Đó là khẳng định của Đại tá Trần Thanh Châu, Phó giám đốc Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh trong buổi họp báo định kỳ ngày 21/4.
Theo ông Châu, xảy ra vấn đề trên là do ý thức của người dân chưa hiểu hết được những tác hại do cháy nổ gây ra. Dù suốt thời gian qua, trên địa bàn thành phố có rất nhiều vụ cháy, nổ xảy ra ở nhà dân, dẫn đến những tai nạn thương tâm.
Hơn 55 % vụ cháy từ nhà dân
Theo báo cáo của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra gần 300 vụ cháy.
Tuy số vụ giảm hơn 55% so với cùng kỳ năm 2016 nhưng thiệt hại về người tăng mạnh với 7 người chết, bị thương 13 người, thiệt hại tài sản ước tính ban đầu gần 20 tỷ đồng.
Trong đó, có 28 vụ cháy đến nay vẫn chưa xác định được thiệt hai. Khi triển khai công tác chữa cháy, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh đã cứu được 39 người.
Trong 3 tháng đầu năm 2017, Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra gần 300 vụ cháy, trong đó cháy nhà dân chiếm hơn 55% - Ảnh: T.A |
Ông Châu cho biết, trong gần 300 vụ cháy trên thì số vụ cháy ở nhà dân chiếm hơn 55%. Số còn lại là chung cư, nhà cao tầng, siêu thị, cây xăng, rừng, cỏ và ở các sọt rác.
Lý giải về số vụ cháy ở nhà dân nhiều như vậy, ông Châu cho biết, nguyên nhân là do người dân ở thành phố xây liền kề, xây nhà sát nhau, vì thế, không có lối thoát hiểm, đường thoát ống thoát khói cũng không, chỉ có lối thoát duy nhất là cửa chính.
Có những nhà thì phải xây bịt kín lại để chống thấm. Có một số nhà dân có lối thoát hiểm, nhưng cầu thang ngoằn nghèo, khó đi, để thoát hiểm được khi có cháy, nổ vô cùng khó khăn.
Hơn nữa, kinh tế các hộ cứ kinh doanh các mặt như: đồ điện tử, hóa chất, quần áo, nhôm, nhựa... rất dễ dẫn đến cháy, nổ
Theo ông Châu, trong mùa khô này, khí hậu ở thành phố rất nóng bức nên dễ xảy ra cháy nổ, vì thế rất nguy hiểm.
Ông lấy ví dụ, vừa rồi ở phường 2, quận 3 đã xảy ra một vụ cháy nhà dân làm 6 người chết. Ngôi nhà cháy ở dưới thì kinh doanh quán cà phê, những tầng trên thì làm phòng trọ cho thuê.
Những nạn nhân chết là do bị ngạt khói khi ngôi nhà đã bị bịt kín xung quanh, lối thoát hiểm lại không có.
''Tôi nói thật, việc các nhà dân cứ xây liền kề, xây san xát nhau mà không có lối thoát hiểm, không chừa đường ống khói thì rất nguy hiểm nếu có cháy, nổ xảy ra. Chỉ ở trong đám cháy, hít khói 5 phút thôi là đã bị chết ngạt. Khói từ hóa chất và các vật dụng độc hại vô cùng'', ông Châu nói.
Hàng chục chung cư không chịu đóng phạt
Trả lời những câu hỏi của các phóng viên về việc còn 12 chung cư ở thành phố chưa được nghiệm thu về phóng cháy chữa cháy nhưng đã đưa người dân vào ở, đại tá Châu cho biết, không phải là 12 chung cư mà còn có nhiều hơn nữa.
Trả lời câu hỏi, vì sao thành phố không ra quyết định xử phạt, ông Châu cho biết, do các nhà đầu tư cho người dân vào ở chui nên rất khó kiểm soát.
''Lực lượng phòng cháy chữa cháy đã kiểm tra xử phạt nhiều lần nhưng các doanh nghiệp vẫn chây ì, nhất quyết không chịu nộp phạt. Chúng tôi đã rất nhiều lần yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nhưng họ không chịu'', ông Châu nói.
Theo đại tá Châu, vốn dĩ xảy ra sự việc trên là do cảnh sát phòng cháy chữa cháy chỉ được xử lý một số lỗi trong phạm vi cho phép nên rất khó xử lý dứt điểm.
Ông cũng cho biết, có rất nhiều chung cư chưa được cấp giấy phép xây dựng, nhưng khi lực lượng chức năng đi kiểm tra thì đã xây dựng lên đến tầng thứ 12.
Và một điều làm khó cho lực lượng chức năng đi kiểm tra là từ phía người dân. Nhiều người dân biết chung cư chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn nhất quyết vào ở, vì đã trả tiền mua nhà cho doanh nghiệp. Vì thế, khi chính quyền đến vận động họ nhất quyết không chịu di dời ra ngoài vì sợ... mất nhà.
Vì thế, trong thời gian tới, đại tá Châu sẽ đề xuất Thành phố Hồ Chí Minh thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra về an toàn phòng cháy chữa cháy ở các chung cư đang bị vi phạm.
Bình cứu hỏa tại gia không thành công
Ông Châu cho biết, thời gian qua, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố đã kết hợp với các cơ quan ban ngành vận động người dân mua bình cứu hỏa tại gia nhưng không thành công.
''Thành phố rất đông dân, hơn 2.000.000 hộ dân. Trong đó có hơn 300.000 hộ dân làm nghề kinh doanh. Vì thế, rất dễ dẫn đến cháy nổ trong mùa khô này.
Khi cháy nổ xảy ra, trước khi lực lượng cứu hỏa đến, người dân phải tự bảo vệ mình thôi. Có bình cứu hỏa trong nhà là một giải pháp tự bảo vệ mình.
Vậy mà, khi chúng tôi đi kiểm tra thì người dân cứ bảo không có điệu kiện kinh tế'', ông Châu nói.
Ông cũng cho biết, có những hộ dân đi mua bình cứu hỏa ở các điểm thu gom là không đúng và vô cùng nguy hiểm.
Ông Châu lưu ý rằng, thời gian này, thành phố đang trong thời điểm mùa nắng nóng, vì thế các hộ dân, các cơ sở kinh doanh, các chung cư cần phải có ý thức trong việc phòng tránh cháy nổ để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.