Người dân làng cổ Đường Lâm 'xin được bình yên'

16/05/2013 13:46
Theo VnExpress
Có tiền cũng không xây được nhà hoặc xây xong bị chính quyền đập bỏ, còn điện, đường, trường trạm được 'giữ nguyên hiện trạng' suốt 8 năm... khiến hàng chục hộ dân làng cổ Đường Lâm làm đơn xin trả lại danh hiệu.
Chiều 15/5, 23 hộ dân ký đơn xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm đã trực tiếp đối thoại với lãnh đạo thị xã Sơn Tây và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội. Ông Hà Kế Toán, một hộ dân đang sở hữu nhà cổ, cho biết, nhân dân bức xúc do có quy định không cho xây cao tầng, trong khi đất không đẻ ra, một số gia đình nhiều năm chỉ sống trong nhà có vài chục mét vuông nên cuộc sống rất khốn khổ. "Quy định xây nhà làm khó cho dân, có tiền cũng không xây được, dân không được đáp ứng yêu cầu tối thiểu", ông nói. Ông Toán cho rằng Ban quản lý di tích không quan tâm đến làng cổ và di tích trong làng, không sửa chữa gì ngoài 8 nhà cổ. Khi bà con đề nghị sửa chữa điện, đường, trường, trạm thì Ban quản lý nói phải giữ nguyên trạng, không được sửa. “Chính quyền phải nghĩ về dân, lo để dân đỡ khổ. Cái khổ dân chịu được nhưng bất công không chịu được”, ông Toán nói và yêu cầu nhà nước có đất giãn dân, công khai tài chính của Ban quản lý di tích và tôn tạo các di tích khác trong làng, mở rộng đường.
Những căn nhà mới xây dựng tại Đường Lâm.
Những căn nhà mới xây dựng tại Đường Lâm.
Đồng quan điểm, chị Giang Tú Oanh cho biết, gia đình làm nhà từ trước khi làng cổ được công nhận di tích, có đổ mái lợp proximăng. Nay chị làm lại bằng mái tôn thì chính quyền xã yêu cầu dỡ và hạ thấp độ cao. Gia đình chị không chấp thuận nên đã bị cắt điện, nước tới 2 tháng rưỡi trong khi có cháu nhỏ. Là một hộ bị cưỡng chế phá dỡ tầng hai, bà Hà Thị Khanh, bức xúc nói: “Trong xã đã có 21 gia đình làm 2 tầng nên tôi bắt chước làm theo, nhưng tại sao chỉ cưỡng chế gia đình tôi. Chúng tôi đau khổ, bức xúc cùng làm đơn để có chỗ ăn, ở. Chúng tôi xin trả lại danh hiệu làng cổ để người dân được bình yên như ngày xưa”. Bà Trịnh Thị Thuần, cũng thắc mắc từ ngày vinh danh làng cổ đến ngày bà Khanh bị cưỡng chế đã có nhiều nhà xây cao tầng song tại sao chỉ nhà bà Khanh bị dỡ. “Bà Khanh bị tổn thất, tôi cũng bị tổn thất tinh thần. Tôi phản đối bán vé vào làng cổ Đông Sàng, mẹ chồng tôi làm lễ thượng thọ nhưng anh em họ hàng về chúc tụng thì bắt họ mua vé. Chính quyền nói bảo tồn làng cổ nhưng đình làng Cam Thịnh sắp sập thì không có biện pháp gì”, bà Thuần bức xúc nói. Trao đổi với người dân, ông Nguyễn Hùng Sơn, Trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, cho biết, thành phố sẽ sớm có quy hoạch làng cổ và cấp đất giãn dân, ra quy định xây dựng nhà để giúp bà con cải thiện chỗ ở. Ban quản lý di tích cũng đang xây dựng mẫu nhà truyền thống để là cơ sở cho người dân xây dựng. Về việc thu chi tiền bán vé, ông Sơn cho biết, năm 2012, tiền bán vé thu được 1,4 tỷ đồng đã được Thanh tra sở tài chính kiểm tra. Tiền thu được dành để hỗ trợ đảm bảo an ninh, hỗ trợ 13 ngôi nhà cổ, hỗ trợ tu bổ 7 di tích, hỗ trợ xã phối hợp tuyên truyền, quảng bá để bà con chấp hành Luật di sản… Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho biết, ý kiến của người dân xuất phát từ thực tế, rất chính đáng. Song khi đã là di tích thì phải tuân thủ theo Luật, không phải chỉ là cơ quan chức năng mà cả người dân cũng chấp hành. Sở xin tiếp thu ý kiến để trên cơ sở đó để tham mưu cho Thành phố, Bộ Văn hóa để từng bước tổ chức cho nhân dân Đường Lâm thực hiện theo đúng quy định của luật. “Tôi muốn bà con bình tĩnh, đã chịu được 10 năm chẳng lẽ không chờ thêm một chút nữa. Chúng ta vì tương lai của chính con cháu Đường Lâm để giữ vốn quý báu cho con cháu muôn đời sau. Chúng tôi sẽ tích cực hơn để tham mưu, cùng phối hợp với thị xã Sơn Tây sẽ điều chỉnh, bổ sung những cái liên quan đến cuộc sống ở đây”, ông Tiến khẳng định.
Ngày 14/5, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo thị xã Sơn Tây đẩy mạnh vận động nhân dân bảo tồn và phát huy giá trị của di tích làng cổ Đường Lâm. Đồng thời tăng cường quản lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân thực hiện các quyền lợi theo đúng quy định; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, phòng ngừa, ngăn chặn không để tái diễn các vi phạm, ảnh hưởng đến việc bảo tồn di tích và tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ủy quyền Hà Nội cấp phép tu bổ, xây dựng các công trình tại di tích làng cổ Đường Lâm theo đúng quy định của Luật Di sản Văn hóa và Luật Xây dựng. Hà Nội sẽ có cơ chế chính sách để hỗ trợ kinh phí tu bổ đối với các công trình được xếp hạng bị xuống cấp; hỗ trợ giãn dân, duy trì sản xuất, phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống của nhân dân.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo VnExpress