Thảo luận về Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) sáng nay, Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, việc sửa đổi luật là nhằm tăng cường chế độ trách nhiệm, nhưng trong dự thảo luật vẫn duy trì nét cũ.
Văn phòng Chính phủ nên gọi là Văn phòng Thủ tướng?
Ông Quyền đề nghị: "Luật tổ chức Chính phủ sửa đổi phải làm rõ trách nhiệm của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các Thứ trưởng. Ngay cả thế giới người ta cũng không bao giờ hy vọng vào tính tự giác của công chức, mà phải xây dựng thiết chế kiểm soát, thực thi sự tự giác đó".
Đề cập đến các quy định về thẩm quyền, Đại biểu Nguyễn Đình Quyền nêu lại sự việc xảy ra ở địa phương như vụ ông Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng (Hải Phòng) nhưng cuối cùng cũng phải lên đến tận Thủ tướng.
"Chính quyền địa phương đâu? Bộ ngành chủ quản đâu? Việt Nam là nước duy nhất mà Thủ tướng phải đi điều hành những vấn đề như vậy. Ngay cả đến tài sản liên quan đến tập đoàn kinh tế nhà nước như Vinalines, Vinashin cũng phải xin ý kiến Thủ tướng, điều đó không bình thường", ông Quyền nói.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (đại biểu đoàn Hà Nội). Ảnh: Ngọc Quang. |
Cũng trong buổi thảo luận sáng nay, các đại biểu đoàn Hà Nội đề cập tới vấn đề: Có tiếp tục duy trì Văn phòng Chính phủ nữa hay không?
Đại biểu Quyền đặt vấn đề, các Bộ đã có văn phòng rồi, Thủ tướng cũng có văn phòng, bộ phận giúp việc rồi, vậy có cần thiết có Văn phòng Chính phủ?
“Chẳng ai nói ra nhưng người ta cứ lầm rầm rằng Văn phòng Chính phủ là cơ quan siêu Bộ. Văn phòng Chính phủ cần phải được tổng kết rạch ròi, phân định mối quan hệ giữa Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các Bộ, ngành ra sao”, ông Quyền nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với Đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm: "Văn phòng Chính phủ nên gọi là Văn phòng Thủ tướng. Còn như bây giờ chẳng khác nào một siêu Bộ, gây lãng phí quản lý... Trưởng văn phòng Chính phủ chỉ ngang hàng thứ trưởng".
Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang. |
Tại sao không đưa kỳ thi "2 trong 1" ra bàn tại Quốc hội?
Đề cập tới những vấn đề lớn cần phải được thảo luận tại Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị, cần phải làm rõ trách nhiệm của từng bộ ngành.
Bà Hải nêu thí dụ: "Những vấn đề lớn cần phải đưa ra thảo luận, báo cáo Quốc hội. Nhưng vấn đề đổi mới thi, đặc biệt là kỳ thi tuyển sinh 2 trong 1 chưa được đưa ra Quốc hội bàn. Bản thân tôi cũng nhận được vô vàn câu hỏi của cử tri là tại sao không đưa ra Quốc hội. Tôi đã có câu hỏi với Bộ trưởng là vấn đề này có lớn không? Lớn thì tại sao không đưa ra Quốc hội bàn? Tôi nghĩ đó là vấn đề cần phải làm rõ".
Bà Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: TTBC. |
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cũng cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm của các thành viên trong Chính phủ. Nhiều vụ việc hiện nay sai phạm nặng, nhưng không quy được trách nhiệm cho cá nhân, vì nguyên tắc tập thể lãnh đạo.
"Dự thảo luật mới chưa rõ trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu, các thành viên khác đến đâu. Anh quyết định thì anh cũng phải có trách nhiệm... Bao nhiêu thông tư hướng dẫn, bao nhiêu văn bản hướng dẫn, nhưng xảy ra sự việc thì ai chịu trách nhiệm", Đại biểu Sinh đặt vấn đề.
Theo Đại biểu Sinh thì con đường hình thành lý luận không ổn, cơ chế kiểm soát quyền lực cũng không ổn.
"Quyền của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân rất khó kiểm soát... Tôi đề nghị những nơi này cần phải có sự tổ chức công khai, minh bạch, có sự giảm sát của người dân, chứ không thể hình thành bằng con đường cấp trên bổ nhiệm. Mô hình tổ chức quyền lực cũng nên theo hướng đó", Đại biểu Sinh đề nghị.