Ông Tập Cận Bình, ảnh: Đa Chiều. |
Đa Chiều ngày 14/10 bình luận, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cộng sự của ông làm chiến dịch đả hổ đập ruồi còn tạm được, nhưng có quản trị được nền kinh tế Trung Quốc hay không lại là câu chuyện khác, cần phải chờ xem.
Trong khi hàng loạt khó khăn thách thức đang đặt ra cho nền kinh tế Trung Quốc và kế hoạch 5 năm lần thứ 15 đang gặp nhiều khó khăn, thì giới chức các địa phương vẫn cứ bình chân như vại khiến ông Tập Cận Bình phải đập bàn phẫn nộ.
Duy trì đà tăng trưởng kinh tế - nhiệm vụ bất khả thi thứ nhất
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ họp Hội nghị trung ương 5 khóa 18 để bàn về hướng đi cho nền kinh tế nước này trong 5 năm tới với Kế hoạch 5 năm lần thứ 15, sau đây xin gọi tắt là Kế hoạch 5 năm.
Khác với những Kế hoạch 5 năm các lần trước, lần này đã đến thời hạn ông Tập Cận Bình phải thực hiện cam kết hoàn thành mục tiêu "xây dựng xã hội khá giả toàn diện". Trong khi đó nền kinh tế Trung Quốc đang suy giảm và đối mặt với nhiều khó khăn, u ám chưa từng có sau mấy chục năng tăng trưởng liên tục.
Điều này khiến Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác thực sự lo lắng vì khó nắm chắc phần thắng trong Kế hoạch 5 năm lần tới.
Trước Hội nghị trung ương 5, Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc bao gồm cả ông Tập Cận Bình mải móng đi khắp các địa phương điều tra nghiên cứu, tập hợp ý kiến để viết Kế hoạch 5 năm, nhưng cho đến nay dư luận vẫn chưa biết mặt ngang mũi dọc của bản kế hoạch này thế nào.
Tuy nhiên, tập hợp các bài phát biểu của các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải, Đa Chiều nhận thấy họ đã tiết lộ mục tiêu quyết chiến trong 10 lĩnh vực trên mặt trận kinh tế, nhưng ngay mục tiêu đầu tiên đã cho thấy nó có thể là một "nhiệm vụ bất khả thi".
Kế hoạch 5 năm sẽ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Ngày 20/7 Tập Cận Bình triệu tập họp Bộ chính trị và quyết định sẽ tiến hành Hội nghị trung ương 5 vào tháng 10 này để xác định 10 lĩnh vực đột phá cho Kế hoạch 5 năm tới.
10 lĩnh vực này bao gồm: Duy trì đà tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, điều chỉnh tối ưu hóa cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy động lực phát triển sáng tạo, đẩy nhanh hiện đại hóa nông nghiệp, cải cách cơ chế thể chế, thúc đẩy phát triển hài hòa, tăng cường xây dựng văn minh sinh thái, đảm bảo và cải thiện đời sống dân sinh, thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Trong 10 lĩnh vực đòi hỏi đột phá, duy trì tăng trưởng kinh tế được xếp vị trí đầu tiên. Trong khi kể từ cuối năm 2014 Trung Nam Hải bắt đầu cho phổ biến khái niệm "trạng thái bình thường mới của nền kinh tế" để gọi xu thế tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc sau 30 năm phát triển nóng, nhưng nó không giúp gì cho việc cải thiện mục tiêu tăng trưởng GDP.
Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc trong một phiên họp do ông Tập Cận Bình chủ trì. Ảnh: CCTV. |
Năm nay sau kì họp Quốc hội và chính hiệp, 3 tỉnh Đông Bắc Trung Quốc GDP tăng trưởng âm trong khi cả nền kinh tế nước này sụt giảm. Ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng đã phải thốt lên rằng: "Tôi cảm thấy lo thay cho các ông" khi nói về kết quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Liêu Ninh, nơi ông từng làm lãnh đạo trước khi lên trung ương.
Đúng thời điểm này, thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo khiến dư luận quốc tế cũng cảm thấy hoang mang. Tuy nhiên hơn nửa tháng trước, tân Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Trung Quốc Vương Bảo An viết bài phản bác cái ông gọi là "Trung Quốc suy thoái luận".
Theo ông An, nửa đầu năm 2015, Trung Quốc đóng góp cho tăng trưởng kinh tế thế giới 30%, nền kinh tế Trung Quốc trong quá khứ, hiện tại và tương lai vẫn là động lực thúc đẩy kinh tế quốc tế phát triển lành mạnh và bền vững. Nhưng thực tế không lạc quan như những gì ông Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Trung Quốc nói.
Nửa đầu năm 2015 hầu hết các chỉ số của nền kinh té Trung Quốc bao gồm GDP, giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp, tổng chi tiêu xã hội, tổng lượng điện tiêu thụ...đều có xu hướng giảm, có chỉ tiêu giảm so với mức bình quân hàng năm, trong đó chỉ số GDP rơi xuống mức thấp nhất từ năm 1990 trở lại đây, trình độ nền kinh tế sụt giảm trông thấy.
Nhiều chuyên gia trong tổ nghiên cứu Kế hoạch 5 năm tiết lộ, 6,5% là mục tiêu tăng trưởng GDP Trung Quốc đang đặt ra, con số này thấp nhất trong 30 năm trở lại đây kể từ khi Trung Quốc mở cửa cải cách.
Không có tăng trưởng GDP thì tất cả cũng chỉ là nói xuông chứ đừng nói đến mục tiêu: Năm 2020 Trung Quốc sẽ chạm ngưỡng "xã hội khá giả toàn diện, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi 2010, giải quyết vấn đề dân sinh, công ăn việc làm và thay đổi mô hình phương thức phát triển".
Bắc Kinh cũng đặt mục tiêu đến 2020 toàn bộ nông dân nghèo có thể thoát nghèo, nhưng là nước đang phát triển lớn nhất trên thế giới, vấn đề đói nghèo ở Trung Quốc vẫn đang đặt ra gay gắt, trong khi kinh nghiệm, nguồn lực và mô hình thoát nghèo chưa thấy đâu mà đặt mục tiêu 5 năm tới hơn 70 triệu hộ thoát nghèo dường như lại thêm một nhiệm vụ bất khả thi nữa.
Tập Cận Bình chạy đôn chạy đáo với Kế hoạch 5 năm, đập bàn phẫn nộ vì địa phương bình chân như vại
Do đó, trước khi triệu tập Hội nghị trung ương 5, ông Tập Cận Bình đã tìm mọi cách quyết chiến với Kế hoạch 5 năm tới, hy vọng có thể "tiêm một liều thuốc trợ tim" cho nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng Đa Chiều cảnh báo, thực tiễn nền kinh tế Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn và rào cản nên những mục tiêu đặt ra không thiết thực khó có thể hoàn thành.
Đa Chiều cho rằng ông Tập Cận Bình rất lo lắng cho Kế hoạch 5 năm, trong khi lãnh đạo các địa phương cứ bình chân như vại. Ảnh: Đa Chiều. |
Bản thân ông Tập Cận Bình cũng như các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều thừa hiểu những khó khăn, thách thức và rủi ro của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay. Bất mãn trước thực trạng trung ương thì chạy đôn chạy đáo tìm kế sách, còn các địa phương thì cứ ì ra, án binh bất động, ông Tập Cận Bình đã có lần đập bàn phẫn nộ chỉ trích thuộc cấp, thậm chí thay thế lãnh đạo các tỉnh thành.
Không dừng lại ở đấy, bản thân Tập Cận Bình và các ủy viên khác trong Thường vụ Bộ chính trị liên tục đi điều tra, nghiên cứu thực tế các địa phương để chuẩn bị cho được Kế hoạch 5 năm trình Hội nghị trung ương 5 tới đây.
Dự thảo Kế hoạch 5 năm của đảng Cộng sản Trung Quốc thông thường phải được bắt đầu xây dựng từ 2 năm trước và phải hoàn thành trước tháng 10 năm nay. Sau kỳ họp Quốc hội và Chính hiệp đầu năm 2015, 7 thành viên Thường vụ Bộ chính trị đã đi khắp 13 tỉnh thành để nghiên cứu phục vụ cho việc chuẩn bị Kế hoạch 5 năm tới.
Ngày 27/5 ông Tập Cận bình triệu tập các quan chức đầu tỉnh Thượng Hải, Giang Tô, Quý Châu, Hồ Bắc, Liêu Ninh và Cát Lâm để nghe báo cáo, góp ý, kiến nghị cho bản kế hoạch này. Tháng 6 ông Bình xuống tỉnh Quý Châu điều tra nghiên cứu. Ngày 16 đến 18 tháng 7, Tập Cận Bình lại xuống Cát Lâm khảo sát, tìm kiếm các mô hình cho Kế hoạch 5 năm.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 5 sẽ là cuộc chiến công thành tiếp theo của Tập Cận Bình và phụ tá sau chiến dịch đả hổ đập ruồi. Nếu thành công nó có thể cải thiện được đời sống dân sinh, nhưng nếu thất bại nó sẽ đẩy Trung Quốc rơi vào bẫy thu nhập trung bình, điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và vai trò của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Soạn thảo quy hoạch hay kế hoạch thì dễ, nhưng thực hiện "lời hứa 5 năm" không đơn giản chút nào, nó không cho phép Tập Cận Bình lơ là dù chỉ một chút. Ông Tập Cận Bình và đội ngũ tham mưu đả hổ đập ruồi còn khả dĩ, nhưng quản trị nền kinh tế lại là chuyện khác, thành hay bại còn phải chờ xem, Đa Chiều kết luận.