Hạm đội tấn công đổ bộ liên hợp Nhật-Mỹ diễn tập đánh chiếm đảo (ảnh tư liệu minh họa) |
Ngày 7 tháng 7 đưa tin, sau khi Chính phủ Nhật Bản thông qua nghị quyết nội các dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể, Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản lập tức thực hiện các "chuyến thăm giải thích", lần lượt thăm châu Đại Dương và Mỹ để tìm kiếm sự hợp tác sâu sắc trong lĩnh vực bảo đảm an ninh.
Hãng tin Kyodo ngày 6 tháng 7 cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe buổi sáng cùng ngày lên đường đến 3 nước châu Đại Dương gồm New Zealand, Australia và Papua New Guinea. Ông Shinzo Abe sẽ tổ chức hội đàm với Thủ tướng Australia Abbott và ký kết hiệp định quan hệ đối tác kinh tế (EPA), thỏa thuận hợp tác trang bị phòng vệ.
Trả lời phỏng vấn tại sân bay Haneda, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh: "Hy vọng xây dựng kỷ nguyên mới của quan hệ Nhật Bản-Australia. Chuyến thăm lần này sẽ thể hiện tư thế mới của chủ nghĩa hòa bình tích cực.
Hy vọng ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển giao trang bị phòng vệ Nhật Bản-Australia, không chỉ về mặt ngoại giao, mà còn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng vệ và bảo đảm an ninh".
Theo bài báo, trong hội đàm với lãnh đạo 3 nước này, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tập trung giới thiệu hội nghị nội các Nhật Bản đã phê chuẩn sửa đổi giải thích Hiến pháp để dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể. Ông sẽ còn tổ chức hội đàm với thành viên Ủy ban an ninh quốc gia Australia (NSC), xác nhận hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đáp máy bay V-22 huấn luyện liên hợp với Mỹ (ảnh tư liệu minh họa) |
Về quan hệ Nhật Bản-Australia, ông Shinzo Abe cho biết: "Hy vọng nâng quan hệ hai nước - mối quan hệ cùng chia sẻ quan niệm giá trị phổ biến và lợi ích chiến lược - lên thành quan hệ đặc biệt đảm bảo hòa bình, ổn định và phồn vinh khu vực". Vào tối ngày 6 tháng 7, ông Shinzo Abe đã đến New Zealand.
Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera ngày 6 tháng 7 cũng đã bắt đầu tiến hành chuyến thăm Mỹ. Đài truyền hình NHK Nhật Bản cho biết, ông Itsunori Onodera sẽ tổ chức hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, đồng thời thông báo với ông Chuck Hagel về việc chính quyền Shinzo Abe dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể.
Ông Itsunori Onodera sẽ giải thích chi tiết với ông Chuck Hagel về 3 điều kiện thực hiện quyền tự vệ tập thể của Nhật Bản sau khi sửa đổi giải thích Hiến pháp, nghị quyết nội các dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể và sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác hoàn thiện pháp lý liên quan trong tương lai.
Ngoài ra, Nhật Bản muốn xác nhận, trong Phương hướng hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ sẽ được sửa đổi vào cuối năm 2014 phải phản ánh được nội dung hợp tác tăng cường giữa Nhật-Mỹ sau khi Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể.
Mỹ-Nhật tập trận chung trên biển (ảnh tư liệu) |
Bài báo cho rằng, trong cuộc hội đàm, ông Itsunori Onodera và Chuck Hagel sẽ còn trao đổi ý kiến về "các hành động trên biển tới tấp của Trung Quốc gây leo thang căng thẳng ở biển Hoa Đông, Biển Đông".
Mặc dù chính quyền Nhật Bản luôn có thái độ mơ hồ về vấn đề cách thức sửa đổi Phương hướng hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ, nhưng tờ "Yomiuri Shimbun" Nhật Bản vừa đăng bài viết "Sửa đổi Phương hướng hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ nhằm đạt tới hợp tác quân sự chặt chẽ Nhật-Mỹ", cho rằng, Chính phủ Nhật Bản dự định sửa đổi Phương hướng hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ để "quy định rõ nội dung can thiệp của Quân đội Mỹ đối với các tình huống của đảo Senkaku, dựa vào đó tăng cường mức độ ngăn chặn đối với Trung Quốc".
Hiện nay, quy định phân công hợp tác quân sự Nhật-Mỹ là, Lực lượng Phòng vệ tiến hành phòng vệ lãnh thổ, Quân đội Mỹ tiến hành tấn công trận địa quân địch.
Sau khi dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể, khi xử lý các tình huống như tàu bị tên lửa tấn công, Nhật-Mỹ có thể tiến hành ứng phó như một lực lượng thống nhất.
Như vậy, một khi chiến sự xảy ra, quân đội hai nước Nhật-Mỹ sẽ triển khai hành động như một lực lượng thống nhất, trong huấn luyện thời bình chắc chắn sẽ tăng cường nhất thể hóa. Khi tình hình căng thẳng cao, dễ dàng đưa ra kế hoạch ứng phó liên hợp giữa Nhật-Mỹ.
Nhiều tàu chiến chủ lực Mỹ-Nhật tiến hành tập trận chung ở Thái Bình Dương (ảnh tư liệu) |
Để có thể ứng phó nhanh chóng theo sự tiến triển của tình hình, hai bên Nhật-Mỹ còn quyết định thiết lập cơ quan tham vấn thường trực của Lực lượng Phòng vệ và Quân đội Mỹ.
Khi tham dự diễn đàn do Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế Mỹ, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey cho biết, ông “kiên quyết ủng hộ” cách nhìn mới của Chính phủ Nhật Bản.
Để hoàn thiện luật pháp mở rộng nhiệm vụ của Lực lượng Phòng vệ sau khi dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể, ông Shinzo Abe vừa cho biết: "Đây sẽ là một hoạt động sửa đổi luật pháp lớn", sẽ lập mới chức vụ "đại thần" (bộ trưởng) phụ trách xây dựng luật bảo đảm an ninh.
Ngày 10 tháng 4 năm 2012, biên đội tàu chiến Hải quân Mỹ-Nhật tập trận trên Biển Đông |