Sau nhà văn Lê Lựu, nhà văn Y Ban tiếp tục góp những ý kiến rất thú vị với phóng viên báo điện tử giaoduc.net.vn khi bàn về tính xấu người Việt.
Mở đầu, nhà văn nói: "Tôi đã xem clip thực tế do phóng viên báo điện tử giaoduc.net.vn thực hiện và cảm thấy buồn. Bởi vì, là con người, ai cũng có lòng tham. Nhưng việc tranh giành nhau mấy chục nghìn bạc của những người xe ôm, bán hàng kia cho ta thấy một loại lòng tham vô liêm sỉ, lòng tham của đạo đức xuống cấp. Và tôi tin rằng, nếu như làm những “phép thử” lòng tham của những người giàu có hơn, có lẽ sẽ phát hiện ra rằng, cũng có rất nhiều người giàu cũng tham chẳng khác gì những người xe ôm đâu".
"Điều quan trọng là 30 nghìn đồng rẻ rúm lắm. Nó không làm cho ai giàu lên hay nghèo hơn đi, nhưng nó làm cho những người mất đi những điều giá trị, bên cạnh việc mất tiền, họ mất đi lòng tin vào con người", nữ nhà văn nói thêm.
"Và việc này cũng vô tình bộc lộ một sự thật chua xót: Dường như con người ta không còn cảm thấy xấu hổ, cảm thấy sĩ diện khi hành động xấu xa như vậy nữa. Đến mức mà, họ hí hửng hạ thấp nhân phẩm của mình, “cúi đầu, khom lưng” trước một hành động xấu như vậy".
Nhà văn Y Ban. |
Có người đổ thừa sự tham lam cho sự nghèo túng. Nhưng theo nhà văn, không hoàn toàn như vậy. Nhiều người tuy nghèo về tiền bạc, nhưng họ giàu sĩ diện, giàu lòng tự trọng lắm. Báo chí ta từng đưa về nhiều trường hợp người nghèo bắt được bọc tiền to, trả lại người đánh mất chính là bằng chứng.
Thêm nữa, thời chiến, con người ta cũng nghèo lắm chứ. Nhưng hiếm khi nào họ đối xử với nhau tử tế, thơm thảo như vậy. “Tôi sinh ra vào thời chiến và chứng kiến nhiều lần cảnh những người nhà quê đã dành những chỗ ngủ, những bữa cơm ngon nhất cho những người thành phố về sơ tán. Ngày ấy, người xấu, người ác cũng có, nhưng không nhiều như bây giờ”. Bởi vì, mỗi khi cái xấu, cái ác xuất hiện là bị cả cộng đồng tẩy chay, lên án. Do vậy, không có môi trường cho thói hư tật xấu phát triển như ngày nay.
Và ai đó cho rằng, lòng tham là tàn dư của lối sản xuất tiểu nông thì càng sai. Ngày xưa, trong gia đình những địa chủ, con người được dạy dỗ rất cẩn thận, gia giáo, nề nếp. Do đó, con người ta đầy lòng kiêu hãnh, tự hào về sự cao quý của mình.
Bàn về những nguyên nhân khiến cho thói tham lam của người Việt ngày càng xuống cấp, nhà văn cho rằng, đạo đức người Việt lung lay khi nền kinh tế của ta hội nhập, mở cửa, người ta có nhu cầu về quyền con người.
Tuy nhiên, đôi khi nâng cao cái quyền con người một cách thái quá, họ nhầm lẫn với cái tôi ích kỷ. Có những người lúc nào cũng nói mình có quyền này, quyền kia, nhưng rất lười biếng, không biết phấn đấu để trở thành một con người đáng được tôn trọng. Ngược lại, hành động tranh cướp nhau 30 nghìn chẳng khác nào Chí Phèo đã tự rạch vào mặt mình mất rồi.
Người phụ nữ bán bò bía trước cổng trường ĐHQG Hà Nội nhặt được chiếc ví, bên trong chỉ có mấy chục nghìn, nhưng nhất định không trả lại người đánh mất. |
Con người ta muốn nâng cao chất lượng gen, có khi cần tới cả trăm năm. Nhưng một điều đáng buồn đang diễn ra với dân tộc ta là, chỉ chưa đầy 40 năm sau chiến tranh, những giá trị cốt lõi, những đức tính tốt đẹp, căn cốt của dân tộc đã không còn gìn giữ được.
Đơn cử như tính kỷ luật là một trong những đức tính làm nên chiến thắng của dân tộc ta trong chiến tranh.
Thế nhưng, ngày nay cũng chính dân tộc ta đang loay hoay ngưỡng mộ Nhật Bản, Hàn Quốc về tính kỷ luật, càng loay hoay hơn nữa trong việc tìm kiếm, học hỏi tính kỷ luật của dân tộc khác, nhà văn Y Ban khẳng định.
Điều cuối cùng, bà nói, để lấy lại được những đức tính căn cốt khác của dân tộc, có lẽ chúng ta sẽ mất cả trăm năm mới có thể làm mới nếp nghĩ, nếp hành động của thế hệ dân tộc Việt trong tương lai. Nhưng làm được điều đó, không dễ chút nào.