Với sự nỗ lực của ngành bảo hiểm xã hội cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng năm 2019 đến thời điểm hiện tại bằng gần 1/3 con số đã phát triển được trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Nghị quyết 28-NQ/TW vẫn còn khó khăn, đòi hỏi phải có thêm giải pháp “kích cầu”.
Năm 2008 là năm đầu tiên áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, cả nước chỉ có 6.000 người tham gia. Đến năm 2018, với sự hỗ trợ của Nhà nước từ 10% đến 30% mức đóng tuỳ từng đối tượng, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng nhanh lên 320.000 người.
Theo báo cáo của bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 3 quý đầu năm 2019, cả nước tiếp tục có thêm 192.326 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nâng tổng số người tham gia chính sách này là 463.105 người. Đáng chú ý, nhiều địa phương đã vượt chỉ tiêu về tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2019 như: Sơn La, Hưng Yên, Cà Mau, Hà Nam, Điện Biên.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - ông Trần Đình Liệu cho biết, để đạt được kết quả đột phá này, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó tổ chức hàng ngàn hội nghị tuyên truyền tại các địa phương, tập huấn công tác tuyên truyền bảo hiểm xã hội cho cán bộ bảo hiểm xã hội các cấp… mặc dù đến nay chưa có địa phương nào hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đặc biệt, bảo hiểm xã hội các cấp đã cùng các đại lý tích cực tuyên truyền, vận động với phương châm “đến từng nhà, gặp từng người” để mở rộng phát triển đối tượng.
Nhân viên đại lý thu điểm Bưu điện văn hóa xã Yên Hưng (Sông Mã) tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho người dân. |
Bằng sự tận tâm, nhiệt huyết ấy, anh Đỗ Trọng Toàn, nhân viên Bưu điện văn hoá xã Phú Cường (huyện Ba Vì, Hà Nội) không chỉ tư vấn giúp người dân hiểu rõ về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện mà còn thường xuyên đến tận nhà người dân thu tiền đóng để duy trì số đối tượng tham gia.
Anh Toàn cho biết, người dân xã Phú Cường chủ yếu sống bằng nghề nông nên trước đây, việc để người dân hiểu và tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng những năm gần đây, do được tuyên truyền thường xuyên và đầy đủ hơn nên người dân ở xã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng nhanh so với trước.
Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2019, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của xã đã tăng hơn 30 người so với năm 2018 trong khi cả năm 2018 số lượng này chỉ tăng được 3-4 người, tức tăng hơn 10 lần. Hiện cả xã đã có khoảng 70 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Làm đại lý thu bảo hiểm xã hội tại điểm bưu điện văn hóa xã Võ Ninh (Quảng Ninh), bà Lê Thị Bích Quy thường xuyên gần gũi với người dân và tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Khi người dân đến nhận bưu phẩm, đóng tiền điện hàng tháng..., bà Quy đều tranh thủ giới thiệu về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện để họ biết.
Vào những lúc rảnh rỗi, bà Quy còn đi đến từng gia đình tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu về quyền và lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bà Quy chia sẻ: “Lúc đầu, nhiều người chưa quan tâm lắm vì cứ nghĩ loại hình bảo hiểm này cũng như các kiểu bảo hiểm nhân thọ khác.
Nhưng khi nghe đây là chính sách an sinh có sự hỗ trợ của Nhà nước, tham gia để về già hưởng lương hưu như những người đi làm có đóng bảo hiểm xã hội, họ lại rất quan tâm. Nhờ hiểu được mà không ít người đã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”.
Cần thêm các giải pháp “kích cầu”
Hết quý III năm 2019, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của cả nước chiếm khoảng 0,9% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, với kết quả này, việc phấn đấu có 1% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vào năm 2021 theo Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra hoàn toàn có thể đạt được nhưng để đạt mục tiêu 2,5% vào năm 2025 lại là một nhiệm vụ khó khăn.
Ông Nam lý giải, thực tế cho thấy, mặc dù chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện rất có lợi cho người tham gia nhưng công tác triển khai vẫn gặp phải một số bất cập. Nhóm đối tượng này thường có công việc không ổn định nên việc trích từ nguồn thu nhập để tham gia bảo hiểm xã hội là rất khó khăn.
Trong khi đó, mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp, chưa tạo được động lực khuyến khích người tham gia; việc nắm bắt, tiếp cận các đối tượng tiềm năng để thông tin về chính sách, vận động họ còn chưa đầy đủ.
Chưa kể, “để được hưởng lương hưu, ngoài điều kiện về tuổi đời, người tham gia cần có tối thiểu 20 năm đóng bảo hiểm xã hội - đây chính là rào cản để người dân chưa thật sự sẵn sàng tham gia chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện”, ông Nam nhấn mạnh.
Để tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, ông Nam cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tới các địa phương… Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức tạo công việc, thu nhập ổn định giúp người dân có điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội.
Cuối cùng, cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng giảm dần điều kiện thời gian đóng góp hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới còn 10 năm để mở rộng cơ hội tiếp cận lương hưu.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội gợi ý, trong giai đoạn đầu rất cần nâng mức hỗ trợ để “kích cầu”, theo đó, Nhà nước cần hỗ trợ 50% mức đóng khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, riêng người thuộc hộ nghèo và cận nghèo thì được hỗ trợ cao hơn. Sự hỗ trợ này sẽ tạo sự bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện trên diện rộng, sau đó sẽ điều chỉnh giảm dần.
“Chúng ta lấy bài học từ chính sách bảo hiểm y tế, ban đầu hỗ trợ thấp nên rất ít người tham gia, sau đó nới lỏng nên tới nay đã gần 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Có thể nhập bảo hiểm y tế tự nguyện với bảo hiểm xã hội tự nguyện để người dân chỉ cần mua bảo hiểm xã hội tự nguyện đương nhiên sẽ có bảo hiểm y tế”, ông Lợi nói.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. |
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tốc độ phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn chậm, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bảo hiểm xã hội toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Theo quy định, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, gồm: người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng trước ngày 1/1/2018, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng từ ngày 1/1/2018 trở đi; người không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, tổ, khu phố; người lao động giúp việc gia đình; người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng lương; nông dân, lao động tự tạo việc làm gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình…
Về mức đóng, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do bản thân lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Về phương thức đóng, có thể lựa chọn đóng hàng tháng, 3 tháng đóng 1 lần, 6 tháng đóng 1 lần, 12 tháng đóng 1 lần, hoặc đóng 1 lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm 1 lần. Đặc biệt, đối với trường hợp đóng 1 lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Hiện, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, bằng: 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, 25% với người thuộc hộ cận nghèo, 10% đối với đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người, nhưng không quá 10 năm.
Để đăng ký tham gia, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lập, kê khai và nộp hồ sơ, nộp tiền cho đại lý thu hoặc cho bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú theo mức đóng và phương thức đóng đã đăng ký, nhận biên lai thu tiền đóng bảo hiểm xã hội từ đại lý thu hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội và nhận hồ sơ trong thời hạn 5 ngày, nhận thông báo mã số bảo hiểm xã hội, kết quả đóng bảo hiểm xã hội từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tại đại lý thu…