Nhiều giáo viên huyện Kỳ Sơn nói bị ép đi thi giáo viên dạy giỏi

15/10/2019 06:50
Phan Tuyết
(GDVN) - Bộ chỉ mới ban hành văn bản thì chưa đủ, cần phải có tính hậu kiểm chặt chẽ để xử phạt thật nghiêm những địa phương không chấp hành tinh thần chỉ đạo.

Sau rất nhiều lùm xùm về cách tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, điển hình là việc dạy thử, gà bài, mớm bài và đặc biệt là việc bắt ép giáo viên phải tham gia Hội thi khi bản thân họ không có nhu cầu, để chấn chỉnh những nhũng nhiễu trên, ngày 05 tháng 02 năm 2016 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 558/BGDĐT-NGCBQLCSGD

Tổng kết Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh Hòa Bình năm 2018-2019 (Báo Hòa Bình).
Tổng kết Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh Hòa Bình năm 2018-2019 (Báo Hòa Bình).

Về việc lưu ý một số vấn đề liên quan đến tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Một số điểm lưu ý mang tính bắt buộc giáo viên phải tham gia Hội thi trong Công văn của Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn (Ảnh cắt từ Công văn)
Một số điểm lưu ý mang tính bắt buộc giáo viên phải tham gia Hội thi trong Công văn của Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn (Ảnh cắt từ Công văn)
Kết quả Hội thi để căn cứ đánh giá xếp loại thi đua của đơn vị, đây là một trong những điều vi phạm tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục (Ảnh cắt từ Công văn hướng dẫn của Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn).
Kết quả Hội thi để căn cứ đánh giá xếp loại thi đua của đơn vị, đây là một trong những điều vi phạm tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục (Ảnh cắt từ Công văn hướng dẫn của Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn).

Trong văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ:

* Việc tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp là do giáo viên tự nguyện, không được ép buộc giáo viên phải tham gia và không được tạo áp lực cho giáo viên để lấy thành tích cho nhà trường dưới mọi hình thức.

Không thực hiên theo văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có phải phép vua thua lệ làng?

Dù được Bộ Giáo dục và Đào tạo quán triệt chặt chẽ như thế nhưng hiện nay, khá nhiều địa phương đang cố tình vi phạm.

Giáo viên tại một số trường trung học cơ sở Kỳ Sơn tỉnh Hòa Bình đã cầu cứu Báo điện tử Việt Nam vào cuộc để phản ánh tình trạng nhiều trường học gây sức ép buộc giáo viên phải đăng ký dự thi.

Có người viết thật thống thiết “Hãy cứu tụi em với, dù không muốn đi thi nhưng vẫn bị nhà trường ép buộc. Nếu giáo viên không đi, nhà trường phải lập danh sách và phải nêu lý do gửi về phòng giáo dục…”.

“Chúng em phải biết làm sao vì đây không phải lần đầu mà năm nào cũng bị thúc ép như thế áp lực và mệt mỏi lắm?”

Nhà trường làm theo chỉ đạo của Phòng Giáo dục?

Trao đổi với chúng tôi về việc có ép buộc giáo viên phải đi thi giáo viên dạy giỏi hay không?

Một hiệu trưởng tại huyện Kỳ Sơn tỉnh Hòa Bình cho biết: Chúng tôi không ép buộc, chỉ làm theo Công văn hướng dẫn của phòng.

Chúng tôi phải lập danh sách giáo viên không dự thi và nêu rõ lý do vì sao không tham gia Hội thi gửi về phòng giáo dục”.

“Lập danh sách nêu lý do gửi về phòng” chính là điều mà nhiều giáo viên ngại nhất không muốn mình bị lọt vào danh sách ấy.

Vì biết lấy lý do gì để chối từ tham gia thi đây? Không thích thi ư? Vì sao không thích? Chuyên môn kém không đủ năng lực đi thi ư? Điều này lại quá nguy hiểm vì đã công khai thừa nhận mình yếu kém sẽ bị sa thải bất cứ lúc nào.

Nhiều giáo viên huyện Kỳ Sơn nói bị ép đi thi giáo viên dạy giỏi ảnh 4
Giáo viên vẫn đang bị ép viết sáng kiến kinh nghiệm và thi giáo viên giỏi

Hay sức khỏe không tốt để có thể tham gia Hội thi?

Lý do này càng không được vì không có sức khỏe đi thi sao có sức khỏe để giảng dạy?

Thế nên dù họ không bao giờ muốn đi thi cũng phải cố gắng chấp hành.

Bên cạnh đó, Công văn của Phòng Giáo dục và Đào tạo Kỳ Sơn còn nêu rõ: “Kết quả Hội thi là căn cứ để đánh giá, xếp loại thi đua của đơn vị và cá nhân…”.

Chẳng có trường học nào lại muốn bị xếp loại sau trường học khác, chẳng có lãnh đạo nhà trường nào lại muốn kết quả Hội thi làm sẽ ảnh hưởng đến thành tích của đơn vị mình.

Cái công văn chỉ đạo Hội thi giáo viên dạy giỏi của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn mặc dù không có dòng nào yêu cầu giáo viên bắt buộc phải tham gia Hội thi.

Nhưng với lưu ý "Tất cả các trường hộ không tham gia Hội thi phải lập danh sách về Phòng và nêu rõ lý do..." chẳng khác nào gọng kìm siết chặt trường học cũng như từng cá nhân thầy cô, bảo sao hiệu trưởng nào không dám tuân lệnh? Và giáo viên nào lại dám từ chối?

Chẳng hiểu sao Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình lại có thể ra công văn theo kiểu ép buộc giáo viên phải tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi như thế trong khi đã có văn bản 558/BGDĐT-NGCBQLCSGD hướng dẫn của Bộ Giáo dục?

Và tại sao quan điểm của Bộ Giáo dục về Hội thi giáo viên dạy giỏi chỉ xem như một sân chơi để giáo viên giao lưu, học hỏi thì tại Kỳ Sơn lại quy định đưa vào xét thi đua của giáo viên, của trường học tạo nên áp lực khá lớn cho nhà trường?

Lẽ nào Phòng Giáo dục và Đào tạo nơi đây phớt lờ sự chỉ đạo của Bộ để "phép vua" vẫn phải "thua lệ làng?"

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có biện pháp xử lý mạnh tay các địa phương vi phạm

Nhiều giáo viên huyện Kỳ Sơn nói bị ép đi thi giáo viên dạy giỏi ảnh 5
Tranh cãi gay gắt nên bỏ hay vẫn giữ kỳ thi giáo viên dạy giỏi

Ngoài việc chỉ đạo bằng cách ra Công văn chấn chính việc ép buộc giáo viên dự thi giáo viên dạy giỏi, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng đã khẳng định:

 “Quan điểm của Bộ là giảm thiểu tất cả những áp lực không đáng có nhưng đây không phải là áp lực mà là sân chơi tự nguyện, không để thành thành tích của tập thể, không có những yêu cầu hình thức.

Giáo viên tự nguyện, muốn khẳng định nghề nghiệp thì vào sân chơi, còn nếu không thì cũng không sao, vẫn có thể được ghi nhận bằng những hoạt động khác.

Như vậy có nghĩa không áp lực, không yêu cầu, đòi hỏi và nhà trường cũng không có cớ để bắt buộc bởi không phải là thành tích của nhà trường nữa”.

Thế nhưng trong thực tế các địa phương đang làm hoàn toàn ngược lại. Sở giáo dục ép xuống phòng, phòng lại ép xuống trường và trường đã trực tiếp ụp tất cả những áp lực ấy lên đầu giáo viên.

Do “thấp cổ bé họng” nên ít thầy cô dám lên tiếng phản ứng. Nếu có ai đó tỏ rõ chính kiến của mình thì ngay lập tức bị liệt vào thành phần chống đối, cứng đầu cứng cổ…và bao tai bay vạ gió, bao thiệt thòi sẽ phải gánh chịu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số: 558/BGDĐT-NGCBQLCSGD đã trực tiếp cởi “sợi dây thòng lọng” đang siết cổ giáo viên do nhiều địa phương tạo ra.

Thế nhưng chỉ ban hành văn bản thôi cũng chưa đủ, cần phải có tính hậu kiểm thật chặt chẽ để xử phạt thật nghiêm những địa phương không chấp hành tinh thần chỉ đạo của Bộ như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/se-khong-bo-thi-giao-vien-day-gioi-nhung-khong-ap-luc-thanh-tich-564754.html

Phan Tuyết