Hơn 10% mẫu rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai đợt cao điểm hành động Năm Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có những thống kê báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, đợt thanh tra đột xuất của thanh tra bộ tại các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đã phát hiện và xử lý 5 công ty sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y/thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục cho phép, tiêu hủy tại chỗ 13,3 kg hóa chất Vàng-O (VAT YELLOW), tịch thu 20kg chất bột màu trắng không rõ nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ...
Hội nghị trực tuyến triển khai Đợt cao điểm hành động năm Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp (Ảnh: Bùi Thủy - Dangcongsan.vn) |
Bên cạnh đó, số liệu giám sát an toàn thực phẩm nông thủy sản trên diện rộng 9 tháng đầu năm cho thấy, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm an toàn thực phẩm còn cao, một số chỉ số an toàn thực phẩm chưa có cải thiện so với năm 2014 (1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng/vượt ngưỡng cho phép; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt phát hiện có Salmonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng).
Chất tăng trọng hay chất tạo nạc là một hợp chất hóa học thuộc họ β- agonist được xếp vào loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới. Trong đó, Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine là ba chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Sử dụng chất này với các vật nuôi, chúng có tác dụng làm tăng hàm lượng protein, kích thích tăng trưởng nhờ quá trình chuyển hóa hàm lượng mỡ tích tụ thành các mô cơ. Khi tiêu thụ những thức ăn có nguồn gốc từ động vật bị nhiễm các chất này, con người có thể bị ngộ độc thực phẩm do sự tích tụ trong gan, các bệnh liên quan đến tim mạch, hệ thần kinh trung ương… |
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang là nỗi lo của ngành nông nghiệp nói riêng và toàn bộ người tiêu dùng nói chung. Đây là hiểm họa cần sớm được dẹp bỏ.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, 2 chất cấm trong chăn nuôi là Clenbuterol và Salbutamol được mua bán quá dễ, chỉ cần ra hiệu thuốc mua, rồi đựng trong bịch ni lông mang về trộn trong thức ăn chăn nuôi là xong.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp nêu quan điểm, có cơ quan cho cấp phép nhập 6,8 tấn Salbutamol trong khi thuốc cho người thì được sử dụng số lượng rất ít, vậy thì rõ ràng là chủ yếu trộn vào thức ăn chăn nuôi.
Bày tỏ quan điểm trên cương vị cơ quan được giao quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng, việc tồn dư chất kháng sinh, chất tạo nạc trong thịt gia súc, gia cầm nguyên nhân do người chăn nuôi sử dụng chất cấm này trong quá trình chăn nuôi.
Câu chuyện này cũng giống như trước đây khi rộ lên thông tin hàn the trong giò chả.
Nhiều mẫu thịt được kiểm tra trên thị trường còn tồn dư chất kháng sinh và chất tạo nạc (ảnh Trung Hào - VnExpress) |
TS. Phong cho biết thời điểm có thông tin hàn the trong giò chả, Bộ Y tế chịu rất nhiều sức ép từ dư luận, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Y tế nên đưa ra quyết định cấm sản xuất và kinh doanh hàn the.
Tuy nhiên với sản xuất kinh doanh thực phẩm, hàn the là chất cấm nhưng hàn the lại cần với ngành công nghiệp khác như sản xuất mỹ phẩm, công nghệ hàn mạng... Vì vậy nếu thời điểm đó Bộ Y tế cấm việc sản xuất kinh doanh hàn the, những ngành công nghiệp kia sẽ không có hàn the để thực hiện sản xuất.
Trước tình hình như vậy, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường giám sát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh gò chả. Nếu phát hiện có hàn the sẽ xử lý nghiêm, công bố rộng rãi. Mặt khác cũng với đó tuyên truyền người dân cách nhận biết thế nào là giò chả có hàn the.
Quay trở lại vấn đề tồn dư kháng sinh, chất tạo nạc trong thịt gia súc gia cầm, thực tế chất kháng sinh có loại dùng cho người, có loại dùng cho động vật, thủy sản. Với kháng sinh dành cho người, Bộ Y tế có quy định nghiêm ngặt nếu kháng sinh dùng cho người lưu hành tại Việt Nam phải được phép của Bộ Y tế.
TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm trao đổi với báo chí (ảnh H.Lực) |
Trong khi kháng sinh dành cho động vật do Bộ NN&PTNT quản lý vì đây là một loại vật tư nông nghiệp giống như thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật… Vì vậy việc sử dụng kháng sinh ra sao, theo quy chuẩn kỹ thuật nào được Bộ Nông nghiệp phát triển và nông thôn quy định rất rõ.
“Chúng tôi thấy rằng Bộ Nông nghiệp phát triển và nông thôn nên thanh tra, kiểm tra cơ sở chăn nuôi xem quy trình chăn nuôi có sử dụng chất kháng sinh, chất tạo nạc hay không. Đồng thời kiểm tra có sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật… Nếu phát hiện có kinh doanh chất tạo nạc hoặc thức ăn chăn nuôi có chất tạo nạc, kháng sinh cần xử lý nghiêm”, ông Phong nêu quan điểm.
Không có chuyện nhập thừa Salbutamol
Trước ý kiến của người đứng đầu Bộ NN&PTNT cho rằng việc sử dụng Salbutamol trong y tế rất ít nhưng lại cho nhập đến 6,8 tấn, hay nói cách khác, có thể xảy ra việc tuồn Salbutamol từ ngành y tế sang chăn nuôi, Ths. Trần Việt Nga – Cục Phó Cục An toàn thực phẩm cho biết: Ngay sau khi có thông tin, tuy không phải lĩnh vực quản lý thuốc kháng sinh nhưng Cục An toàn thực phẩm đã trao đổi với Cục Quản lý Dược và được biết từ đầu năm 2015 đến nay Bộ Y tế chỉ cho phép nhập 3,5 tấn Salbutamol.
Khẩu phần ăn chỉ 9.000-11.000 đồng là nguyên nhân ngộ độc thực phẩm |
"Chỉ những doanh nghiệp có số đăng ký sản phẩm này còn hiệu lực và những nhà máy đạt GMP mới được nhập kinh doanh Salbutamol", Ths. Trần Việt Nga khẳng định.
Trong khi đó, theo quy định của tổ chức y tế thế giới, Salbutamol là một trong những loại thuốc thiết yếu thuộc danh mục những thuốc quan trọng nhất trong hệ thống y tế. Vì vậy việc cho phép nhập và sử dụng Salbutamol trong y tế là việc đương nhiên.
“Số lượng nhập được Bộ Y tế căn cứ vào nhu cầu sử dụng nên ý kiến cho rằng việc nhập Salbutamol quá nhiều là không đúng. Bởi căn cứ nhập Salbutamol phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng. Nếu cần cho quá trình điều trị thì dù nhập 100 tấn cũng không nhiều, ngược lại nếu không cần cho điều trị thì nhập 1 tấn cũng là nhiều”, Ths Nga nói.
Với Clenbuterol, những năm gần đây theo số liệu Cục Quản lý Dược không có doanh nghiệp nhập khẩu. Mặc dù ngành y tế không cho phép nhập khẩu Clenbuterol nhưng tồn dư Clenbuterol trong thịt gia súc, gia cầm vẫn có, chứng tỏ thị trường vẫn có Clenbuterol được nhập lậu và sử dụng trái phép trong chăn nuôi.
Thực trạng rau xanh nhiễm thuốc bảo vệ thực vật là nguy hại lớn (Ảnh: Sức khỏe đời sống) |
Như vậy trên khía cạnh quản lý nhà nước về vấn đề dược phẩm kháng sinh, quy định nhập khẩu thuốc kháng sinh được Bộ Y tế kiểm soát chặt chẽ. Vấn đề kháng sinh, tạo nạc được tìm thấy khi kiểm tra các mẫu thịt có thể đến từ hai nguồn:
Thứ nhất, bản thân người chăn nuôi tự tìm chất cấm bán trôi nổi trên thị trường qua con đường nhập lậu nhằm mục đích tăng doanh thu.
Thứ hai, các chất cấm được phối trộn trong thức ăn chăn nuôi nhằm tạo nạc, kích thích gia súc, gia cầm tăng trưởng. Chiêu trò này của doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi sẽ giúp tạo ra doanh số bán hàng do người chăn nuôi hám lợi.
Vấn đề tồn dư chất tạo nạc, kháng sinh trong gia súc, gia cầm theo TS. Nguyễn Thanh Phong không nguy hiểm bằng số rau quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Với tỷ lệ hơn 10%, có nghĩa cứ 100 kg rau có đến 10 kg rau còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đây sẽ là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm đầu tiên. Minh chứng rõ nhất vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể làm 48 công nhân tại Công ty Youngor Smart Shirts Việt Nam, TP Nam Định phải nhập viện.
Nguyên nhân ban đầu vụ ngộ độc là do canh rau. Có đến 6/10 mẫu canh rau ngót còn tồn dư chất hóa chất bảo vệ thực vật.
Để giải quyết vấn đề này, nên chăng ngành nông nghiệp nên kiểm tra, rà soát quy trình sản xuất rau, đảm bảo nguồn rau sạch an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời kịp thời xử lý nghiêm những cơ sở trồng rau, hộ gia đình sản xuất rau sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật không đúng quy cách.