Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) đánh giá rất cao nỗ lực của Thủ tướng và tập thể Chính phủ thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh cho dù đất nước đang gặp khó khăn về ngân sách, nhưng thiết kế về chính sách không thể làm cho tích lũy của người dân giảm đi.
- Bà đặt kỳ vọng gì vào sự phát triển của nền kinh tế trong những năm tới đây khi Việt Nam gia nhập Asean, TPP. Sự điều hành của Chính phủ?
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Trong báo cáo mà Thủ tướng Chính phủ trình bày tại kỳ họp thứ 10 này, báo cáo kinh tế xã hội đặc biệt hơn các báo cáo khác, đó là tổng kết năm 2015 chúng ta làm được gì thì còn có báo cáo tổng kết sơ bộ phát triển kinh tế 5 năm vừa qua.
Tôi nghĩ đây là một báo cáo trung thực, phản ánh bức tranh chân thực của nền kinh tế Việt Nam. Báo cáo đã nêu rõ thuận lợi của giai đoạn 2011 – 2015 và những khó khăn chúng ta phải đối mặt.
Cụ thể, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp. Tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực và trên Biển Đông ngày càng gay gắt; kinh tế thế giới phục hồi chậm. Giá dầu thô giảm mạnh, tình hình chính trị thế giới tồn tại nhiều bất ổn; Sự phá giá mạnh đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã tác động, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế nước ta… những khó khăn ấy đã tạo thêm áp lực phát triển kinh tế - xã hội đối với Thủ tướng và Chính phủ.
Và cũng trong thời gian này, Quốc hội không có sự điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, bởi vì vậy mà giữa muôn vàn khó khó khăn thì chúng ta cần đánh giá một cách khách quan những nỗ lực của Thủ tướng Chính phủ cũng như tập thể Chính phủ.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc thôi. Đặt trong bối cảnh chung của toàn cầu, chứ không chỉ so sánh với sự phát triển của riêng mình thì rõ ràng kinh tế nước ta đã có những bước tiến đáng kể.
Tất nhiên nhìn ở một góc độ nào đó thì những gì đạt được còn chưa tương xứng với kỳ vọng của nhân dân, chưa đúng với mong muốn, nỗ lực của Thủ tướng và Chính phủ, nhưng trong khi thế giới đều khó khăn mà chúng ta tăng trưởng trung bình 5,9% trong suốt 5 năm vừa qua là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ, của doanh nghiệp và người dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội). ảnh: TTXVN. |
Năm nay, chúng ta có một sự kiện rất lớn là chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12. Cho tới bây giờ 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp, chọn được những cán bộ lãnh đạo xứng đáng, trong đó có nhiều lãnh đạo rất trẻ, năng động. Vì vậy, chúng ta có quyền hy vọng sự đổi mới trong tư duy sử dụng cán bộ cũng sẽ giúp cho nền hành chính phát triển tốt hơn, từ đó có những tác động mạnh mẽ để tạo động lực phát triển kinh tế.
Tài nguyên dù nhiều đến đâu thì đến một lúc nào đó cũng cạn kiệt. Cơ cấu kinh tế của chúng ta cũng đang chuyển dịch, mà tất cả những yếu tố đạt được kết quả tốt hay không thì đều phụ thuộc vào yếu tố con người. Yếu tố con người là rất quan trọng, và đã được Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh tại đại hội đảng bộ các tỉnh trong thời gian qua.
Năm 2016, chúng ta vẫn sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng với những nhân tố mới về mặt con người, sự nỗ lực nhiều hơn trong điều hành của Chính trong thời gian tới đây làm cho những điểm sáng sẽ sáng hơn nữa và những điểm tối sẽ nhạt dần đi.
- Vừa là đại biểu Quốc hội cũng vừa là người điều hành một tập đoàn kinh tế lớn, bà có đánh giá thế nào về những cải cách thủ tục hành chính cũng như thủ tục thuế, hải quan mà Chính phủ đã thực hiện?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội về vấn đề trên. Chính phủ đã triển khai đồng bộ chương trình tổng thể quốc gia, kế hoạch cải cách hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp.
Bao giờ mới hết chuyện vung tay quá trán, ăn bám, không biết xấu hổ? |
Rõ ràng những thủ tục về thuế và hải quan trong thời gian qua đã có những thay đổi rất lớn. Cụ thể là thủ tục về thuế cũng như là bảo hiểm xã hội mất tới gần 872 giờ, tuy nhiên sau rất nhiều nỗ lực của Chính phủ thì các thủ tục thuế đã giảm còn 171 giờ, thủ tục về bảo hiểm xã hội cũng giảm rất lớn. Chính phủ cũng đang rất nỗ lực để năm 2016 các thủ tục rút gọn đúng với tiêu chuẩn của Asean + 4.
Về mặt định hướng đó rất tốt, nhưng tôi cũng xin lưu ý rằng cần phải đo lường từ cộng đồng doanh nghiệp để xem là còn những gì khó khăn, vướng mắc, qua đó Chính phủ tổng kết và tiếp tục có những chỉ đạo rốt ráo hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp.
- Bà có kiến nghị gì giúp Chính phủ điều hành tốt hơn?
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Những cải cách về thủ tục hành chính thời gian qua đã giúp cho Việt Nam tăng hạng trên thế giới, và nó là một trong những yếu tố hết sức quan trọng để tạo môi trường thu hút đầu tư. Nhà đầu tư nào cũng rất sợ khi đến một quốc gia nào đó đầu tư mà thường gặp phải những thủ tục hành chính lằng nhằng.
Hơn nữa, điều quan trọng mà chúng ta biết rằng 70% nguồn thu của chúng ta đến từ xuất nhập khẩu, vì vậy nếu thủ tục hải quan mà không được tháo gỡ thì có nghĩa là chúng ta tự trói mình.
Bên cạnh đó, tôi cũng mong rằng, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ như thời gian qua, để các thủ tục thuế, phí và lệ phí không chỉ liên quan tới doanh nghiệp mà còn có liên quan trực tiếp tới đời sống của người dân phải được điều chỉnh tốt hơn. Phải tiếp tục có những động viên khối doanh nghiệp, doanh nhân để họ tin tưởng đầu tư sản xuất kinh doanh, vừa phát triển kinh tế của doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Khi các doanh nghiệp nội địa trở nên cứng cáp hơn, tích lũy được nhiều vốn hơn thì đến khi đất nước cần, họ chính là những người dân sẵn sàng góp sức để cả nước vượt qua những khó khăn trên nhiều mặt trận có thể phải đối diện trong tương lai.
Tôi cũng xin lưu ý rằng, cho dù chúng ta đang gặp khó khăn về ngân sách, nhưng nếu thiết kế về chính sách làm cho tích lũy của người dân giảm đi thì khi đất nước gặp khó khăn chúng ta không có nguồn lực dự trữ để có thể huy động.
- Trân trọng cảm ơn bà!