Đồ án quy hoạch ga Hà Nội và vùng phụ cận, trong đó có đề xuất xây dựng nhà cao từ 40 - 70 tầng ở khu vực này vẫn là chủ đề nóng không chỉ người dân Thủ đô, mà dư luận cả nước quan tâm.
Đáng chú ý, không ít ý kiến lo ngại đề xuất này sẽ khiến hệ thống hạ tầng giao thông "vỡ trận".
Câu hỏi cũng được nhiều chuyên gia được đặt ra là khu vực ga Hà Nội có cần xây dựng khu tài chính, khu thương mại, khu lối sống mới, khu nghỉ dưỡng đô thị cao từ 40-70 tầng hay không.
Đặc biệt, nhà cao tầng, trung tâm thương mại sẽ làm tăng dân số cơ học ở khu vực này và sẽ kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp.
Điều mà người dân Thủ đô lo ngại chính là lợi ích cộng đồng chưa thấy đâu, nhưng áp lực đè lên hạ tầng vốn đã yếu kém thì đang hiện hữu.
Nhiều tuyến đường huyết mạnh dẫn về ga Hà Nội thường xuyên tắc đường và xây dựng nhiều tòa nhà cao 40-70 tầng giao thông khu vực này sẽ khó di chuyển được. Ảnh: Vũ Mạnh |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Xuân Hiếu (Khoa Kiến trúc và Quy hoạch - Trường Đại học Xây dựng) cho hay: “Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, trong đó có khu tổ hợp cao đến 70 tầng dựa trên thế giới mô hình này khá phổ biến.
Về mặt quy hoạch trong lõi đô thị vẫn có thể có một khu vực để tạo ra một trục điểm nhấn như khu vực ga Hà Nội.
Trục nhấn ở đây như một cái neo để thiết kế đô thị cho trục đường Trần Hưng Đạo chạy thẳng từ bến Sông Hồng vào. Có thể nói đây cũng là một điểm nhấn tốt của Hà Nội nếu thật sự làm vì Hà Nội.
Tuy nhiên, đó là trên lý thuyết, còn thực tế nhiều công trình của nước ta cho thấy từ lý thuyết đến thực tế lại khác xa.
Từ bản vẽ đến mô hình vẽ ra rất hay, khoa học, nhưng khi đi vào vận hành thực tế lại thiếu đồng bộ dẫn đến hàng loạt bất cập và mâu thuẫn.
Thậm chí quy hoạch đã trình và được duyệt rồi, nhưng đến lúc làm thì từng chủ đầu tư lại xin điều chỉnh. Chính sự điều chỉnh này dẫn đến thiếu kiểm soát, bắt đầu phá tính đồng bộ của quy hoạch.
Có thể chỉ ra như dự án buýt nhanh (BRT) Hà Nội. Việc đưa BRT vào vận hành cho thấy rất nóng vội khi các hạ tầng cơ sở, kết nối hạ tầng chưa xong dẫn đến vỡ trận. Và kịch bản có thể hoàn toàn xảy ra với đồ án quy hoạch ga Hà Nội và các vùng phụ cận”.
Tiến sĩ Trần Xuân Hiếu cho rằng, xây dựng khu phức hợp gần khu vực ga Hà Nội sẽ kéo theo hàng vạn người và tắc đường là chắc chắn xảy ra. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Cũng theo Tiến sĩ Trần Xuân Hiếu, khi đưa vào khu tập trung cao tầng như vậy sẽ tăng mật độ dân cư, tăng áp tải lên hạ tầng kỹ thuật.
Vấn đề đặt ra đó là giải quyết kết nối giữa khu vực ga Hà Nội với các khu vực xung quanh như thế nào?
Ngay cả khi có tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đi qua thì dân trong khu đô thị này đã hình thành thói quen đi lại bằng phương tiện cá nhân.
Điều này có nghĩa khu vực này khi đi vào sử dụng sẽ dẫn đến hàng loạt mâu thuẫn, bức xúc nảy sinh, bởi sẽ có hàng vạn dân đến ở chất tải lên khu vực đó thì cửa ngõ nào thoát ra được.
Tiến sĩ Hiếu nhấn mạnh: “Đồng ý có thể chuyển đổi ga Hà Nội, tập trung mật độ cao như đề xuất của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, nhưng phải xác định ngưỡng đảm bảo mật độ, quy mô dân số khi tập trung vào khu vực đó.
Hơn nữa, không nhất thiết cứ phải theo mô hình cứng nhắc là phải 40 - 70 tầng mà có thể thấp hơn.
Quy mô và tầm cao của đề xuất này cũng có vấn đề, bởi gần như chưa có sự cân nhắc kỹ giữa lợi ích nhà đầu tư với cộng đồng”.
Xây các tòa nhà ca0 từ 40-70 tầng taji khu vực ga Hà Nội sẽ gây áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông. Ảnh: Quỳnh Lê |
Trước nhiều ý kiến phản đối đề xuất của Hà Nội, Tiến sĩ Trần Xuân Hiếu cho rằng: “Trong thời điểm này không nên vội phủ quyết đồ án trên mà cần phải có các chuyên gia, nhà chuyên môn cùng góp ý kiến. Điều quan trọng nhất vẫn là đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết.
Xét về mặt lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội, lợi ích kiến tạo một không gian mang bản sắc dấu ấn cho một khu đô thị thì hoàn toàn có thể, nhưng cũng phải rất thận trọng.
Căn cứ vào hiện trạng hiện nay thì chắc chắn việc xây dựng khu phức hợp cao tầng tại địa điểm này sẽ gây ra tắc đường. Bởi thực tế, hiện khu vực này các phương tiện tham gia giao thông đã phải nhích từng centimet vào giờ cao điểm.
Nhìn vào trục Trần Hưng Đạo sẽ rõ, không có một lối thoát nào để người dân thoát ra. Cứ tưởng tượng đường Trần Hưng Đạo tăng gấp 4 lần so với thời điểm hiện tại các phương tiện sẽ thoát đi đâu.
Trong khi đó, các tuyến đường chính dẫn đến ga Hà Nội như khu vực ngã ba đường Trần Phú - Điện Biên Phủ, đường Khâm Thiên, đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học, Đại Cồ Việt, Giải Phóng… là những tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc giao thông.
Nếu chỉ căn cứ vào tỷ lệ mặt đất sẽ không giải quyết được mà phải đưa các phương tiện xuống dưới hầm như tàu điện ngầm. Giả dụ có 3 tàu điện ngầm chạy qua khu vực này thì mới mong giải quyết được vấn đề.
Trong quy hoạch Hà Nội đã có phương án này, nhưng quan trọng bao nhiêu năm nữa mới có tàu điện ngầm cho khu vực này”.
Phải thận trọng khi quy hoạch xây dựng khu vực ga Hà Nội |
Để giải quyết vấn đề và được ủng hộ từ dư luận Hà Nội phải có những lý giải thuyết phục.
Tiến sĩ Trần Xuân Hiếu chỉ ra: “Đề xuất trên của Hà Nội đang gây nhiều tranh cãi vì một số lý do sau. Thứ nhất, đề xuất này mâu thuẫn với chính luật Thủ đô cũng như quy định xây dựng tại khu vực quy hoạch ga Hà Nội.
Quy định nêu rõ các khu vực và giới hạn tầng cao tối đa trong đó có khu vực ga Hà Nội.
Thứ hai, cần bằng lợi ích giữa các bên tham gia dự án chưa được đảm bảo, đặc biệt là lợi ích cộng đồng.
Hơn nữa, đó là vấn đề tắc đường càng thêm tắc khi mật độ dân cư, lưu lượng tham gia giao thông đổ về đây có thể gấp 4 lần so với hiện tại. Vậy những khó khăn này sẽ được giải quyết thế nào?”.
Thực tế, các chuyên gia đã chỉ ra rằng chỉ có ở Việt Nam mởi xảy ra chuyện xây nhà cao tầng khắp nơi không có tính toán khoa học, trong khi đó đáng lẽ ra hạ tầng phải đi trước hoặc ít nhất là phát triển song trùng.
Về sự bất hợp lý này, Tiến sĩ Hiếu cho hay: “Do đặc điểm phát triển kinh tế xã hội của nước ta nên chủ yếu các dự án do đi vay từ vốn ODA nên không thể chờ đợi hạ tầng đi trước.
Bởi vậy căn bệnh dự án đi trước cơ sở hạ tầng theo sau có lẽ còn phải nhiều năm nữa mới xử lý được”.