".
Chị Hoa cũng cho biết, hoàn cảnh của 3 mẹ con chị Hảo cũng đang rất khốn cùng vì sau khi bị chồng hành hung, chị Hảo phải trốn đi nơi khác sinh sống. Bây giờ, 3 mẹ con chị phải tá túc trong một căn lều rách nát tuềnh toàng, ngoài chiếc chõng tre và cái bàn cũ kỹ thì tài sản giá trị nhất của 3 mẹ con chị Hảo là chiếc quạt điện và cái thùng phuy đựng dăm chục ký thóc. Không chỉ chị Hảo bị bạo bệnh mà đứa con nhỏ của chị cũng mắc chứng bệnh viêm mủ màng não bẩm sinh, mặc dù đã 4 tuổi nhưng cháu Ngô Thị Diễm Phúc (con gái chị Hảo) vẫn không biết nói, cơ thể quặt quẹo, ốm yếu nhưng hoàn cảnh quá khó khăn nên cả 2 mẹ con họ đành phó mặc cho số phận đến đâu hay đến đó. Mới hơn 38 tuổi, nhưng chị Hảo gầy gò tiều tụy như bà lão gần 60. Đó là hệ quả của những tháng ngày phải sống trong tủi nhục cùng với người chồng tàn bạo hơn ác thú.
Theo Đang yêu