Tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản hôm 4/1 đã đăng tải bài bình luận chỉ trích chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Shinzo Abe và đồng thời chỉ ra các thách thức trong năm mới trong quan hệ với láng giềng hậu chuyến thăm gây tranh cãi hôm 26/12.
|
Thủ tướng Abe tới thăm đền Yasukuni hôm 26/12. |
Một năm đã trôi qua kể từ khi các nhà lãnh đạo hiện tại của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc lên nắm quyền. Kể từ đó, không một cuộc họp nào được tổ chức giữa các nhà lãnh đạo Nhật Bản và người đồng cấp ở Trung Quốc hay Hàn Quốc. Hội nghị thượng đỉnh ba bên hàng năm giữa ba nước được bắt đầu trong năm 2008 cũng đã bị hủy bỏ.
Chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe tới đền Yasukuni vào ngày 26.12 đã làm quan hệ giữa Nhật Bản với các nước láng giềng băng giá hơn nữa và báo hiệu một năm mới lạnh lẽo và buồn cho Đông Bắc Á.
Asahi Shimbun cho rằng các nhà lãnh đạo chính trị phải nhìn thấy trước mọi tác động rộng lớn và dài hạn của mọi hành động chứ không chỉ chăm chú giải quyết các vấn đề khu vực. Hành động thiếu suy nghĩ của họ có ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ kinh tế và văn hóa của đất nước, mà người dân của họ là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Mối quan hệ của Nhật Bản với các nước láng giềng đang rơi vào vòng luẩn quẩn buồn bã này, một phần là do Trung Quốc với sự mở rộng hoạt động quân sự thiếu thận trọng và Hàn Quốc kiên quyết theo đuổi chính sách ngoại giao chống Nhật Bản.
Nhưng chuyến thăm của ông Abe tới đền Yasukuni, "nơi tôn vinh các tội phạm chiến tranh hạng A và các nạn nhân chiến tranh khác, là một hành động tự mãn và khiêu khích quá mức". Hành động này mâu thuẫn hoàn toàn với tuyên bố theo đuổi "hòa bình" dựa trên hợp tác quốc tế của ông Abe.
|
Đền Yasukuni thờ những người Nhật Bản đã thiệt mạng trong chiến tranh, bao gồm 14 tội phạm chiến tranh hạng A. |
Làm gì để cải thiện tình hình hiện nay do ông Abe gây ra khiến Mỹ, EU và LHQ cùng bày tỏ quan ngại? Làm thế nào để xây dựng mối quan hệ hướng tới tương lai với các nước láng giềng? Việc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này là một thách thức ngoại giao chính mà chính quyền Abe phải đối mặt trong năm 2014.
Đông Bắc Á là một trong những vùng kinh tế năng động nhất, nơi mà các nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới và một số nước đang phát triển cùng tồn tại và ngày càng phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Chính phủ các nước trong khu vực này phải chịu trách nhiệm cho việc thúc đẩy thay đổi cơ cấu để dần thay thế các cuộc xung đột gây thiệt hại lẫn nhau trên cơ sở mở rộng lợi ích chung.
Để giải quyết các thách thức trên, theo Asahi Shimbun, các nước cần phải học cách tôn trọng cảm xúc của đối tác.
Sau chuyến thăm của ông Abe tới đền Yasukuni, một số người ở Bắc Kinh và Seoul thể hiện rằng họ đã từ bỏ tất cả hy vọng cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Có những nhận xét có thể được coi là phát biểu công khai của Trung Quốc và Hàn Quốc cho rằng họ sẽ không coi chính phủ Tokyo là một đối tác đàm phán cho đến chừng nào ông Abe còn cầm quyền.
Theo Asahi Shimbun, mặc dù hứa sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại dựa trên "một cái nhìn toàn cảnh về thế giới", nhưng chính quyền Abe đã không thực hiện bất kỳ nỗ lực nghiêm túc nào để sửa chữa quan hệ của Nhật Bản với các láng giềng gần gũi của mình.
|
Asahi Shimbun đã lên án chuyến thăm ngôi đền gây tranh cãi của Thủ tướng Abe. |
Những biện pháp gì có thể giúp ngăn chặn tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc từ leo thang căng thẳng đã biến thành một cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng trong bối cảnh ngày hai bên gia tăng chạy đua vũ trang? Chính quyền Abe cần những kế hoạch nào để cải thiện quan hệ ngoại giao vừa ấm lên sau 50 năm với Trung Quốc và Hàn Quốc? Theo Asahi Shimbun, câu trả lời cho vấn đề này nằm ở sự ứng xử khôn khéo của ông Abe trong năm tới.
Chính trị hướng nội có thể gây nguy hiểm cho cả an ninh của các quốc gia và ổn định khu vực. Đó là những gì các nhà lãnh đạo của tất cả các nước cần khắc ghi trong trái tim của họ và không bao giờ quên.
Sẽ có rất ít hy vọng về một cuộc hội đàm giữa ông Abe với đối tác Trung Quốc hay Hàn Quốc của mình, ít nhất là trong thời gian tới. Tuy nhiên, ba nước vẫn cần phải duy trì một số cuộc đàm phán về những vấn đề cùng quan tâm và ảnh hưởng tới lợi ích chung của ba bên như an toàn hạt nhân, ô nhiễm không khí, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và ứng phó với cúm gia cầm.
Vụ thanh trừng Jang Song-thaek tại Triều Tiên đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc ngăn chặn Bình Nhưỡng tiến hành các hành vi thiếu thận trọng là việc làm có ý nghĩa sống còn với an ninh của tất cả các nước láng giềng. Đây là một thách thức ngoại giao đòi hỏi sự hợp tác lớn hơn giữa các quốc gia trong khu vực.
Nhật Bản sẽ phải trả giá đắt về ngoại giao cho chuyến thăm của ông Abe tới đền Yasukuni. Tuy nhiên, Nhật Bản có thể chọn cách phục hồi các rạn nứt ngoại giao bằng cách nỗ lực lớn hơn để cải thiện môi trường đối thoại xây dựng với các nước láng giềng./.
Nguyễn Hường