Khoảng 10 giờ sáng nay (22/8), gần 30 người lao động thuộc các tổ thợ nề, thợ điện nước, thợ cốp pha… đã tập trung trước đại sảnh tòa nhà Tổng Công ty Vinaconex (địa chỉ số 34 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) yêu cầu Tổng Công ty Vinaconex có trách nhiệm về việc Công ty Cổ phần Xây dựng số 15 – Vinaconex (Vinaconex 15, địa chỉ Số 53 Ngô Quyền, phường Máy Chai , quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) nợ hàng tỉ đồng tiền lương người lao động.
Băng rôn của nhóm người lao động này đều có chung nội dung: "Yêu cầu ông Trương Hải Triều – Giám đốc Vinaconex 15 là người nợ lương cho công nhân".
Ngay sau khi sự việc diễn ra, đại diện Tổng Công ty Vinaconex đã mời nhóm người căng băng rôn biểu tình vào làm việc.
Sáng 22/8 tại Tòa nhà Tổng Công ty Vinaconex gần 30 lao động đã căng băng rồn yêu cầu ông Trương Hải Triều - Giám đốc Công ty Vinaconex 15 trả nợ tiền lương cho người lao động. |
Đến khoảng hơn 11 giờ, cuộc họp giữa đại diện nhóm người lao động và lãnh đạo Vinaconex kết thúc. Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sau cuộc họp, anh Nguyễn Văn Hùng (Thanh Trì – Hà Nội) - Tổ trưởng tổ thợ nề một trong số người lao động bị nợ lương cho biết: “Họ (Vinaconex) giờ đá trách nhiệm cho nhau, biên bản cuộc họp cũng chỉ ghi chung chung”.
Theo đó, trong biên bản làm việc với người lao động có ông Nguyễn Mạnh Cường – Chánh văn phòng Tổng Công ty Vinaconex, ông Hoàng Trung Kiên - Ủy viên Chủ tịch HĐQT Vinaconex 15. Nội dung chính cuộc họp, người lao động yêu cầu Tổng Công ty Vinaconex can thiệp cho người lao động gặp gỡ ông Trương Hải Triều – Giám độc Công ty Vinaconex 15, ông Nguyễn Thanh Phương – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vinaconex và ông Vũ Quý Hà - Tổng Giám đốc Công ty Vinaconex.
Biên bản buổi làm việc giữa người lao động và đại diện Vinaconex |
“Chúng tôi chỉ yêu cầu lãnh đạo Tổng Công ty Vinaconex và lãnh đạo Vinaconex 15 gặp gỡ chúng tôi để làm việc rõ ràng lộ trình trả nợ cho người lao động chúng tôi”, anh Hùng nói.
Anh Hùng cho biết, đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu Tổng Công ty Vinaconex can thiệp và có trách nhiệm thúc giục Vinaconex 15 trả tiền lương cho người lao động nhưng không được hồi âm. Bức xúc vì chờ đợi quá lâu, nhóm lao động này mới quyết định tập trung căng băng rôn yêu cầu Tổng Công ty Vinaconex trả lời rõ ràng.
“Chúng tôi hôm nay khoảng gần 30 người, chỉ là đại diện hàng trăm lao động bị nợ lương. Bản thân chúng tôi là tổ trưởng các tổ, hàng ngày để có tiền sinh hoạt, trả công thợ chúng tôi phải vay mượn tiền người thân, thậm chí ngân hàng để hy vọng khi công trình hoàn thành sẽ được thanh toán. Nhưng họ liên tục né tránh, cố tình không trả tiền mồ hôi công sức lao động của chúng tôi”, anh Hùng bức xúc.
Cũng liên quan vấn đề nợ lương người lao động, được biết Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Vinaconex cần có biện pháp quản lý, sử dụng vốn, tài sản theo quy định của pháp luật, tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khắc phục tình trạng nợ lương, bảo hiểm xã hội của người lao động.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SCIC) đánh giá lại kết quả thực hiện tái cấu trúc Vinaconex, cùng các cổ đông khác tiếp tục củng cố Vinaconex theo Đề án tái cấu trúc đã được duyệt; có phương án tái cơ cấu phần vốn nhà nước đầu tư tại Vinaconex; tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại Vinaconex; hỗ trợ Vinaconex tái cơ cơ cấu tài chính.
SCIC cũng được giao nâng cao năng lực của Người đại diện phần vốn nhà nước tại Vinaconex và chỉ đạo Người đại diện cùng Ban quản lý điều hành Vinaconex (công ty mẹ) có phương án giải quyết, xử lý nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động theo chế độ quy định.
Trong khi đó theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thời gian qua, tình hình sản xuất kinh doanh của Vinaconex gặp khó khăn, sản xuất của Tổng công ty sụt giảm; chậm trả lương, nợ lương của công nhân.